Xe ôm thời công nghệ

Sau vài thập kỷ “sống khỏe”, những người lái xe ôm truyền thống đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp bởi sự xuất hiện loại hình xe ôm thời công nghệ như Grabbike, Ubermoto của Grab, Uber,... Trước đó, các dịch vụ GrabCar, Grabtaxi, hay UberX, UberBlack đã từng khiến nhiều hãng ta-xi truyền thống lao đao do bị chia sẻ một lượng lớn khách hàng.

Lái xe ôm Grabbike hoạt động trên đường phố Hà Nội.
Lái xe ôm Grabbike hoạt động trên đường phố Hà Nội.

Gọi xe ôm bằng smartphone ?

Mới xuất hiện hơn một năm trở lại đây, xe ôm công nghệ được tạm định nghĩa là một loại hình dịch vụ gọi xe thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone) giống với loại hình dịch vụ của Uber và Grab. Với sự phát triển và phổ cập ngày càng rộng rãi của công nghệ, việc ngồi nhà, cầm một chiếc smartphone đặt xe không phải vấn đề quá khó khăn. Tâm lý của hành khách khi gặp xe ôm lạ thường rất sợ bị “chặt chém”, nhất là phụ nữ, người có tuổi, không thông thạo đường đi, giá cả. Vì thế, khi dịch vụ xe ôm công nghệ ra đời đã hấp dẫn rất nhiều người sử dụng. Chị Nguyễn Thị Tuyết trú tại đường Bạch Đằng (Hà Nội), một bà nội trợ thường xuyên đi Grabbike cho biết, dịch vụ này ngày càng phổ biến bởi nó nắm bắt được tâm lý của những người cần tính tiện lợi, nhanh chóng. Đồng thời, với giá cước khá rẻ: 11 nghìn đồng/2 km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo, ngoài ra lại biết đầy đủ thông tin về lái xe chở mình, từ họ tên, hình ảnh nhận diện, đến BS của xe, số điện thoại nên khách hàng sử dụng dịch vụ rất yên tâm. Vì vậy, khách chẳng sợ bị “chặt chém” và cũng không mất công mặc cả giá như xe ôm truyền thống.

Hiện nay, điều kiện để trở thành một lái xe ôm của Grab, Uber cũng rất đơn giản, chỉ cần bạn có xe máy và một chiếc smartphone cùng một số loại giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ như giấy đăng ký xe, bằng lái xe, sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu,... Sau khi làm xong thủ tục đăng ký, công ty sẽ hỗ trợ mũ bảo hiểm, áo mưa, khẩu trang,... và tài xế có thể bắt đầu "hành nghề". Vì thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không đòi hỏi điều kiện khắt khe nên hầu như người nào có xe máy và smartphone đều có thể trở thành lái xe ôm của các hãng. Anh Trần Hùng Cường, một tài xế xe ôm của hãng Grabbike thường bắt đầu công việc từ 6 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc nửa đêm. Anh cho biết, trung bình một ngày, nếu chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi chạy xe cũng được từ năm đến sáu chuyến, còn nếu chạy cả ngày có thể được từ 20 đến 30 chuyến. Công việc này không quá vất vả mà thu nhập khá ổn định, trừ chi phí xăng xe, điện thoại và 15% tiền phí mỗi chuyến nộp lại về công ty, một ngày anh cũng kiếm được từ 200 đến 300 nghìn đồng. Những hôm nhiều khách, thu nhập của anh nâng lên tới 400 nghìn đồng. “Dù cước phí rẻ nhưng do có sự hỗ trợ của công nghệ nên số lượng cuốc xe nhiều, cộng thêm các khoản thưởng doanh số theo ngày, tuần, tháng nên thu nhập của các tài xế Grabbike có thể đạt trên dưới 10 triệu đồng/tháng. So mức thu nhập trung bình hiện nay, đây cũng là một con số đáng mơ ước của những người lao động phổ thông như chúng tôi”, anh Cường cho biết thêm.

