Chỉ trong vòng gần hai tháng cuối năm 1964 đầu năm 1965, Bến Vũng Rô 4 lần tổ chức đón tàu cập bến, trong đó có 3 lần thành công, tiếp nhận hơn 200 tấn vũ khí, đạn dược và các nhu yếu phẩm cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bến tàu trong lòng địch
Tháng 5/1964, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm chọn địa điểm tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền bắc vào bằng đường biển. Tháng 7/1964, Thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam (thuộc Khu 5) tổ chức hội nghị liên tịch ở Suối Phẩn, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1 (nay là huyện Tây Hòa) để chọn bến bãi tiếp nhận. Qua đánh giá các yếu tố về địa hình, vị trí địa lý, tình hình địch, ta và nhân dân địa phương, hội nghị đã thống nhất chọn Bến Vũng Rô để đón tàu vào, vì Vũng Rô có đầy đủ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Đồng chí Trần Suyền, Ủy viên Thường vụ Liên Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên lúc bấy giờ thay mặt Liên Tỉnh ủy 3, Tỉnh ủy Phú Yên, Huyện ủy Tuy Hòa nhận nhiệm vụ tổ chức bến, hành lang, lực lượng bảo vệ để đón tàu vào và tiếp nhận cất giấu, vận chuyển vũ khí, hàng hóa về căn cứ.
Phú Yên cuối năm 1964 bị địch phong tỏa, ra lệnh cấm tất cả mọi phương tiện ra vào vịnh Vũng Rô. Ngay trên đỉnh đèo Cả, địch bố trí bốt canh gác với một trung đội, phía biển địch tổ chức các thuyền chiến đấu tuần tra, canh giữ…
Theo Thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng ban Liên lạc bến tàu không số Vũng Rô khẳng định “Ta mở Bến Vũng Rô ngay trong lòng địch là một thách thức. Nhưng chính sự chủ quan, cho rằng khu vực này là vùng cấm, vùng được kiểm soát cho nên địch sơ hở, mất cảnh giác. Lợi dụng thời khắc ban đêm đưa tàu chở vũ khí vào bến, tổ chức bốc dỡ an toàn... Ðó cũng là một trong những yếu tố bất ngờ tạo nên thành công của những chuyến tàu Không số vận chuyển vũ khí vào Vũng Rô”.
Ba chuyến tàu lịch sử vào bến
Những ngày này trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô đón nhận chuyến tàu Không số đầu tiên. Đã sắp bước sang tuổi 92, nhưng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh vẫn tích cực tham gia các hoạt động này.
Là nhân chứng lịch sử, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đã từng làm thuyền trưởng chỉ huy 12 chuyến tàu Không số đưa vũ khí vào miền nam, nhưng ký ức sâu đậm nhất của ông là 3 lần vào Bến Vũng Rô an toàn. “Tham gia 12 chuyến tàu chở vũ khí chi viện cho miền nam đánh giặc, nhưng có 3 lần chuyển vũ khí vào Bến Vũng Rô, về quê hương là tôi nhớ nhất, hạnh phúc nhất” ông Thạnh nói.
Lần thứ nhất vào đêm 22/11/1964, Tàu 41 do ông làm thuyền trưởng cùng 19 cán bộ, thủy thủ chở 63 tấn vũ khí xuất phát từ Hạ Long (Quảng Ninh). Trong hành trình vượt qua giông tố, nguy hiểm đúng như kế hoạch, 23 giờ 50 phút ngày 28/11/1964, Tàu 41 cập Bến Vũng Rô. Phút gặp gỡ giữa cán bộ, thủy thủ tàu và lực lượng của ta có mặt tại bến vô cùng xúc động và tràn ngập niềm vui sướng. Trong đêm bốc dỡ hàng, ông Thạnh nghe nói do bọn địch kiểm soát gắt gao, lực lượng làm nhiệm vụ ở bến thiếu gạo ăn…
Thế nên, khi họp để chuẩn bị chuyến thứ hai vào Phú Yên, ông đã đề xuất và được cấp trên đồng ý tặng ba tấn gạo cho lực lượng làm nhiệm vụ ở bến Vũng Rô. Do vậy, trong chuyến thứ hai Tàu 41 cập Bến Vũng Rô vào tối 25/12/1964, ngoài vũ khí cùng bốn cán bộ chi viện cho bến, tàu còn mang theo ba tấn gạo tám thơm tặng đơn vị ở Bến Vũng Rô. “Không thể kể hết tình cảm, niềm vui của quân, dân đơn vị Bến Vũng Rô khi đón nhận món quà này. Chúng tôi cũng vui mừng không kém khi chuyển quà miền bắc về cho quê hương…”-ông Thạnh nói.
Theo lời Anh hùng Hồ Ðắc Thạnh, chuyến thứ ba Tàu 41 chuyển vũ khí vào Bến Vũng Rô đúng đêm giao thừa. Được phép của cấp trên, cán bộ, thủy thủ tàu ở lại cùng lực lượng của ta ở bến đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ (1965) ngay trên tàu.
