Xây dựng công trình Học viện Phật giáo ở Hà Nội

Quy hoạch chi tiết Học viện Phật giáo Việt Nam.
Quy hoạch chi tiết Học viện Phật giáo Việt Nam.


Dịp này, phóng viên báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Minh Tiến, Phó Văn phòng Học viện tại Hà Nội về công tác chuẩn bị cho lễ đặt đá sẽ được tổ chức vào sáng 6-11 tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và những hoạt động tín ngưỡng của bà con tăng ni, Phật tử  thời gian qua. 

Xin Đại đức cho biết một số thông tin về công tác chuẩn bị xây dựng Học viện?

 

Sau thời gian chuẩn bị về mặt thủ tục pháp lý để trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và được ủy ban đồng ý cấp đất, giáo hội đã lập phương án đền bù và giải phóng mặt bằng để tiến tới xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội.

Sau gần một năm, giáo hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố để thực hiện các bước đi theo đúng quy định của pháp luật về vấn đề cấp đất. Cho đến nay, về cơ bản các thủ tục đã hoàn tất. Giáo hội đã trình UBND thành phố kế hoạch tổ chức lễ đặt đá khởi công xây dựng học viện vào ngày 6-11 và UBND thành phố đã đồng ý. Thủ tục hành chính về cơ bản đã hoàn tất và công tác chuẩn bị cho buổi lễ cũng đã hoàn tất.

Ý nghĩa của việc xây dựng Học viện Phật giáo đầu tiên ở miền bắc?

Buổi lễ đặt đá xây dựng Học viện có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21, đánh dấu một giai đoạn Phật giáo nước nhà có điều kiện và cơ hội để phát triển ngang tầm với truyền thống “hộ quốc, an dân” của Phật giáo Việt Nam trong suốt 2000 năm qua.

Giáo hội đã thỉnh ba viên đá, trong đó có hai viên được thỉnh tại nơi đức Phật sinh ra ở Ấn Độ và viên còn lại được thỉnh ở cố đô Hoa Lư. Lễ đặt đá là biểu tượng chung của Phật giáo nhưng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống nhân dân.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị mai một, trong điều kiện đất nước ổn định và có nhiều khởi sắc để phát triển kinh tế - xã hội, bà con phật tử cần có nhiều cơ hội để tìm đến đạo và hiểu đạo hơn.

Buổi lễ sắp tới được tổ chức đúng vào dịp Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa tròn 23 tuổi (7-11-1981 – 7-11-2004). Vì vậy, ý nghĩa của buổi khởi công động thổ đó cũng gắn với sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Đồng thời, Học viện Phật giáo Việt Nam cũng trải qua 23 năm xây dựng và phát triển. Học viện Phật giáo tại Hà Nội là học viện đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tiền thân của các trường Phật học ở phía bắc lúc đó.

Sau khi ra đời, giáo hội xin phép Nhà nước thành lập trường cao cấp Phật học Việt Nam và bây giờ gọi là Học viện Phật giáo Việt Nam. Trong suốt 23 năm qua, học viện phải sử dụng nhờ cơ sở của chùa Quán Sứ, mà mỗi thời kỳ và mỗi giai đoạn đòi hỏi những điều kiện học tập khác nhau. Chính vì vậy, giáo hội đặt vấn đề phải có một cơ sở mới. Xuất phát từ đó, Nhà nước đã cấp đất cho giáo hội để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại huyện Sóc Sơn.

Việc xây dựng Học viện được chính quyền hết sức ủng hộ và bà con Phật tử địa phương cũng rất háo hức để có một môi trường Phật giáo, trung tâm Phật giáo tại quê hương Sóc Sơn. Nó cũng rất phù hợp với điều kiện cảnh quan ở đó, cạnh đền Gióng thờ đức Phù Đổng và chùa Non Nước.

Khi nào Học viện sẽ đi vào hoạt động?

Sau lễ đặt đá, giáo hội sẽ tiến hành quy hoạch tổng thể toàn bộ khuôn viên học viện và ngay sau đó sẽ khởi công xây dựng học viện. Dự kiến trong năm 2006, một số hạng mục công trình sẽ được hoàn thành và học viện sẽ khai giảng khóa đào tạo đầu tiên tại cơ sở mới (khóa V của Học viện ở Hà Nội). Theo ước tính, tổng số vốn để xây dựng khoảng 200 tỷ đồng, chủ yếu dựa vào tấm lòng hảo tâm và công đức của bà con Phật tử.

Những năm tới, học viện góp phần đào tạo và giáo dục các tăng tài để phục vụ cho sự nghiệp chung của Giáo hội cũng như của đất nước. Đó cũng là trung tâm Phật học phục vụ nhân dân, và là nơi trao đổi học thuật trong mối bang giao quan hệ quốc tế.

Lĩnh vực đào tạo của Học viện sẽ chú trọng nghiên cứu về Phật học và cả những môn học về các lĩnh vực xã hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội.

Hệ thống đào tạo Phật giáo hiện nay so với năm năm trước?

Hiện nay, các trường Phật giáo không chỉ nghiên cứu về Phật học mà còn nghiên cứu về các vấn đề thuộc xã hội học, các lĩnh vực về đời sống văn hóa. Các trường đã từng bước đổi mới về phương pháp và cách thức tiếp cận đối với đối tượng là tăng ni sinh cũng như bà con Phật tử. Hệ thống các trường Phật học được thành lập từ trung ương đến địa phương. Ở trung ương có ba học viện Phật giáo: ở Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Có 30 trường trung cấp Phật học thuộc các ban trị sự tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước và một số trường cao đẳng Phật học trực thuộc tỉnh và thành phố.

Cơ sở đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp – cao cấp tương đương như đào tạo cử nhân và sau đại học. Do đó, số lượng trường lớp là tương đối lớn nhưng quy mô đào tạo còn nhỏ. Sau này, Học viện sẽ tính đến việc hợp tác đào tạo quốc tế với các trường Phật học trong khu vực có truyền thống.

Các trường thu hút hàng nghìn Tăng ni sinh theo học. Đa số Tăng ni sinh tốt nghiệp ra trường tích cực phục vụ tại các ban, ngành, viện trực thuộc trung ương; Ban trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo, ban giám hiệu các trường, trụ trì tại các cơ sở ở địa phương.

Trong 23 năm qua, Học viện Phật giáo Việt Nam ở Hà Nội đã và đang đào tạo được 600 cử nhân tăng ni Phật học cao cấp cũng như cao đẳng Phật học. GHPG cũng đã đào tạo được hơn 20 tăng ni có trình độ tiến sĩ và gần 200 tăng ni có trình độ thạc sĩ. Bên cạnh đó, giáo hội còn hợp tác với Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức đào tạo đại học về chuyên ngành triết học, hiện đang đào tạo khóa 2, thu hút khoảng 70 tăng ni sinh. Khóa đầu tiên đã tốt nghiệp.

Đại đức có thể cho biết đôi điều về đội ngũ giảng sư?

Đội ngũ giảng sư hầu hết là các quý thầy có nhiều kinh nghiệm về giáo dục và đào tạo ở các trường Phật học. Nhiều học viên xuất sắc được giữ lại để bồi dưỡng và đào tạo thành giảng sư, giảng viên. Giảng viên phụ trách các môn học về phật học là các vị tăng ni của giáo hội đảm trách, một số lớn trong số họ tốt nghiệp từ các trường Phật học quốc tế như ở Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc và Australia. Hiện có khoảng 150 vị thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh ở Ấn Độ.

Tham gia giảng dạy ở Học viện không chỉ có các tăng ni mà còn có cả các nhà nghiên cứu thuộc các trung tâm nghiên cứu tôn giáo, xã hội, các khoa triết học, kinh tế thuộc các viện nghiên cứu của Nhà nước.

Xin cho biết  sự đóng góp của bà con tăng ni, Phật tử đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới?

Xuất phát từ tư tưởng, giáo lý “Phật pháp bất ly thế gian” của đức Phật, hoạt động của Phật giáo cũng luôn gắn bó với các hoạt động chung của xã hội ở mọi thời đại. Phật giáo Việt Nam luôn cầu mong sự hòa bình và an lạc cho quần chúng nhân dân trong bất kể một xã hội và chế độ nào. Giữa các nước trong khu vực, Phật giáo đều có tiếng nói đồng thuận, sống để an lạc, hòa bình cho nên có sự ủng hộ và gắn bó giữa các nước.

Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, gắn bó với dân tộc, phụng sự chúng sinh; với tư cách là thành viên khối đại đoàn kết dân tộc, GHPG Việt Nam, tăng ni, Phật tử Việt Nam luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động vì Tổ quốc hùng cường, nhân dân an lạc, xã hội công bằng, văn minh.

Và những năm qua, tăng ni, Phật tử trong nước phát huy truyền thống hộ nước, an dân suốt lịch sử 2000 năm PGVN, chứng tỏ là một lực lượng công dân to lớn hăng hái đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH đất nước ngày hôm nay.

Các hoạt động quan hệ quốc tế của Phật giáo Việt Nam trong những năm vừa qua có nhiều khởi sắc, không chỉ đối với các nước Phật giáo mà kể các tôn giáo khác thuộc các nước khác. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên trường quốc tế và được mọi người biết đến rất sâu sắc.

Nếu trước đây người ta nhìn Việt Nam với một hình ảnh trong chiến tranh, thì bây giờ người ta nhìn với hình ảnh một đất nước hòa bình và có tôn giáo rất thịnh vượng, trong đó có Phật giáo.

Lễ đặt đá vào cuối tuần này cũng sẽ kết hợp với việc trồng cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong dịp đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự hội thảo quốc tế về du lịch và văn hóa tâm linh Phật giáo tại Ấn Độ hồi đầu năm nay. Việc trồng cây này thể hiện mối tình đoàn kết giữa Việt Nam và Ấn Độ trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Xin cảm ơn Đại đức!