Tham luận của đại diện Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính

Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước

NDO -

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài chính đọc tham luận của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27-1.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng đọc tham luận tại Đại hội.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đọc tham luận tại Đại hội.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra ngay trong những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2021, năm đầu của Kế hoạch phát triển 5 năm và Chiến lược 10 năm với khí thế, sự vững tin, khát vọng, ý chí quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, hướng tới mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Một trong những khía cạnh quan trọng thể hiện sự thịnh vượng, phồn vinh của một quốc gia là sức mạnh của nền tài chính quốc gia; bao gồm cả tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tổ chức và tài chính dân cư; là nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

1. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm kỳ vừa qua, nền tài chính quốc gia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp quyết định vào các thành quả của đất nước, thể hiện ở một số điểm lớn sau:

Thứ nhất, đã đi tiên phong trong quá trình hoàn thiện thể chế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại đồng bộ NSNN, nợ công, thúc đẩy quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập, cải thiện các cân đối lớn, tăng cường ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự xã hội, chủ quyền dân tộc. Cụ thể:

- Về thu NSNN: Đã xây dựng được hệ thống thu tương đối hiện đại, bao quát các nguồn thu, công khai, minh bạch và bảo đảm động viên hợp lý, có tính cạnh tranh trong khu vực, thế giới, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước [1] để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, bảo đảm nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế được đổi mới theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro thu nộp Ngân sách Nhà nước lớn, các doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn, các doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án, có dấu hiệu chuyển giá...; quyết liệt xử lý thu nợ thuế.

Nhờ vậy, nên mặc dù thực hiện điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu, cắt giảm thuế quan, xóa bỏ các khoản phí, lệ phí không phù hợp và đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, nhưng quy mô thu NSNN cả giai đoạn 2016-2020 vẫn gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015, đạt trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của  Đảng (20-21% GDP), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20-21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (không thấp hơn 23,5% GDP).   

Cơ cấu thu hiện đại hơn, bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập của nền kinh tế. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, năm 2020 đạt trên 85%, tính chung cả giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 82% tổng thu NSNN, tăng đáng kể so với mức 68,7% giai đoạn 2011-2015, thu ngân sách từ tài nguyên khoáng sản và từ thuế xuất, nhập khẩu giảm từ mức bình quân 30% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 17,8% giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ trọng thu dầu thô trong tổng thu NSNN năm 2020 chỉ còn 2,3%, giảm mạnh so với mức 15-18% những năm 2011-2012.

Theo phân cấp, thu ngân sách địa phương (NSĐP) có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng đã góp phần tăng cường tính tự chủ cho NSĐP. Tỷ trọng thu NSĐP trong tổng thu NSNN đã tăng từ 37,4% giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 45% giai đoạn 2016-2020; quy mô thu NSĐP giai đoạn 2016-2020 gấp khoảng 1,9 lần giai đoạn 2011-2015, cao hơn mức tăng quy mô thu NSNN nói chung (khoảng 1,6 lần). Số lượng các địa phương có số thu NSNN trên địa bàn vào nhóm trên 10.000 tỷ đồng, từ 5.000 nghìn đến dưới 10.000 tỷ đồng và từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng không ngừng tăng qua các năm, cụ thể: năm 2016 tương ứng là 15 địa phương, 11 địa phương và 37 địa phương thì đến hết năm 2020 tương ứng là 30 địa phương, 16 địa phương và 16 địa phương.

Về chi NSNN: Hệ thống pháp luật về quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi NSNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả [2]; lần đầu xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm, thực hiện phân bổ nguồn lực trong phạm vi khả năng của nền kinh tế, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trung hạn, cải thiện tính dự báo, tạo chủ động cho các đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách; đẩy mạnh khoán, đấu thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ đi đôi với siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách; thực hiện thu - chi trong phạm vi dự toán; chuyển nguồn theo quy định của Luật NSNN; triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên từ NSNN gắn với việc đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm biên chế; xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các đô thị trọng điểm về kinh tế, chính trị của đất nước...

Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, quy mô chi bình quân năm năm 2016-2020 khoảng 27,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP); cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng, về nguồn nhân lực.

