Xây dựng cơ sở pháp lý cho dự án điện khí

Công nghiệp điện khí được xác định có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước ta, trong bối cảnh thủy điện hiện đã gần hết dư địa phát triển, điện than sẽ không được đầu tư sau năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Các kỹ sư, người lao động đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục của dự án.
Các kỹ sư, người lao động đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục của dự án.

Với dải công suất lớn, tính ổn định cao, điện khí được coi như “trụ đỡ” nhằm bảo đảm sự ổn định, an toàn cho hệ thống điện, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam.

Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, điện khí LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) có tổng công suất 22.400 MW (chiếm 14,9%), điện gió trên bờ đạt 16.000 MW (11%), điện gió ngoài khơi đạt 7.000 MW (4,8%),…

Điều đó cho thấy tham vọng phát triển điện từ các nguồn năng lượng mới của Việt Nam rất lớn, tuy nhiên, nếu thiếu hệ thống cơ sở pháp lý, sẽ tác động xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh năng lượng quốc gia.

Vướng mắc pháp lý “cản” tiến độ dự án

Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 đặt tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, công suất 1.624 MW. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam, có công nghệ tua-bin khí hiện đại do Tập đoàn GE (Mỹ) cung cấp, công suất và hiệu suất cao nhất hiện nay. Dự kiến khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỷ kWh điện thương phẩm mỗi năm cho hệ thống điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án phải đối diện với nhiều thách thức về cơ chế, tài chính và thủ tục pháp lý kéo dài. Từ việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), mua bán khí (GSA), đấu thầu EPC cho đến thu xếp vốn và triển khai xây dựng, khiến dự án bị kéo dài tới 8 năm.

Trong đó, riêng phần thủ tục pháp lý đã tiêu tốn khoảng 70% tổng thời gian triển khai dự án. Điều đó cho thấy, các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và tạo hành lang pháp lý phù hợp để rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả cho các dự án điện khí khác.

Những ngày cuối tháng 10, dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4, hiệu chỉnh hệ thống cấp nước làm mát với 5 máy bơm công suất lớn, mỗi máy công suất 9 m3/giây, tương đương 32.000 m3/giờ, ngang với hệ thống bơm chống úng ngập của thành phố Hà Nội. Trên công trường, gần 1.500 kỹ sư, người lao động đang tiến hành lắp đặt, căn chỉnh thiết bị, máy móc, chuẩn bị cho quá trình đốt lửa lần đầu vào quý IV/2024 và toàn bộ nhà máy dự kiến đi vào vận hành thương mại năm 2025.

Phó Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang chia sẻ, trong quá trình triển khai, nhiều dự án điện khí gặp vướng mắc ở mô hình tài chính, bên cho vay không xác định được nguồn tiền. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì giá nguyên liệu biến động, do đó cơ chế chuyển ngang giá có vai trò rất cần thiết.

Riêng dự án Nhơn Trạch 3, 4 là một trong những dự án đầu tiên ở Việt Nam có hợp đồng vay tín dụng không có bảo lãnh Chính phủ, PV Power đã dùng cổ phiếu Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, 2 và dòng tiền của Nhơn Trạch 1, 2 để làm tài sản bảo lãnh cho dự án điện khí LNG đầu tiên của Việt Nam này.

“Nếu không thay đổi nhận thức về thúc đẩy cơ chế mua bán điện thì không thể đẩy mạnh phát triển các dự án điện khí LNG. Từ bài học kinh nghiệm của Nhơn Trạch 3, 4, các bộ, ngành liên quan cần có cái nhìn thực tiễn để rút kinh nghiệm cho các dự án LNG về sau. Chúng tôi đề xuất mô hình tài chính các dự án bắt buộc phải có hợp đồng mua bán điện PPA”, ông Giang kiến nghị.

Đưa điện khí thành “trụ đỡ”

Giám đốc Ban dự án điện Nhơn Trạch 3, 4 (thuộc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam-LILAMA) Nguyễn Hồng Sỹ khẳng định: Để đạt được kết quả như hiện tại, tập thể cán bộ, kỹ sư, người lao động, hàng nghìn con người đã miệt mài lao động trên công trường bất kể nắng mưa. Cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành liên quan và Ban quản lý dự án tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tính đến cuối tháng 10, giá trị sản lượng tổng gói thầu EPC đạt khoảng 95%, trong đó, công tác thiết kế khoảng 98,5%, mua sắm, chế tạo thiết bị đạt 99,8%. Các hệ thống đã tiến hành công tác tiền chạy thử và chạy thử như sân trạm 220 kV đã đi vào hoạt động; dịch vụ cung cấp cho nhà máy, hệ thống xử lý nước, hệ thống khí nén và hệ thống gas đã tiến hành chạy thử và sẵn sàng cung cấp dịch vụ,… nhằm hướng đến mục tiêu sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động và vận hành thương mại theo kế hoạch.

