Sau bữa cơm tối, nhờ ông bà sang trông con, vợ chồng anh Hàng A Thái và chị Mùa Thị Dợ, dân tộc H’Mông, bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp vội vàng đến lớp học. Đây là một trong nhiều lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên nằm trong Chương trình xây dựng xã hội học tập vùng biên giới do những người lính mang quân hàm xanh đảm nhiệm đứng lớp. Là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng chưa đến 19 giờ, tại Trường tiểu học và THCS bán trú Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp đã đông vui, nhộn nhịp. Tiếng cười, tiếng nói của hơn 60 người dân trong bản Phá Thóng từ trẻ cho đến già, từ nam, nữ chưa xây dựng gia đình cho đến những người đã có gia đình hay đang nuôi con nhỏ… thật rôm rả. Ông Mường A Lồng, bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, người cao tuổi nhất của lớp xóa mù chữ bản Phá Thóng chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi phần lớn đều không được đi học. Cán bộ lên phát tờ rơi tuyên truyền cũng chỉ biết nhìn ảnh, còn chữ thì không biết. Thấy nhiều xã có lớp học như vậy, bà con trong bản đã họp và thống nhất làm đơn đề nghị bộ đội mở lớp dạy chữ cho những người chưa biết chữ. Gần 60 tuổi rồi nhưng tôi cũng phải cố gắng học để còn biết đọc, biết viết”.
PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, qua ba năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng xã hội học tập vùng biên giới, đến nay đã mở được 31 lớp xóa mù chữ tại các xã vùng biên cho gần 1.000 học viên với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để có được những lớp học như vậy, Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cho biết thêm: Với mong muốn duy trì và vận động được bà con tham gia đầy đủ các lớp học xóa mù chữ, lực lượng biên phòng phải ngày đêm bám bản để tuyên truyền, giải thích. Có những địa bàn, anh em phải tranh thủ buổi tối sau giờ bà con đi nương, hay phối hợp các già làng, người có uy tín đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân. Nhiều hộ cán bộ, chiến sĩ phải đi lại ba, bốn lần mới vận động thành công và sau đó không chỉ một người tham gia mà cả vợ chồng cùng xin tham gia lớp xóa mù chữ.
Là một trong những tỉnh Tây Bắc có đường biên giới giáp với nước bạn Lào, khu vực biên giới của Sơn La có gần 27.000 người thuộc 286 bản của sáu huyện, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mường, H’Mông, Khơ Mú, Sinh Mun, Tày và Lào cùng sinh sống. Cũng do điều kiện khó khăn, cho nên trẻ em tại các bản ít có điều kiện được quan tâm, chăm sóc. Đáng chú ý là phụ nữ thuộc một số dân tộc thiểu số do phong tục cũ cho nên từ nhỏ đã không được đi học, đến tuổi lấy chồng cũng không biết tiếng phổ thông. Bà Sồng Thị Dông, dân tộc H’Mông, bản Huối Pá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp bảo: “Ngày xưa, do nhà ở xa trung tâm, đường đi lại quá khó khăn và phong tục không cho trẻ em nữ đi học, nên tôi không được đến lớp. Sau khi tham gia lớp xóa mù chữ mở tại bản năm 2020, giờ tôi đã biết đọc, biết tính. Đến lớp, tôi còn học được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và xây dựng gia đình”.
Theo Thượng tá Đào Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, khó khăn bước đầu để tổ chức các lớp học là công tác tuyên truyền, vận động người chưa biết chữ đến lớp. Đơn vị đã trực tiếp bám trường, bám bản. Vào ban ngày, một số mô hình trồng rau, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm được thực hiện để người dân thấy được thực tế là phải học mới biết làm. Còn vào buổi tối thì lên lớp dạy chữ. Ngày đầu có số học viên ít, nhưng dần dần lớp học đông lên, trong bản ai chưa biết chữ đều mạnh dạn đăng ký đi học. Ngoài việc trực tiếp tham gia dạy xóa mù chữ, cán bộ, chiến sĩ thuộc các đồn biên phòng khi xuống địa bàn công tác còn nắm tình hình, bảo vệ biên giới, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; lồng ghép tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cho con em đi học đúng độ tuổi.
Thực tế cho thấy, Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang phát huy rất hiệu quả, được đánh giá cao. Thông qua lớp học, bà con còn được học hỏi và chia sẻ thêm các kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa nghèo và làm giàu trên quê hương. Chương trình góp phần củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.