Cạnh tranh với xe ôm truyền thống

Sự phát triển của dịch vụ xe ôm công nghệ đã phá vỡ tính chất hoạt động của xe ôm truyền thống. Nếu như trước đây, muốn làm xe ôm phải trầy trật tìm chỗ đứng bắt khách, thì giờ đây chỉ với một chiếc smartphone, việc tìm khách hàng đã trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Tài xế xe ôm của các hãng như Grabbike hay Ubermoto có thể ung dung ngồi tại nhà hoặc tại quán nước mà vẫn tìm được khách đi xe. Điều này đã khiến không ít người chạy xe ôm truyền thống, vốn phải bạc mặt phơi nắng mưa ngoài đường vất vả lâu nay, bị rơi vào cảnh mất khách, chịu ế ẩm và ảnh hưởng lớn đến thu nhập.

Đã quá nửa buổi sáng nhưng chú Toàn, một người chạy xe ôm ở góc ngã tư đường Hai Bà Trưng - Bà Triệu (Hà Nội) vẫn không có một vị khách nào đến gọi xe. Chú nói: “Nếu như trước kia, mỗi ngày tôi kiếm được vài trăm nghìn đồng là chuyện bình thường, thì hiện nay, có những hôm đứng cả ngày ngoài đường cũng chỉ có một đến hai cuốc xe ngắn, được khoảng 50 nghìn đồng. Hiện giờ, nguồn thu nhập chính của tôi là từ những vị khách quen hoặc thỉnh thoảng được người ta nhờ ship (vận chuyển) vài món hàng, đi nộp tiền điện nước, chuyển giấy tờ,... chứ nếu chỉ trông chờ vào khách vẫy xe như trước thì đói cả ngày”. Cũng gặp cảnh đìu hiu, ế ẩm như chú Bình, bác Tiến - một tài xế xe ôm có thâm niên 15 năm cho rằng: “Khách đi xe bây giờ cũng có tâm lý không muốn ngồi lên những chiếc xe “cà tàng” của cánh xe ôm như chúng tôi, họ chỉ muốn ngồi trên những chiếc xe đời mới sạch sẽ, người lái trẻ trung, nhanh nhẹn, nên thu nhập của chúng tôi ngày càng eo hẹp. Bọn tôi già rồi, không rành công nghệ, lại không đủ tiền để mua điện thoại xịn, sắm xe đẹp nên về cơ bản chỉ chở khách quen, chạy đường gần để kiếm sống. Nhiều vị khách khuyên tôi nên nâng đời xe, trang bị smartphone, nhưng chuyện đó nằm quá khả năng, bởi trang bị đầy đủ những thứ này, cần tới vài chục triệu đồng chứ không ít”.

Từ cuối năm 2015, khi dịch vụ gọi xe Grab tung ra thị trường loại hình dịch vụ “xe ôm công nghệ” Grabbike và sau đó nửa năm là sự ra đời của Ubermoto của Uber đã khiến những người lái xe ôm truyền thống rơi vào cảnh lao đao, bởi sự đơn giản, tiện dụng và tiết kiệm đáng kể mà các dịch vụ trên đã mang lại. Phần lớn những người chạy xe ôm truyền thống mà chúng tôi tiếp cận đều đang rất lo lắng về tương lai của mình khi thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận được, xe ôm công nghệ tiện lợi hơn, an toàn hơn, giá rẻ hơn và như một quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, nó đang tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt đối với xe ôm truyền thống. Dịch vụ này đã làm tròn sứ mệnh của mình trong vài thập kỷ, cũng giống như đã từng chiếm lĩnh và thay thế chiếc xích-lô cũ kỹ. Giờ đây, hình thức kinh doanh mới lạ, mang lại sự tiện lợi cho người sử dụng, chắc chắn sẽ đào thải hình thức kinh doanh kém hiệu quả, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Thực tế, đã có rất nhiều bác tài xế xe ôm không thạo công nghệ bằng lớp thanh niên trẻ nhưng vẫn đang tham gia đội ngũ Grabbike, do phần mềm này được thiết kế rất đơn giản, dựa trên những ký hiệu linh hoạt, có tính phổ dụng cao đối với số đông người dùng. Những bác tài xế có phương tiện sản xuất cũ, sản xuất trước năm 2010, chúng tôi có sẽ cơ chế linh hoạt để kiểm định. Nếu xe còn chạy tốt, những phương tiện này vẫn được công ty chấp nhận cho hoạt động. Theo tôi, trở ngại lớn nhất để các bác tài xế xe ôm truyền thống không muốn chuyển qua chạy xe ôm công nghệ là do rào cản tâm lý ngại thay đổi.

Nguyễn Tuấn Anh

Giám đốc Công ty TNHH Grab Việt Nam