Phó Giám đốc Ban dự án điện Nhơn Trạch 3, 4 (LILAMA) Lại Hải Triều đánh giá, thời điểm hiện tại, tiến độ của dự án hoàn toàn phụ thuộc vào việc hoàn thành lắp đặt tua-bin hơi, tua-bin khí và máy phát,…

Dự án đã hoàn thành chạy thông rửa dầu ngày 16/10, hiện đang tái lập hệ thống và tiến hành tinh chỉnh cho bước cuối cùng, kết nối gối trục, hoàn thiện lắp đặt và chạy thử. Đây là hạng mục thi công khó, đòi hỏi tay nghề cao đối với công tác lắp đặt thiết bị áp dụng công nghệ đơn trục 1:1:1:1 đầu tiên cho dự án điện tại Việt Nam.

Theo tiến độ dự kiến, quá trình đốt lửa lần đầu của Nhà máy Nhơn Trạch 3 sẽ triển khai trong tháng 10, Nhà máy Nhơn Trạch 4 trong tháng 4/2025, nhưng do thời gian phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thời gian bàn giao mặt bằng thi công bị chậm cùng thay đổi thiết kế về công tác nhận điện ngược, một số vật tư cung cấp bị chậm do xung đột Biển Đỏ,.. đã gây ảnh hưởng tới việc triển khai, hoàn thành theo dự kiến.

“Hiện tại, dự án đã bước vào phần chính của công tác chạy thử, cần phải có điểm đấu nối để xử lý nước thải. Tuy nhiên, khu công nghiệp mới đồng ý cho dự án xả thải 1.000 m3 ra hệ thống, vì vậy, chủ đầu tư cần sớm hoàn thiện hợp đồng ký với khu công nghiệp để dự án xả thải liên tục, không bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến tiến độ chạy thử”, ông Lại Hải Triều nhấn mạnh.

Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) phân tích, quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII, các nhà đầu tư dự án điện khí LNG thực hiện theo hướng đầu tư kho cảng nhập LNG riêng lẻ, phân tán theo cấu hình “một nhà máy, một kho cảng”, không tối ưu chi phí để giảm giá thành điện, tiềm ẩn rủi ro không triển khai kịp thời các dự án, ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng không quy định xây dựng dự án nhiệt điện sử dụng LNG theo chuỗi gắn với kho cảng LNG trung tâm.

Nhận thức nguy cơ này, PV Gas đã kiến nghị xem xét, cụ thể hóa trong Luật Điện lực cơ chế xây dựng dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG theo chuỗi gắn với kho cảng khí hóa lỏng trung tâm (LNG Hub) để tận dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu và bảo đảm hiệu quả.

Bên cạnh đó, dự thảo luật không có điều khoản quy định đối với các dự án năng lượng xanh hydro, amoniac, có nguy cơ khiến các nhà đầu tư không đủ cơ sở triển khai nghiên cứu và đầu tư các dự án, dẫn đến phá vỡ Quy hoạch điện VIII. Do đó, PV Gas kiến nghị phát triển chuỗi dự án sản xuất khí hydrogen, amoniac, từng bước thay thế khí tự nhiên trong sản xuất điện, tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí hiện hữu.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý vẫn chưa nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy điện khí trở thành “trụ đỡ” cơ cấu nguồn điện của nước ta đến năm 2030, nhằm giữ vững an ninh năng lượng quốc gia. Tiến sĩ Ngô Trí Long khuyến nghị, giá điện khí LNG cần tuân thủ theo cơ chế thị trường, bởi chi phí nhập khẩu LNG thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí sản xuất điện.

Nếu giá điện áp dụng theo cơ chế hành chính, không phản ánh đúng chi phí thực tế, sẽ dẫn đến tình trạng ngành điện bị lỗ và thiếu hụt nguồn cung. Do đó, cần có cam kết dài hạn giúp ổn định nguồn cung LNG cho sản xuất điện. Điều này quan trọng trong bối cảnh giá LNG có thể biến động lớn theo thời gian và các yếu tố thị trường. Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng được mua bán điện trực tiếp, bao gồm cả điện khí và khí LNG, tạo ra sự cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và giảm giá điện cho người tiêu dùng.