Tỷ trọng bố trí chi đầu tư phát triển nguồn NSNN trong giai đoạn 2016-2020 đạt 28-29% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25-26%), tập trung cho các công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn, nâng cao khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế [3], cải thiện mạnh mẽ hạ tầng nông nghiệp, nông thôn [4],... Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) [5] của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng tăng 22 bậc (từ 99/140 năm 2015 lên 77/141 năm 2019).

Đồng thời, tiếp tục ưu tiên bố trí chi ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng như giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, môi trường theo các nghị quyết của Đảng và Quốc hội; dành nguồn tăng chi cải cách tiền lương công chức, viên chức, lương hưu và trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công (trong giai đoạn 2010-2020, đã tăng gấp hơn hai lần); thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, phát triển hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân các địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số [6], góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân vào đường lối Đảng và Nhà nước.

- Về cân đối NSNN: Đã hoàn thiện thể chế, quy định các nguyên tắc tính bội chi ngân sách phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; chẳng hạn như bội chi ngân sách chỉ dành cho đầu tư phát triển hay quy định giới hạn dư nợ vay của ngân sách địa phương gắn với khả năng trả nợ của địa phương...

Đồng thời bám sát mục tiêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, đã quản lý, điều hành chặt chẽ, giảm bội chi NSNN, bình quân các năm 2016-2019 ở mức 3,5% GDP, trong đó, các năm 2017-2019 bội chi còn 2,95% GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP.

Về quản lý nợ công: Hoàn thiện thể chế quản lý nợ công theo nguyên tắc thị trường, thống nhất đầu mối quản lý [7]; tăng cường công khai, minh bạch; phát triển hệ thống các công cụ nợ như chiến lược nợ công 10 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm và hàng năm, đồng bộ với kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn; phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế [8] trong việc phân tích bền vững nợ; hướng đến quản lý nợ công chủ động, tiếp cận thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia...

Xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường quản lý quy mô, chủ động cơ cấu lại nợ công. Tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm (gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011- 2015) xuống còn 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu nợ chuyển biến tích cực, quy mô nợ công giảm từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,8% GDP vào cuối năm 2020; nợ Chính phủ giảm từ mức 52,7% năm 2016 xuống 49,6% GDP; tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên khoảng 63% năm 2020, kéo dài kỳ hạn phát hành, lãi suất vay giảm sâu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Kết quả tích cực từ quá trình cơ cấu lại NSNN giai đoạn 2016-2019 đã tạo dư địa quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, cho phép chúng ta chủ động, kịp thời thực hiện hệ thống các giải pháp miễn, giảm, giãn, gia hạn khoảng 128 nghìn tỷ đồng thu NSNN, đồng thời bảo đảm nguồn đáp ứng nhu cầu chi phòng chống đại dịch Covid-19, chi cứu trợ cứu nạn, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất; đảm bảo nguồn chi các nhiệm vụ chính trị quan trọng theo dự toán, trong đó có chi đầu tư phát triển (gồm dự toán năm 2020 và số chuyển nguồn của các năm trước sang khoảng 630 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ nền kinh tế; trong khi vẫn thực hiện được mục tiêu giảm bội chi, bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,6% GDP (mục tiêu là dưới 3,9% GDP) và kiểm soát nợ công thấp hơn nhiều so với trần quy định, cuối năm 2020 ở mức 55,8% GDP.

Thứ hai, hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý thị trường chứng khoán, bảo hiểm [9]; triển khai tích cực Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; lần đầu đưa vào hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh [10], đẩy mạnh cơ cấu lại [11], hiện đại hóa, phát triển các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính phù hợp với đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các cam kết hội nhập.

- Quy mô huy động vốn qua TTCK ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 29% so với giai đoạn 2011- 2015, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội. Đến ngày 31/12/2020, chỉ số chứng khoán VN-Index đạt 1103,8 điểm, tăng khoảng 284 điểm (34,6%) so với thời điểm đầu năm (820 điểm); quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 84% GDP, quy mô dư nợ thị trường trái phiếu đạt trên 46% GDP (mục tiêu đề ra [12] tương ứng là 70% GDP và 30% GDP), dần trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Theo Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, chỉ số vốn hoá thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng 18 bậc từ vị trí 50 (năm 2018) lên vị trí 32 (mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 là tăng từ 10 đến 15 bậc trong năm 2019-2020). [13]

- Thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng cao, đóng vai trò bà đỡ quan trọng xử lý các rủi ro, tình huống bất khả kháng phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, góp phần ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và có đóng góp đầu tư cho nền kinh tế.

