Nhiệm kỳ 2015-2020, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và các trường thành viên đã tập trung phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao; tạo lập môi trường học thuật dân chủ, tự do sáng tạo, thu hút nhiều nhà khoa học xuất sắc về công tác. Đến nay, tổng số cán bộ khoa học của trường là 2.313 người. Tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư là 19%, tăng 4% so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu đạt 58%, trong đó có nhiều chuyên gia tầm quốc tế. Từ năm 2015 đến nay, chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của ĐHQGHN luôn đứng hàng đầu Việt Nam, nhiều năm đứng trong nhóm 500 trường đại học của thế giới.
Cùng với làm tốt công tác chuyên môn, công tác xây dựng Đảng được ĐHQGHN coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong đó, cán bộ, đảng viên, cấp ủy các cấp đã phát huy vai trò gương mẫu; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn đảng bộ; xây dựng môi trường làm việc dân chủ, chuyên nghiệp, tin cậy; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tự do học thuật, kỷ luật, kỷ cương, từ đó hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Vương Đình Huệ biểu dương và chúc mừng những thành tích ĐHQGHN đã đạt được trong giai đoạn vừa qua; đồng thời chỉ rõ còn một số hạn chế mà Đảng bộ cần tập trung giải quyết thời gian tới. Đó là sản phẩm khoa học và đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; việc thu hút các bộ, nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học còn thấp; việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ sở vật chất còn thiếu đồng bộ, đặc biệt tiến độ dự án đầu tư, xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc chậm dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học so với yêu cầu của Thủ đô và cả nước.
Đồng chí cũng đề nghị mỗi chi bộ và toàn Đảng bộ, trước hết cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng-nền tảng của sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý cũng tự soi lại bản thân mình, rèn luyện mình nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm người thầy trong sự nghiệp “trồng người” cao quý. Đó cũng là căn cứ thực tiễn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, không để những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của nhà trường.
ĐHQGHN cần tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các ngành dựa trên nền tảng ứng dụng hiện đại có mức độ sẵn sàng cao như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng, công nghiệp chế tạo thông minh, thương mại điện tử, nông nghiệp số, xã hội số...
Trong hoạt động khoa học và công nghệ, ĐHQGHN phải thực sự là trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lớn, hàng đầu đất nước, có uy tín trong khu vực và quốc tế, tham gia tích cực vào “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Trong đó, ĐHQGHN cần tập trung nghiên cứu xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Nội thực sự là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.
Đồng tình với mục tiêu đến năm 2025, ĐHQGHN quyết tâm lọt vào nhóm 500 trường đại học hàng đầu thế giới, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, trong bối cảnh ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, đơn vị cần chủ động, tăng cường các nguồn lực tài chính thông qua các hoạt động hợp tác, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức ở trong nước và quốc tế. Tiếp tục đầu tư để nâng cấp, chỉnh trang, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, vừa huy động tối đa mọi nguồn lực tạo bước đột phá về đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc theo mô hình đại học xanh, đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng chí đề nghị với tư cách là một Đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội, ĐHQGHN cần có nhiều đóng góp hơn nữa, tham gia xây dựng và triển khai các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xây dựng chiến lược, quy hoạch, quản lý đô thị và giải pháp xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh, thông minh, hiện đại. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng giải quyết các vấn đề cấp thiết như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, chất lượng không khí, an ninh nguồn nước; phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp; xây dựng mô hình du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc... thể hiện chiều sâu lịch sử, giá trị nhân văn đặc sắc của Thủ đô.
“Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp ĐHQGHN sớm trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, một trung tâm đại học, sau đại học, nghiên cứu và chuyển giao tri thức ngang tầm khu vực và quốc tế”, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định.