Thí dụ như sản phẩm cam Quỳ Hợp. Với hơn 1.500 ha, sản lượng cam bình quân đạt khoảng 12 nghìn tấn/năm, Quỳ Hợp được xem là địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh Nghệ An. Hiện, cam Quỳ Hợp đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng hầu hết qua thương lái chứ không có hợp đồng tiêu thụ cụ thể, bền vững. Bên cạnh đó, sản phẩm cam vẫn chủ yếu đang bán quả tươi, một số hộ có sơ chế, bảo quản bằng các biện pháp thủ công, truyền thống dẫn đến tổn thất sau thu hoạch là khá lớn. Mặt khác, công nghệ chế biến các sản phẩm từ cam còn hạn chế cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu nước uống từ trái cây của thị trường.
Một sản phẩm khác là tương Nam Đàn. Mỗi năm cả làng nghề tương Nam Đàn sản xuất từ 400 đến 420 nghìn lít tương, bình quân mỗi ngày đưa ra thị trường 3.000 lít. Dù tương Nam Đàn từ lâu đã trở thành sản phẩm gắn liền với tên tuổi địa danh du lịch nổi tiếng này nhưng việc xây dựng bảo hộ thương hiệu đến nay vẫn chưa làm được. Chính vì vậy, sản phẩm vẫn chủ yếu bán thông qua truyền miệng chứ chưa được quảng bá hay có cách thức tiêu thụ bài bản.
Trên địa bàn, nhiều nông dân mong muốn sản xuất cam an toàn theo quy trình tiêu chuẩn VietGap... nhằm tiến tới đưa sản phẩm cam Quỳ Hợp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đối với một số làng nghề khác, nông dân cũng mong muốn sản phẩm của mình có nhãn mác, được công nhận tiêu chuẩn chất lượng và tiếp thị tiêu thụ một cách bài bản. Trước thực trạng đó, những người sản xuất trực tiếp như nông dân chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý, các ngành chức năng chỉ đạo nông dân ở từng vùng đồng nhất về giống, quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, để đồng nhất về sản phẩm. Đồng thời có chương trình, kế hoạch sớm xây dựng thương hiệu cho một số nông sản đặc sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập cao hơn cho mỗi hộ nông dân từ những sản phẩm truyền thống.