Người Nga ủng hộ tăng thuế để hỗ trợ người nghèo

NDO -

Hơn một nửa số người Nga, tham gia cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) tiến hành suốt ba tháng qua, cho biết, họ sẵn sàng đóng thuế cao hơn, nếu nhà nước tăng cường hỗ trợ người nghèo cũng như cải thiện chất lượng các loại hình dịch vụ công.

(Ảnh: Moscow 24)
(Ảnh: Moscow 24)

Theo khảo sát, có 54% số người được hỏi, trong đó đa phần là những người hơn 60 tuổi, ủng hộ việc tăng thuế, nhằm tăng số lượng dịch vụ miễn phí trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an ninh cho người nghèo... Trong khi có 28% số khác tin tưởng nên giảm tiền thuế để mọi người đều có cơ hội quản lý tiền của mình theo cách tốt nhất mà họ muốn.

Về chất lượng các dịch vụ công, 45% khẳng định họ tin tưởng chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công, cũng như mong muốn dịch vụ công “phủ sóng” càng nhiều lĩnh vực càng tốt. 45% số người trên cho biết, họ sẵn sàng chấp nhận tăng thuế để có được điều này. Trong khi đó 33% số khác muốn được giảm thuế, khi cho rằng chất lượng của dịch vụ công đang đi xuống và ngày càng khó tiếp cận hơn.

Phần lớn cư dân của Nga (83%) ủng hộ một thang thuế lũy tiến, trong đó tỷ lệ phần trăm thuế bắt buộc phụ thuộc thu nhập của người đóng thuế. 13% số khác ủng hộ mức thuế tương tự bất kể nguồn thu nhập.

Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy, người Nga (65%) không quá quan tâm nguồn thuế được chi cho mục đích gì, dù rằng phải đóng thuế nhiều hơn, trong khi chỉ có 26% số khác cho biết họ đồng ý trả thuế cao hơn nếu chúng có thể tác động đến việc phân phối nguồn thu. Đồng thời, 81% người tham gia khảo sát khẳng định họ nộp thuế đầy đủ, trong khi 15% cho biết nếu có thể, tốt hơn là nên tránh nộp toàn bộ hoặc một phần thuế.

Trước đó, Cơ quan thống kê LB Nga (Rosstat) đã công bố số liệu chính thức cho biết, trong quý IV năm 2020, số người Nga có thu nhập dưới mức sinh hoạt tối thiểu đã giảm. Tuy nhiên có được kết quả này, theo các nhà phân tích, là nhờ các chương trình hỗ trợ xã hội của nhà nước dành cho các nhóm cư dân dễ bị tổn thương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Cuộc khảo sát nói trên được tiến hành trong ba tháng qua, theo hình thức phỏng vấn qua điện thoại và độ tuổi người tham gia đều hơn 18.