Cách đây vài năm, khi nhìn vào danh sách tác phẩm tham dự các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, người yêu sân khấu không khỏi ngán ngẩm vì loanh quanh chỉ toàn những gương mặt đạo diễn cũ. Cuộc tranh tài dành cho các đơn vị nghệ thuật trên cả nước vô hình trung tựa như cuộc “đọ sức so găng” của những đạo diễn “ăn khách” đã ở tuổi cao niên. Thời gian gần đây, cục diện có phần khả quan hơn khi ở các loại hình sân khấu đã xuất hiện thêm một số ít đạo diễn trẻ hơn.
Tuy nhiên, dù ít nhiều đã khẳng định mình ở một số vở diễn thì nhìn chung vẫn chưa có gương mặt đạo diễn mới thật sự để lại dấu ấn nổi bật, đủ sức vượt qua cái bóng của những đạo diễn “lão làng” đi trước. Thêm nữa, gọi là đạo diễn trẻ, nhưng phần lớn đã ở tuổi trên dưới 50, chủ yếu là những diễn viên đã thành danh chuyển sang làm đạo diễn. Hiếm người nào có tuổi dưới 45. Thực trạng này không khỏi khiến nhiều người lo lắng cho tương lai của nền sân khấu nước nhà. Câu hỏi đặt ra là sau các khóa đào tạo định kỳ ở các trường, vẫn có những đạo diễn trẻ tốt nghiệp, song tại sao đội ngũ đạo diễn sân khấu vẫn khan hiếm? Vấn đề nằm ở khâu đào tạo hay chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với đạo diễn trẻ?
Lý giải điều trên, nhiều người trong nghề cho rằng: nếu diễn viên khi ra trường có thể đến với sàn diễn sân khấu ngay thì con đường để những đạo diễn trẻ sau tốt nghiệp được hành nghề nan giải hơn nhiều. Muốn làm được công việc mang tính đặc thù này, đạo diễn phải đảm nhận vai trò tổng chỉ huy tất cả các khâu sáng tạo của vở diễn, phải có cái nhìn tổng thể, xâu chuỗi được toàn bộ đường dây diễn biến của tác phẩm. Điều này đòi hỏi người làm đạo diễn phải có vốn sống phong phú, có kinh nghiệm xử lý kịch bản và sân khấu.
Vì thế, muốn làm được nghề và trụ được với nghề, đạo diễn buộc phải chủ động dành thời gian lăn lộn, học việc từ thực tế để trau dồi thêm kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong khi đó, cuộc sống nhiều áp lực với gánh nặng cơm áo gạo tiền cho nên không nhiều người sau khi tốt nghiệp đủ kiên nhẫn để tiếp tục theo đuổi đam mê. Đó là chưa kể, cơ hội để những đạo diễn trẻ có thể thực hành nghề nghiệp cũng không nhiều, cho nên số người theo nghề cứ thế rơi rụng dần. Lãnh đạo một nhà hát sân khấu truyền thống từng thẳng thắn bộc bạch: Mặc dù đơn vị cũng có những nghệ sĩ trẻ đi học đạo diễn, nhưng mỗi năm, nhà hát chỉ có kinh phí dựng vài ba vở để mang đi biểu diễn, thi thố, cho nên không ai dám giao vở cho những đạo diễn còn non kinh nghiệm.
Nếu làm vở không tới sẽ rơi vào tình cảnh “xôi hỏng bỏng không”, cả đơn vị bị thất thu kinh phí và những lần sau khó xin đầu tư. Vì thế, để an toàn, các đơn vị thường phải mời các đạo diễn hạng sao, đã thành danh và như vậy mọi thứ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn khiến các đạo diễn trẻ vẫn không có “đất” để trưởng thành. Nhằm tạo sự cọ xát nghề nghiệp cần thiết và để tìm kiếm những gương mặt đạo diễn trẻ tài năng, cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ sân khấu đã được tổ chức, song không thể diễn ra định kỳ, cũng chẳng thể thu hút nhiều đạo diễn trẻ tham gia bởi không phải ai cũng có điều kiện hay được đầu tư kinh phí dàn dựng tác phẩm mang đi tham dự, nhất là với các đạo diễn tự do. Nhiều cái khó bó cái khôn, nên thực trạng đội ngũ đạo diễn sân khấu vẫn thưa thớt, tiêu điều.
