Là thành phố sôi động nhất nước nhưng hơn một tháng qua, thành phố mang tên Bác trở nên vắng lặng đến lạ thường. Tại các bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến, những cuộc chiến giành giật sự sống diễn ra căng thẳng từng ngày. Phía sau vẻ ngoài im ắng ấy, từng cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tình nguyện,... vẫn đang âm thầm lo cho cuộc sống người dân.
Nỗ lực điều trị bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh chia sẻ, từ khi Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động, mỗi ngày trôi qua đối với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây là một cuộc chiến thật sự. Những ca bệnh nặng liên tục được chuyển đến khiến cho mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải căng mình để giữ tính mạng cho người bệnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, ưu tiên của thành phố trong phòng, chống dịch lúc này là làm sao huy động được tất cả các nguồn lực của thành phố, cả nước, kể cả bên ngoài để tập trung thực hiện mục tiêu mở rộng, nâng cao chất lượng điều trị, tiếp cận sớm, điều trị sớm và giảm tỷ lệ tử vong. Ðây là ưu tiên số một. Ưu tiên thứ hai là chăm lo đời sống của người dân bằng an sinh xã hội, giải quyết các nhu cầu hằng ngày như chăm sóc sức khỏe, các yêu cầu trợ giúp khác để người dân yên tâm cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thứ ba, thành phố sẽ thực hiện một cách đồng bộ, bài bản các biện pháp để kiểm soát dịch, cải thiện tình hình như giãn cách, xét nghiệm, kịp thời phát hiện F0, kịp thời điều trị, đẩy nhanh tiêm vắc-xin, tăng tỷ lệ bao phủ miễn dịch cộng đồng.
Ðể nâng cao năng lực điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Trung ương khi thành lập nhiều Trung tâm hồi sức tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn để điều trị cho các ca bệnh nặng và nguy kịch. Song song đó, thành phố kịp thời điều chỉnh mô hình điều trị từ mô hình tháp 5 tầng thành tháp 3 tầng.
PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, với tình hình F0 ngày càng tăng, trong đó đa phần là không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, thành phố thay đổi mô hình điều trị để tập trung chăm sóc F0 nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển nặng, từ đó giảm áp lực cho các tầng trên, đồng thời hạn chế tỷ lệ tử vong. Thành phố đặt mục tiêu đến ngày 15/9 sẽ nỗ lực duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày, số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày.
Giữ nhịp sản xuất
19 giờ, khi công nhân được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả là lúc ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Ðức) bắt đầu ăn vội bữa cơm tối. Chưa kịp ngả lưng, hàng trăm tin nhắn trên zalo xuất hiện, thế là ông Hồng nhanh tay trả lời vì thông tin nào cũng cấp bách như nhắc nhở đội xe di chuyển đúng giờ để chuyên chở công nhân từ khách sạn đến nhà máy, chốt lịch test Covid-19 định kỳ cho công nhân, chuẩn bị hàng nghìn suất ăn cho công nhân của ngày hôm sau… Ðó chính là những công việc, tình huống mà ông Hồng cùng Ban Chấp hành Công đoàn công ty luôn chủ động thực hiện, không để chậm “một nhịp” nào trong một tháng rưỡi qua.
Với 500 công nhân tham gia sản xuất “ba tại chỗ” và 1.500 công nhân sản xuất theo phương án “một cung đường, hai điểm đến”, tất cả các bộ phận của công ty đều lao vào cuộc với mục tiêu cao nhất là “sản xuất nhưng phải an toàn phòng dịch”. Ðể giữ chân người lao động (NLÐ) một thời gian dài trong nhà máy, kiểm soát nền nếp ngủ, nghỉ (nhất là với công nhân lưu trú ở khách sạn), rồi việc họ tiếp xúc người bên ngoài… để làm sao “tự tin” cho công nhân bước vào sản xuất là một vấn đề hết sức nan giải.
“Không vì khó khăn mà công ty lùi bước, vì chỉ có duy trì sản xuất kết hợp thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19 một cách chặt chẽ, đúng quy định thì NLÐ mới ổn định việc làm, các đơn hàng được duy trì, chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra. Sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của đội ngũ công nhân và Ban giám đốc là yếu tố quyết định”, ông Lưu Kim Hồng bộc bạch.
Giống như ông Hồng, nhiều cán bộ công đoàn, các cấp công đoàn ở thành phố đã ngày đêm sát cánh cùng công nhân lao động, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị để vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch, động viên NLÐ yên tâm bám trụ thành phố. Ðại diện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, trong cao điểm của đợt dịch thứ tư, các cấp công đoàn thành phố đã hỗ trợ cho NLÐ bằng nhiều mô hình, cách làm hay như: “Bếp ăn yêu thương”, “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”, ủng hộ chương trình trao 10.000 phần quà tặng công nhân lao động với 518.503 người được chăm lo, tổng kinh phí gần 55 tỷ đồng. Ngoài ra, Công đoàn thành phố phối hợp chặt chẽ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, các cơ quan chức năng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 465.218 NLÐ tại 3.282 đơn vị.
Sát cánh cùng người dân
Nhận thấy nguy cơ dịch bệnh dễ phát sinh ở các khu nhà lụp xụp, mới đây, UBND quận Bình Thạnh quyết định di dời khoảng hai nghìn người dân sống tại các khu vực gần kênh rạch; trong đó ưu tiên các hộ gia đình có người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, hộ có hoàn cảnh khó khăn… đến sinh sống tại Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Ða và khu chung cư 1050 quận Bình Thạnh. Việc vận động người dân tại địa bàn 16 phường (trong tổng số 20 phường) chuyển chỗ ở nhằm giảm mật độ dân cư, hạn chế phát sinh F0 trong thời điểm thành phố tăng cường giãn cách xã hội. Quận Bình Thạnh cũng hỗ trợ thêm mỗi người dân 500 nghìn đồng, mỗi gia đình một túi an sinh, cung cấp đồ ăn, nước uống, trẻ em được cung cấp thêm sữa.
“Người dân thành phố ai cũng khó khăn, nhưng những việc làm kịp thời, trách nhiệm vì dân của quận là động lực để chúng tôi vượt qua thời kỳ khốn khó này”, bà Mã Thị Minh Thảo cùng gia đình bốn người sinh sống trong nhà trọ tại số 148/9/2, đường Ung Văn Khiêm vừa dọn đến chỗ ở mới, xúc động cho biết.
Ngoài việc thực hiện chi trả hỗ trợ khó khăn cho NLÐ nghèo, hộ nghèo, hộ khó khăn, người yếu thế bị tác động bởi dịch Covid-19, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể, tổ chức đã trao tận tay người dân hàng chục nghìn phần quà, nhu yếu phẩm, các túi an sinh do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và địa phương chuẩn bị. Qua đó, không để ai khó khăn, chật vật, thiếu ăn mà không được chăm sóc. Cùng với đó, những mô hình thiết thực, kịp thời chia sẻ khó khăn được người dân thành phố đón nhận đã nhân lên những việc làm đầy trách nhiệm, nhân văn của các cấp ở thành phố.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, Trung tâm An sinh TP Hồ Chí Minh đang triển khai hai triệu túi an sinh cấp phát tới người dân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi túi trị giá 300 nghìn đồng gồm các nhu yếu phẩm cần thiết. Ðối với F0 đang chăm sóc, điều trị tại nhà, túi an sinh có thêm sữa, cháo dinh dưỡng dành cho người ốm. Khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua khi có sự chung sức, đồng lòng. Ðây chính là lúc thành phố cần phát huy những truyền thống tốt đẹp của mình để sớm vượt qua đại dịch.