Giai đoạn 2016-2020, tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 19%/năm, ước đạt trên 526 nghìn tỷ đồng năm 2020; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 19,4%/năm, ước đạt trên 226 nghìn tỷ đồng năm 2020; tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 13,1%/năm, ước đạt trên 100 nghìn tỷ đồng năm 2020.

Thực hiện cấu trúc lại tổ chức thị trường dịch vụ tài chính [14], nâng cao năng lực tài chính, quản trị, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; phát triển, mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá[15]; tăng cường công khai, minh bạch thị trường.

Thứ ba, triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, ngành Tài chính cũng đi tiên phong trong việc sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn đội ngũ công chức, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy. Tính đến nay, Bộ Tài chính đã cắt giảm 4.328 đầu mối các đơn vị, giảm 6.460 chỉ tiêu biên chế (tương đương 8,7% so với năm 2015); dự kiến đến năm 2021, giảm được 10% so với năm 2015, theo đúng Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Đồng thời triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, ngành tài chính đã đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, 8 năm liên tiếp (kể từ năm 2013 đến năm 2020) dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang Bộ.

Đến nay, các doanh nghiệp đã cơ bản thực hiện toàn bộ các thủ tục khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, thủ tục hải quan trên môi trường điện tử. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2016-2020, đã giảm số giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội từ 872 giờ năm 2015 xuống còn 384 giờ năm 2020 (giảm 488 giờ); giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu từ 21 ngày năm 2015 xuống còn 115-130 giờ năm 2020; chỉ số nộp thuế 5 năm tăng 64 bậc, riêng năm 2019 tăng 22 bậc [16], ngang bằng nhóm ASEAN 4; trong bảng xếp hạng chi phí tuân thủ 8 nhóm thủ tục hành chính [17] từ thấp đến cao, thuế được xếp ở vị trí thứ nhất, hải quan được xếp ở vị trí thứ 3.

Với những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, nền tài chính quốc gia đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thời gian qua.

Đặc biệt, kết quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 đã củng cố tiềm lực nền tài chính quốc gia theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời tạo dư địa huy động thêm nguồn lực để phòng, chống đại dịch Covid19, hỗ trợ nền kinh tế tránh được suy thoái, đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn tới.

2. Về quan điểm, định hướng, mục tiêu Chiến lược 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 05 năm 2021-2025, chúng tôi nhất trí cao với các Báo cáo của Trung ương trình Đại hội.

Trên cơ sở kết quả đạt được, dự báo bối cảnh thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò định hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi xác định, nhiệm vụ của ngành tài chính trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN, nợ công; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; hoàn thiện việc sắp xếp khối DNNN, đổi mới quản trị theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý; cải thiện mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, sự nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia. Trong đó tập trung:

Thứ nhất, hoàn thiện, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách giá cả, tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán, cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… khơi thông và phân bổ các nguồn lực tài chính theo tín hiệu thị trường, ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; chuyển dịch đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ trong môi trường hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết FTA trước đây, đồng thời chủ động triển khai các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA…).

Về thể chế quản lý NSNN, tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hướng Chính phủ quản lý các cân đối lớn, giữ vai trò định hướng phát triển chung cho cả nước. Xây dựng cơ chế quản lý tài chính ngân sách phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của năm đô thị trung tâm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Thứ hai, phát triển hệ thống thu hiện đại, gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập và thông lệ quốc tế, bao quát nguồn thu, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội, bảo đảm tính trung lập, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiện đại, thuận tiện, điều tiết thu nhập hợp lý; đồng thời tăng tính bền vững, bảo đảm nguồn thu đáp ứng các nhu cầu quản lý, điều hành, phát triển nền kinh tế trong tình hình mới.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường, đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, thực hiện “xã hội hóa” trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai quản lý ngân sách trung hạn, theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; gắn kết chặt chẽ chi đầu tư với chi thường xuyên; mở rộng việc áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính, sự nghiệp công, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công; cải thiện mạnh mẽ hiệu quả, hiệu lực chi tiêu công.

Quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô vững chắc; cải thiện dư địa chính sách tài khóa, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Thứ tư, quyết liệt thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Khẩn trương hoàn thiện thể chế; hoàn thành lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công, chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, định mức kinh tế, kỹ thuật; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; và 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Thứ năm, khẩn trương hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, tinh gọn số lượng, tập trung nguồn lực đầu tư nhà nước vào các doanh nghiệp nhà nước có vị trí quan trọng, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ cấu lại, phát triển các doanh nghiệp này theo cơ chế thị trường, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, minh bạch, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay. Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công trọng yếu (NSNN, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp…).

Thực hiện hiệu quả nguyên tắc chi trong khả năng nguồn lực, vay trong khả năng trả nợ, gắn trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng, với quản lý bội chi, trả nợ và trách nhiệm giải trình; hoàn thiệu cơ sở dữ liệu về thu, chi, nợ công, tài sản công, tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, điều hành tài chính công ở cả phạm vi vĩ mô và vi mô; nâng cao tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Nâng cao năng lực, chất lượng và mở rộng hoạt động của công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính theo nguyên tắc rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường hiệu lực của hệ thống giám sát nội bộ, vai trò của công tác giám sát từ xa; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương để xử lý có hiệu quả các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thu hồi tối đa cho Nhà nước tiền, tài sản bị vi phạm, chiếm đoạt.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới là khá nặng nề, nhưng với ý chí và quyết tâm cao, ngành Tài chính xin hứa trước Đại hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nhiệt huyết, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính-NSNN, củng cố tiềm lực, giữ vững an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

-------- 

[1] Vốn đầu tư khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh nhất, giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân 12,1%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 13%/năm, đến năm 2020 chiếm 45,6% tổng đầu tư xã hội (năm 2011 là 38,5%). Cùng kỳ, khu vực FDI bình quân tăng 8,5% và 7,6%, đến năm 2020 chiếm 21,5% (năm 2011 là 24,5%).

Trong 5 năm qua, mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, thu hút hơn 170 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần.

[2] Đã đổi mới căn bản công tác phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, cơ cấu lại chi ngân sách, chi đầu tư công gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Quản lý nợ công; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2014; Luật Đầu tư công năm 2015...

[3] Như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Trung Lương - Mỹ Thuận, Hòa Lạc - Hòa Bình,...; đầu tư hạ tầng cung cấp điện cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cấp điện lưới quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cô Tô, Vân Đồn,...

[4] Hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục... khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ. Đến nay 99,7% số xã đã có trường tiểu học và mẫu giáo, 99,5% số xã có trạm y tế. Năm 2020 có khoảng 63% xã đạt chuẩn (mục tiêu là 50%), tăng mạnh so với mức 17,5% năm 2015; có 170/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 155 đơn vị so với năm 2015.

[5] Do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố dựa trên kết quả thực hiện tại 141 nước, qua 103 chỉ số được nhóm thành 12 trụ cột (GCI 2018 bao gồm 98 chỉ số). Các trụ cột bao quát các yếu tố kinh tế - xã hội như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, mức độ năng động trong kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo.

[6] Đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,75%, tăng tỷ lệ bao phủ về bảo hiểm y tế đạt hơn 90%

[7] Đã quy định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan (luật năm 2017 đã thống nhất đầu mối quản lý nợ công về Bộ tài chính); đảm bảo vai trò quyết định của Quốc hội; vai trò Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, từ việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay đến việc trả nợ.

[8] Như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

[9] Đã trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

[10] Tháng 8-2017.

[11] Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15-2-2012 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012 phê duyệt Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm; Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 phê duyệt chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020. Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường vốn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định số 242/QĐ-TTG ngày 12-3-2019

[12] Mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định số 450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tài chính đến năm 2020.

[13] Theo báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2020 do Tổ chức WIPO xây dựng.

[14] Đã trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, bảo hiểm; Luật Kế toán và kiểm toán độc lập; Luật Giá; xổ số và trò chơi có thưởng; phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm...

[15] Trên thị trường đã có hàng chục doanh nghiệp dịch vụ kiểm toán, kế toán có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động.

[16] Theo Báo cáo Đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24-10-2019

[17] Báo cáo Chỉ số APCI của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Gồm 8 nhóm thủ tục hành chính được coi là quan trọng đến hoạt động của doanh nghiệp, gồm: (i) Khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; (ii) thuế; (iii) đầu tư; (iv) giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (v) hải quan; (vi) đất đai; (vii) môi trường; và (viii) xây dựng.