Đã đến lúc, cần phải có sự đầu tư chiến lược để phát triển đội ngũ đạo diễn tài năng vì sự phát triển bền vững của sân khấu nước nhà. Chia sẻ tại hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, giải pháp và định hướng phát triển”, PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái cho hay: Từ sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình trở lại miền bắc Việt Nam, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã bắt tay ngay vào xây dựng nền sân khấu Việt hiện đại, chuyên nghiệp.
Một mặt, Nhà nước cử người đi học nghề sân khấu ở nước ngoài với chiến lược học tập, tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới, bảo tồn, phát huy bản sắc sân khấu truyền thống dân tộc, đặng làm giàu cho nền sân khấu Việt Nam hiện đại…; mặt khác, chủ động mời đạo diễn giỏi nghề ở nước ngoài sang Việt Nam thực hành dựng vở cho các đoàn kịch chủ chốt thời bấy giờ. Cả hai “cử chỉ” văn hóa đó đã chính thức đưa sân khấu Việt Nam hiện đại thoát ly khỏi tính nghiệp dư, tài tử khi đó. Từ khi nghề đạo diễn được đào tạo chuyên nghiệp đã xuất hiện ba thế hệ đạo diễn vàng của sân khấu kịch Việt Nam. Sân khấu Việt đã hoàn tất công nghệ lớn cho việc ra đời vở diễn kịch. Nghệ thuật đạo diễn cũng đã tác động tích cực đến việc dựng các vở chèo, tuồng, cải lương…
Tuy nhiên, so với thời hoàng kim, sân khấu hiện nay thiếu vắng đội ngũ đạo diễn được đào tạo bài bản từ các nền sân khấu phát triển của thế giới. Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ cho biết, nhiều năm trở lại đây, đội ngũ đạo diễn sân khấu đa phần là tự học, hoặc học trong nước. Nhiều đạo diễn xuất thân từ diễn viên, vì đam mê sân khấu mà tự bỏ tiền túi đi học. Ai không có điều kiện thì theo học trong nước, ai có điều kiện thì ra nước ngoài du học. Việc này cũng cần khuyến khích, nhưng dẫn đến tình trạng phân bổ lực lượng đạo diễn không đồng đều ở các địa phương, đơn vị. Vì thế, theo Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ, công tác đào tạo mới và nâng cao chuyên môn cho đạo diễn cần có sự điều tiết của các nhà chuyên môn. Đã đến lúc nên đưa các học viên ra nước ngoài học tập, nếu không thì đi tập huấn ở những nước có nền sân khấu phát triển trong thời gian ba tháng, sáu tháng hoặc một năm. Việc tham quan, học tập ngoài nước sẽ giúp chúng ta tiếp cận những cái mới, hay của các nước.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thời điểm hiện tại là cơ hội của những đạo diễn trẻ bởi các đạo diễn gạo cội tuổi đã cao và dần nhường sân cho lớp trẻ. Không ai học xong có thể thành đạo diễn tài năng ngay. Vì thế, các đạo diễn trẻ nhất thiết cần đi theo các đạo diễn lão làng để lấy kinh nghiệm, học cách sử dụng các mảng miếng, cách xử lý sân khấu để có thể ứng dụng trên thực tế. Để tạo nguồn đạo diễn tài năng cho sân khấu, cần tính tới chuyện mạnh dạn trao cơ hội cho các đạo diễn đi học ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, thiết thực và đỡ tốn kém hơn là mời các đạo diễn giỏi ở nước ngoài về Việt Nam để tổ chức những khóa đào tạo cho đội ngũ đạo diễn trong nước. Cách thức này sẽ giúp các đạo diễn trên toàn quốc có cơ hội học tập, cọ xát và mở mang kiến thức. Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi cho biết, trong tháng 10/2022, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ mời đạo diễn từ Nhật Bản tới và tổ chức ngay lớp tập huấn ngắn hạn dành cho các đạo diễn trong nước. Thời gian tới, Hội cũng sẽ cố gắng mời thêm các đạo diễn tài năng từ nhiều nước khác tới chia sẻ kinh nghiệm.