“Đêm ấy khi tàu đã vào Vũng Rô và thả neo, pháo địch bất ngờ bắn sáng trắng trời trên đèo Cả, cảm giác đầu tiên tôi nghĩ tới việc bị lộ, cho nên ra lệnh toàn tàu chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Nhưng ngay lúc đó, dưới buồng báo vụ, từ radio vang lên tiếng thơ chúc Tết của Bác Hồ, lúc ấy ai cũng lâng lâng hạnh phúc và biết rằng địch chỉ bắn pháo sáng đón giao thừa”, ông Thạnh nhớ lại…
Trong chuyến này, sau khi hoàn thành việc bốc dỡ hàng, lúc tàu chuẩn bị nhổ neo rời bến, có một cô dân công đến gặp và trao cho ông gói quà được gói cẩn thận trong chiếc khăn tay, và nói: “Bà con Phú Yên xin gửi theo tàu nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên trung, bất khuất, một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ. Nay có vũ khí của miền bắc chi viện, mảnh đất này sẽ lập nhiều chiến công”.
Nắm đất ấy được thuyền trưởng Hồ Ðắc Thạnh cất kỹ và luôn mang bên mình như báu vật. Sau này, nắm đất Vũng Rô được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân nhân dân Việt Nam. Hình tượng cô dân công miền nam trao nắm đất tặng thuyền trưởng Tàu 41 được tạc thành tượng đồng như một biểu tượng đẹp về nghĩa tình ruột thịt bắc-nam. Sau giải phóng, người thuyền trưởng Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đã tìm và gặp lại cô dân công ngày xưa, đó là bà Nguyễn Thị Tản đang sinh sống cùng gia đình tại huyện Tuy An.
Trở lại thăm Bến Vũng Rô dịp 60 năm tỉnh Phú Yên tổ chức kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Tản cùng nhiều nhân chứng lịch sử khác, gặp lại nhau ở tuổi xưa nay hiếm, họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của thời lửa đạn gian nan mà anh dũng. Theo lời bà Tản kể, năm 1964, bà mới 16 tuổi, cùng các đoàn viên, thanh niên trong xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa (Phú Yên) được chọn vào đội dân công làm nhiệm vụ tại bến. “Lúc đó, chú Sáu Suyền (đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy) và mấy chú nữa gợi ý cho chị em chúng tôi có quà gì tặng cho cán bộ, thủy thủ Tàu 41.
Tôi suy nghĩ, Bến Vũng Rô chẳng có món quà gì đáng giá để tặng cán bộ, thủy thủ tàu Không số. Mà chỉ nghĩ con người sống nhờ đất mà chết cũng gắn bó với đất; bao nhiêu đồng chí, đồng đội chiến đấu, hy sinh cũng để bảo vệ tấc đất quê hương, cho nên bằng mọi giá phải giữ lấy mảnh đất này. Vì thế, tôi chọn trao nắm đất Vũng Rô cho tàu ra miền bắc là muốn thể hiện quyết tâm của nhân dân Phú Yên chiến đấu đến cùng giữ lấy mảnh đất quê hương...”.
Qua 3 chuyến vận chuyển thành công, Vũng Rô tiếp nhận gần 200 tấn vũ khí, bổ sung kịp thời cho các lực lượng vũ trang Phân khu Nam… Tại Phú Yên khi được trang bị đầy đủ vũ khí, toàn tỉnh hoạt động mạnh và liên tục, mở ra vùng giải phóng nông thôn, đồng bằng, dồn địch co cụm lại ở thị trấn, thị xã, dọc trục giao thông thành 8 cụm chông chênh: Phú Lâm, Tuy Hòa, Củng Sơn, Cà Lúi, Phú Tân, La Hai, Xuân Phước, Sông Cầu, cùng với quân dân Phân khu Nam góp phần đánh bại Kế hoạch McNamara, đẩy chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đến chỗ phá sản hoàn toàn trên chiến trường Khu 5…
Phát huy truyền thống quê hương Phú Yên anh hùng, bằng ý chí quyết tâm sắt đá, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên chung sức, đồng lòng phát huy tinh thần tự lực tự cường, từng bước khắc phục khó khăn, khai thác mọi nguồn lực, tập trung xây dựng quê hương. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế Phú Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ khá cao và chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, bình quân giai đoạn 1990-2020 đạt khoảng 9%, riêng năm 2023 đạt 9,16% đứng thứ 10 cả nước.
Đây là tiền đề để Phú Yên từng bước tạo lập các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 đã được Thủ tướng phê duyệt. Điều này sẽ mở ra hướng phát triển cho tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ.
Năm 1997, Vũng Rô đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia; đến năm 2001, Bia di tích Bến Vũng Rô được xây dựng; sau đó Đài tưởng niệm Vũng Rô hoàn thành khắc ghi một sự kiện oai hùng trong lịch sử dân tộc. Hôm qua 28/11, tại Lễ kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số vào bến, tỉnh Phú Yên đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh trên biển do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 26/11/2024 (gồm thành phố Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Cà Mau). |