Xây dựng các dự thảo luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược

NDO - Ngày 23/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp.

Cùng dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo chương trình, phiên họp cho ý kiến đối với 7 nội dung, gồm 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Đây là những nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng. Để chuẩn bị cho phiên họp này, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 3 cuộc họp để cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, các dự án luật.

Xây dựng các dự thảo luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Năm 2022, Chính phủ đã họp 9 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và Thường trực Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách.

Theo quy định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua các đồng chí đã rất tích cực, nhiều đồng chí đã chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định.

Tuy nhiên, tình hình thực tế biến động rất nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp, nhiều yếu tố mới mà quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết được, nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ách tắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần giải quyết.

Thủ tướng lấy thí dụ lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia đánh giá, khoảng 70% vướng mắc trong lĩnh vực này là liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa.

Xây dựng các dự thảo luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược ảnh 2

Quang cảnh phiên họp.

Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có 3 đột phá chiến lược, gồm đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là phải bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, việc xây dựng các dự thảo luật phải bảo đảm cả tiến độ và chất lượng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, chiến lược.

Xây dựng các dự thảo luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược ảnh 3

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp.

Xây dựng các dự thảo luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược ảnh 4

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Xây dựng các dự thảo luật bảo đảm tiến độ, chất lượng, tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược ảnh 5

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau một buổi làm việc khẩn trương, sôi nổi, trách nhiệm, chúng ta đã cơ bản hoàn thành Chương trình đề ra; xem xét, cho ý kiến đối với 7 nội dung quan trọng; biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của đại biểu.

Theo Thủ tướng, nhiều dự án luật khó và nhạy cảm, chúng ta thảo luận và đã tìm ra các giải pháp còn có ý kiến khác nhau. Năm nay là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có hoàn thiện thể chế. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã họp 2 phiên chuyên đề xây dựng pháp luật, thảo luận 11 đề nghị xây dựng Luật và đề án Luật, cho thấy Chính phủ hết sức tích cực, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các dự án luật, tổ chức tổng kết, đánh giá, khảo sát, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học nghiêm túc, các đối tượng chịu tác động, theo đúng quy trình thủ tục của lạm phát.

Về công việc sắp tới, Thủ tướng đề nghị thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các dự án luật đã được thảo luận trên tinh thần quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đã được ban hành sau khi các luật này đã có; một số luật được nâng cấp lên từ Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ cũng phải kế thừa, phát huy những cái đã có, tiếp thu những tư tưởng chỉ đạo mới; xuất phát từ thực tiễn để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc từ thực tiễn, trên cơ sở đó góp phần tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, điểm nghẽn của thể chế trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị; nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến của nhân dân với tinh thần huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều đối tượng, nhiều người tham gia, đồng thời phát huy dân chủ tối đa để thu lượm những ý tưởng hay, bài học kinh nghiệm thực tế.

Phiên họp này thảo luận nhiều luật liên quan lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; do đó, phải nghiên cứu kỹ các ý kiến trên tinh thần bảo đảm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, bảo đảm mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp tình hình.

Thủ tướng đã cho ý kiến về từng Luật, đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng quan tâm trực tiếp chỉ đạo; các bộ, ngành tiếp tục phối hợp các cơ quan trình để hoàn thiện, bảo đảm tiến độ và chất lượng của luật; huy động tối đa sức mạnh của bộ, ngành mình. Thủ tướng đề nghị các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực con người, cơ sở vật chất, thời gian, tài chính cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về một số nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, về hoàn thiện đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023; đề nghị các Bộ trưởng khẩn trương chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật; gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định, cho ý kiến. Bộ Tư pháp có trách nhiệm đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, do đó rất nhiều việc phải làm, cần động viên cán bộ, nhân viên, huy động nguồn lực.

Nhân đây, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, ưu tiên bổ sung cho nhân lực cho Bộ Tư pháp để làm công tác này, nhất là vấn đề liên quan trọng tài, kiện cáo quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua các vụ kiện…

Về chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đối với các bộ, ngành có dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng; kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn, không rút ra khỏi chương trình; tham khảo ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Đối với các bộ, ngành có dự án luật trình thông qua tại Kỳ họp này, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện; chủ động truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận khi trình cấp có thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ dành thời gian lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế.