Xây dựng các mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị

NDO - Ngày 27/7, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh,Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức Hội nghị Khuyến nông toàn quốc năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Những năm qua, công tác khuyến nông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân đổi mới và phát triển sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hoạt động này đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung và tăng trưởng kinh tế đất nước nói riêng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Với phương châm, ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông, người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mọi hoạt động khuyến nông cần phải hướng tới người nông dân, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nông dân và phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của nông dân.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quản lý và triển khai 162 dự án khuyến nông Trung ương tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, khuyến ngư, lâm nghiệp, cơ giới hóa và nghề muối.

Để nâng cao vai trò và vị trí của công tác khuyến nông, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong hoạt động khuyến nông, đến năm 2030, có 100% các tỉnh, thành phố có website, cổng thông tin điện tử để phục vụ hoạt động khuyến nông, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khuyến nông thông suốt từ trung ương tới cơ sở phục vụ công tác quản lý và giám sát, đánh giá hoạt động khuyến nông.

Hướng đến xây dựng các mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị, 3 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương), ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi tỉnh, thành phố phải xây dựng được ít nhất 1 mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị (từ hạt giống đến bàn ăn) phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương.

Thí điểm xây dựng các mô hình nông nghiệp tiên tiến để làm mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo..., nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm, bảo vệ môi trường, đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, kinh doanh nông sản.