Trong những ngày tháng tư lịch sử này, hòa chung không khí của đồng bào cả nước chào mừng 32 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, các thế hệ cán bộ, viên chức và sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngôi trường sư phạm giữa lòng cố đô Huế lịch sử và anh hùng.
Cách đây 50 năm, Trường đại học Sư phạm Huế (ÐHSP) ra đời. Trong 18 năm dưới chế độ cũ, ÐHSP Huế là một địa chỉ đào tạo chủ yếu để đáp ứng nhu cầu giáo viên cho các tỉnh ven biển miền trung và Tây Nguyên. Từ giảng đường này, hàng chục nghìn cô giáo, thầy giáo đã về tận những làng quê xa xôi, góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Ngôi trường bên sông Hương, giữa lòng thành Huế này cũng là lá cờ tiên phong của phong trào học sinh, sinh viên miền nam đấu tranh chống chế độ Mỹ, ngụy, đòi tự do, dân chủ và độc lập dân tộc. Bằng tuổi trẻ và nhiệt huyết cách mạng, sinh viên ÐHSP Huế các thế hệ đã bước tiếp bước, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống lại chế độ Mỹ, ngụy, góp phần cùng đồng chí, đồng bào miền nam và cả nước làm nên Ðại thắng mùa Xuân năm 1975.
Sau ngày giải phóng, ngoài việc tiếp tục đào tạo các lớp sinh viên đang học tại trường và chuẩn bị tuyển sinh khóa đầu tiên sau giải phóng, ÐHSP Huế tập trung xây dựng bộ máy lãnh đạo cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường, các tổ chức đoàn thể và thêm tám khoa đào tạo giáo viên THPT, gồm: toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa và ngoại ngữ. Ðảng bộ ÐHSP Huế phát huy vai trò lãnh đạo của mình, đề ra các giải pháp phát triển cho nhà trường qua các thời kỳ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đổi mới đào tạo, đổi mới công tác quản lý giáo dục.
Năm 1994, Trường ÐHSP Huế trở thành một trong bảy thành viên của Ðại học Huế. Xác định đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhà trường đã tập trung và đầu tư thích đáng cho công tác này. Sau bảy năm thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo về đổi mới phương pháp dạy và học, ÐHSP Huế thu được những kết quả quan trọng, chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt. Giảng viên và sinh viên đều thích ứng với cách dạy và học mới theo công thức 5-3-2 (50% dạy lý thuyết; 30% thảo luận, làm bài tập; 20% giải đáp thắc mắc). Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng thương hiệu đào tạo, trường chủ trương phát triển quy mô và loại hình đào tạo một cách hợp lý trên năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất của trường và nhu cầu xã hội. Qua nhiều năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, ÐHSP Huế có được một hệ đào tạo đại học chính quy với 15 ngành. Mỗi năm tuyển sinh từ 1.200 đến 1.300 sinh viên. Tổng số sinh viên các hệ đào tạo của ÐHSP Huế hằng năm lên tới mười nghìn người với các lớp học nằm ở hơn 20 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở vào. Ðặc biệt, với loại hình chuyên tu, ÐHSP Huế phối hợp với tỉnh Khánh Hòa từ năm 1992, với TP Hồ Chí Minh từ năm 1994 và nhiều tỉnh khác cho những năm sau đó. Riêng TP Hồ Chí Minh, ÐHSP Huế đào tạo nâng chuẩn cho hơn mười nghìn giáo viên đạt trình độ đại học sư phạm đang công tác tại các trường THCS và hơn ba nghìn giáo viên đạt chuẩn cho các tỉnh khác trong vùng. Từ năm 1994, ÐHSP Huế bắt đầu đào tạo sau đại học và hiện tại đang tổ chức đào tạo 27 chuyên ngành Thạc sĩ và sáu chuyên ngành Tiến sĩ. Quy mô đào tạo hằng năm khoảng 600 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Cũng từ năm học 2006-2007 này, ÐHSP Huế triển khai đề án: "Hỗ trợ đào tạo sau đại học cho các tỉnh khó khăn Tây Nam Bộ, Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên". Hiện tại trường bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên của ngành Vật lý theo chương trình và giáo trình tiên tiến với sự liên kết của Trường đại học Virginia (Hoa Kỳ).
Một nhiệm vụ quan trọng khác của ÐHSP Huế là nghiên cứu khoa học, tập trung vào các đề tài thuộc ba lĩnh vực: Khoa học xã hội - nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học giáo dục. Riêng các đề tài về khoa học giáo dục chiếm gần 63%, gắn liền với nội dung đổi mới giáo dục phổ thông, đại học và sau đại học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường đã thực hiện 28 đề án nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên, 100 đề tài cấp bộ, 180 đề tài cấp trường và 207 đề tài cấp khoa. Các đề tài về khoa học cơ bản giải quyết các vấn đề có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn của chuyên ngành trên cả hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm. Các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng giải quyết các vấn đề liên quan sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh khu vực miền trung. Các đề tài về khoa học giáo dục tập trung giải quyết vấn đề về đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục...
Sau 50 năm trưởng thành, ÐHSP Huế đã tạo được một dáng vóc bề thế, uy tín cả về chất lượng, quy mô đào tạo và cơ sở vật chất. Hiện tại, ÐHSP Huế đã có một đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng với 381 người, trong đó có 245 giảng viên, 18 PGS, 74 TS, 107 thạc sĩ...
Chiến lược phát triển của ÐHSP Huế đã được Ðại hội Ðảng bộ nhà trường khóa 12 xác định, là tiếp tục đa dạng hóa và mở rộng quy mô đào tạo một cách hợp lý trên cơ sở nhu cầu xã hội. Mở rộng một số chuyên ngành đào tạo mới, tăng dần quy mô đào tạo sau đại học để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông từ nay đến năm 2010 nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế xã hội đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH đất nước. Mở rộng đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học ra các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ. Theo đó, quy mô đào tạo sẽ tăng mạnh cả về loại hình, ngành nghề và số lượng sinh viên.
PHÁT huy truyền thống của một ngôi trường có bề dày 50 năm vẻ vang cùng đất nước, cán bộ, viên chức và sinh viên ÐHSP Huế hôm nay quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Ðảng và nhân dân giao phó và kỳ vọng. Quyết tâm ấy đã được khẳng định thông qua Nghị quyết của Ðại hội Ðảng bộ ÐHSP Huế lần thứ 12: "Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ và sinh viên. Tiếp tục đổi mới có hiệu quả phương pháp giảng dạy theo hướng nâng cao tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, quản lý hành chính, nghiên cứu khoa học. Xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo... phấn đấu xây dựng trường trở thành trung tâm sư phạm chất lượng cao, góp phần xây dựng Ðại học Huế trở thành đại học trọng điểm".