Với ưu điểm về độ bền, chịu được tiếng ồn, chịu mặn và nhất là giá rẻ, dao động từ 28.000 đồng đến 42.000 đồng/m 2 (trong khi các tấm lợp khác có giá từ 180.000 đến 320.000 đồng/m 2 ) tùy chủng loại, tấm lợp AC là sự lựa chọn phù hợp với các hộ dân nghèo, nhất là khu vực miền núi và vùng ven biển.
Theo thống kê, trên toàn quốc có 41 nhà máy sản xuất tấm lợp AC, năng lực sản xuất đạt khoảng 106 triệu m 2 /năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động. Hầu hết các nhà máy đều chạy hết công suất và không có hàng tồn kho do nhu cầu sử dụng của người dân rất lớn.
Năm 2001, Chính phủ đã có đề án ngừng sản xuất loại vật liệu này do có khuyến cáo ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Nhiều đơn vị đã thử nghiệm các sợi khác để thay thế sợi AC nhưng chưa thành công và chưa tìm được loại sản phẩm phù hợp. Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đông Anh (Hà Nội) Lê Tấn Nghĩa cho biết: Công ty đã nghiên cứu công nghệ mới là sợi nhựa PVA nhưng trong quá trình sử dụng còn nhiều bất cập, giá thành cao, chất lượng không bền bằng sợi AC. Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 133/2004/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định 115/2001/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010, trong đó cho phép sử dụng AMA trắng để sản xuất tấm lợp với điều kiện phải bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế, đồng thời với khuyến cáo của Bộ Xây dựng, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng hoàn thiện công nghệ, kiểm soát khí thải, nước thải, chất thải rắn theo chu trình khép kín từ khâu phối liệu, tạo hình... đến bốc xếp sản phẩm, giảm lao động trực tiếp, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại đến môi trường và người lao động.
Giám đốc Công ty cổ phần Bạch Đằng (Nam Định) Vũ Thái Hòa cho rằng, việc sử dụng AMA trắng có kiểm soát trong việc sản xuất tấm lợp vẫn có thể làm được, chủ yếu là kiểm soát được tỷ lệ pha trộn.
Hằng năm, Công ty vẫn có những đánh giá về mức độ ảnh hưởng của AMA và tổ chức khám bệnh thường xuyên cho công nhân. Đến nay cũng chưa phát hiện ca nào mắc bệnh nghề nghiệp. Công ty cũng đã tính đến phương án chuyển đổi sản xuất, nhưng với tình hình hiện nay thì rất khó khăn.
Vụ trưởng Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho rằng, trước những cảnh báo từ các tổ chức y tế, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất AC, buộc phải có những giải pháp cải tiến kỹ thuật nhằm hạn chế tác hại của AMA đối với môi trường và đặc biệt với sức khỏe của người lao động.
Theo thống kê, tấm lợp AC chiếm tỷ trọng khoảng 30% thị phần tấm lợp tại Việt Nam. Với ưu thế về giá thành, phù hợp với người dân nghèo, không dễ có dòng sản phẩm nào có thể thay thế ngay tấm lợp AC nếu dừng sản xuất sản phẩm này.
Do vậy, cần xây dựng một lộ trình phù hợp để giảm dần việc sản xuất, sử dụng và có thể tiến tới dừng sản xuất tấm lợp AC. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu thị phần của tấm lợp AC nhỏ thì có thể tiến hành loại bỏ ngay, tuy nhiên với con số 30% thị phần tấm lợp nên cần nghiên cứu, xây dựng những bước đi thích hợp. Bộ Xây dựng đã tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá môi trường tại một số nhà máy đang sản xuất tấm lợp AC. Cùng với kết quả đánh giá của các nhà khoa học, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp nghiên cứu trình Thủ tướng hướng đi cho dòng sản phẩm AC với mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, ưu tiên sức khỏe của người sử dụng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư khá lớn cho công tác bảo đảm môi trường, an toàn sức khỏe người lao động. Vì vậy, nếu dừng sản xuất cũng phải đưa ra được lộ trình phù hợp, phải tính toán đến khả năng thay thế của các loại vật liệu khác, phù hợp nhu cầu và sức mua của người dân...
Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga cho biết: AMA là một loại bụi khoáng chứa hợp chất si-li-cat kép ma-giê, có dạng hình sợi, có tính cách nhiệt, cách điện và chống mòn cao.
AMA được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, nhất là sản xuất tấm lợp AC, ống dẫn nước, nồi hơi, các vật liệu cách nhiệt, cách điện... Trong khi đó, AMA xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và đâm xuyên qua da gây nên một số bệnh như bệnh bụi phổi, ung thư đường hô hấp, ung thư trung biểu mô, dày màng phổi hoặc vôi hóa màng phổi... Theo ước tính của WHO năm 2014, gánh nặng bệnh tật toàn cầu do AMA lên đến 107 nghìn người chết mỗi năm; 1,5 triệu người phải sống với khuyết tật do AMA gây ra và chi phí cho công tác điều trị, đền bù cho người bệnh lên đến hàng trăm tỷ USD. Với gánh nặng bệnh tật, gánh nặng tài chính do các bệnh liên quan đến AMA gây ra, mà cả WHO và ILO đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng AMA, là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan.
Kết quả nghiên cứu về các bệnh liên quan đến AMA do Bộ Y tế thực hiện giai đoạn 2009 -2011, tại sáu bệnh viện cho thấy: Trong thời gian này đã ghi nhận 447 trường hợp người bệnh nghi ngờ liên quan đến AMA vào nhập viện, trong đó có 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi; 6/46 trường hợp có thông tin và tiền sử tiếp xúc liên quan đến AMA. Trong 39 mẫu bệnh phẩm gửi sang Bệnh viện Hi-rô-si-ma (Nhật Bản), có tám trường hợp được xác định là ung thư trung biểu mô (chiếm 20,51%). Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không chỉ những người lao động thường xuyên tiếp xúc, hít phải bụi AMA trong quá trình nghiền, đóng bao, vận chuyển bột AMA mà ngay cả những người sống trong môi trường gần nơi sản xuất hoặc ở trong nhà lợp mái AC đều có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Sau hơn 40 năm nghiên cứu tất cả các loại AMA, từ năm 1972 của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại AMA vào nhóm một là các chất gây ung thư ở người.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về AMA còn nhiều hạn chế. Hầu hết người sử dụng lao động đều có thông tin về tính nguy hại của AMA, song không coi trọng việc đề phòng bụi AMA cho người lao động khi tham gia sản xuất. Mức độ hiểu biết về AMA của người lao động còn rất sơ sài do chưa được các cơ sở sản xuất có sử dụng AMA tập huấn về các biện pháp phòng hộ cá nhân và tác hại của nó đối với sức khỏe...
Nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết những tác hại của AMA, vẫn "vô tư" sử dụng nước mưa hứng từ các mái lợp bằng AMA hoặc không có thiết bị bảo hộ lao động khi sửa chữa, thay mới mái nhà bằng tấm lợp AC. Tại Việt Nam bệnh phổi AMA được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù từ năm 1976, nhưng đến năm 2013 mới giám định và đền bù được ba trường hợp. Trong khi đó nhiều bệnh liên quan AMA khác như ung thư trung biểu mô, ung thư phổi, màng phổi... vẫn chưa được công nhận là bệnh nghề nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Văn Hải, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng: Dù sớm hay muộn, dù muốn hay không chắc chắn Việt Nam cũng phải theo xu thế chung của thế giới là tiến tới không sử dụng AMA trong sản xuất. Điều chúng ta quan tâm nhất hiện nay, đó là vấn đề sức khỏe của người lao động và hậu quả do AMA gây ra sau này. Chính vì vậy, cần xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cụ thể về trình độ, năng lực và cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc chuyên môn liên quan đến AMA; thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh có liên quan đến AMA bằng việc lập kế hoạch về việc loại bỏ các bệnh có liên quan đến AMA.
Tổ chức việc phát hiện sớm, thông báo, ghi chép, báo cáo về các bệnh có liên quan đến AMA thông qua việc cải thiện khả năng chẩn đoán, phát hiện các trường hợp mắc bệnh liên quan đến AMA để đưa ra các giải pháp điều trị kịp thời, cũng như sớm đưa các bệnh có liên quan với AMA vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm.