Phóng viên: Trong ngày khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII. Đồng chí tâm đắc với những vấn đề nào nhất trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?
Đồng chí Lê Ánh Dương: Không riêng tôi mà tất cả các đại biểu đều rất tâm đắc với những nội dung trong Báo cáo. Trong Báo cáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, tổng kết 35 năm đổi mới. Chúng ta đều rất vui mừng trước những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc ta trong 35 năm đổi mới. Thành tựu này mở ra một giai đoạn phát triển mới, chúng ta sẽ thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Và chúng tôi rất tâm đắc là khát vọng phát triển này cũng đã lan tỏa đến tất cả các đại biểu dự Đại hội, trong đó có cá nhân tôi.
Phóng viên: Theo đồng chí, văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII có những điểm gì mới, có tính quyết định đến sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới?
Đồng chí Lê Ánh Dương: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII được Trung ương chỉ đạo chuẩn bị rất công phu, bài bản và có thể nói là rất dân chủ, có sự tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp từ các đảng bộ, học giả, các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao chất lượng văn kiện lần này.
Riêng bản thân tôi cũng như đoàn Bắc Giang rất tâm đắc với những điểm mới trong văn kiện Đại hội. Trong đó, có một điểm rất mới là trong ba đột phá chiến lược thì đột phá về hoàn thiện cơ sở hạ tầng có đề ra một nhiệm vụ mà tôi nghĩ rằng nếu thực hiện được sẽ là một bước tiến cho đất nước. Đó là tạo lập cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số và nền kinh tế số. Đây là một chủ trương rất phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ trên quy mô toàn thế giới, mang lại cơ hội để những nước đang phát triển có thể đuổi kịp những nước phát triển, nhưng cũng tạo ra thách thức, nguy cơ bị bỏ lại phía sau hoặc sẽ lệ thuộc ngày càng nhiều hơn vào các nước giàu. Việc Đảng ta đề ra chủ trương xây dựng nền kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số quốc gia chính là một quyết sách rất sáng suốt và đúng đắn.
Phóng viên: Thưa đồng chí, Bắc Giang sẽ ứng dụng kinh tế số, chuyển đổi số như thế nào để phát triển kinh tế - xã hội địa phương?
Đồng chí Lê Ánh Dương: Tại tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đặt ra ba nhiệm vụ sẽ phải tập trung trong thời gian trước mắt. Vấn đề thứ nhất là xây dựng kế hoạch để chuyển đổi số đối với tất cả các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội trong tỉnh, trong đó, tập trung vào số hóa tài nguyên về đất đai. Thứ hai là tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý về nhân khẩu, về con người. Thứ ba là xây dựng nền kinh tế thích ứng với quá trình chuyển đổi số của quốc gia. Một điểm nữa chúng tôi cũng rất quan tâm là việc xây dựng đô thị thông minh. Bắc Giang đã phê duyệt đề án xây dựng đô thị thông minh của tỉnh đến năm 2030, trong đó ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo để công tác quản lý minh bạch, hiệu quả, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp được tốt hơn, tạo ra một chính quyền thân thiện với người dân, với doanh nghiệp.
Phóng viên: Đồng chí vừa đề cập đến đổi mới thể chế, trong Báo cáo, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập rất sâu về vấn đề này. Trong nhiệm kỳ này, Bắc Giang sẽ có những đổi mới gì liên quan đến thể chế chính sách để thu hút đầu tư?
Đồng chí Lê Ánh Dương: Đối với phạm vi cả nước thì thể chế là vấn đề rất quan trọng, như Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nói: “Thể chế, thể chế và thể chế. Chúng ta muốn phát triển thì phải đột phá từ thể chế”. Bất kỳ địa phương nào chứ không chỉ tỉnh Bắc Giang, muốn phát triển thì đều phải bắt đầu từ cơ chế chính sách đúng. Vì thế, trong nhiệm kỳ này, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc xây dựng cơ chế chính sách để khơi dậy các nguồn lực tiềm năng, nhất là tiềm năng về đất đai, con người, tiềm năng về vốn ở địa phương. Thứ hai, nếu chúng ta có cơ chế chính sách tốt thì vấn đề thu hút đầu tư cũng sẽ có ưu thế và sẽ biến lợi thế của địa phương trở thành thực tiễn mà chúng ta mong muốn.
Phóng viên: Bắc Giang là một tỉnh có truyền thống về nông nghiệp, đặc biệt là cây vải. Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp sạch và ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp như thế nào?
Đồng chí Lê Ánh Dương: Hiện nay, Bắc Giang có vùng cây ăn quả lớn nhất miền bắc với 52.000 ha, trong đó riêng cây vải thiều có 28.000 ha với tổng sản lượng một năm trên dưới 200 nghìn tấn. Ngoài ra, Bắc Giang cũng là vùng chăn nuôi lớn, có tổng đàn gà và đàn lợn đều đứng thứ ba cả nước. Trong những năm tới, Bắc Giang xác định sẽ tập trung tái cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, chuyển từ phát triển về chiều rộng, tức là dựa trên năng suất sang phát triển về chiều sâu, tức là dựa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học - công nghệ và chuyển theo hướng sản xuất nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để nông dân có thu nhập ngày càng cao hơn. Các sản phẩm nông nghiệp Bắc Giang có thị trường ngày càng rộng hơn. Chúng tôi sẽ tập trung vào những sản phẩm chủ lực của địa phương, trong đó cây vải thiều vẫn là sản phẩm chính đã xuất khẩu trên 30 nước. Hiện nay, tỷ lệ sản xuất theo hướng hữu cơ mới đạt 40%. Trong những năm tới, Bắc Giang sẽ nâng tỷ lệ này lên gấp đôi để vải thiều Bắc Giang là sẽ là vải thiều hữu cơ. Các sản phẩm cây ăn quả Bắc Giang sẽ là sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất. Điển hình là năm vừa rồi chúng tôi đã vào được thị trường Nhật Bản.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!