Ngày 4/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp”.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì hội thảo.
Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Đề án được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.
Hội thảo đã tập trung phân tích những điểm mới trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ quản lý, quản trị tại doanh nghiệp nhà nước. Qua thực tế hoạt động, các đại biểu phân tích làm rõ kết quả, hạn chế, vướng mắc trong công tác: quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước và vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong những hoạt động này. Từ đó cung cấp cái nhìn toàn diện về thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý trong doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Cùng với dự báo tình hình, phân tích thời cơ, thách thức trong nước và quốc tế, hội thảo đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị như: đổi mới nghiên cứu, đánh giá việc không bố trí, phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên cấp trên hoặc cùng cấp; đẩy mạnh thí điểm cơ chế trong công tác tuyển dụng như: tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch; cơ chế thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, tuyển cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước kèm theo phương án kinh doanh.