Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, những năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”.
Bộ Công an và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ký Chương trình phối hợp phòng, chống tội phạm giai đoạn 2017-2021. Đáng chú ý, Nghị quyết Đại hội VII, Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam xác định nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Hằng năm, hai bên tổ chức cho các hộ gia đình hội viên, nông dân ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tỷ lệ đạt hơn 90%; xây dựng chi hội nông dân không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Những nội dung trọng tâm là thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; xây dựng nội quy, quy ước về an ninh trật tự; lập các hòm thư tố giác tội phạm, tổ chức phát phiếu tố giác tội phạm đến từng chi hội, tổ hội, gia đình hội viên, nông dân; lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của hội viên nông dân…
Nổi bật, hai bên phối hợp xây dựng, củng cố, nhân rộng hàng trăm mô hình bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Các mô hình đã có nhiều tác động tích cực tới ý thức phòng ngừa tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội của hội viên, nông dân trên địa bàn nông thôn, là hạt nhân trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa phương, cơ sở.
Góp phần quan trọng vào thành công đó là vai trò tích cực của các hội viên Hội Nông dân. Họ không chỉ chăm lo sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn hăng hái, tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần giữ gìn bình yên cho cộng đồng, xã hội, trở thành nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Thành Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cù Bị (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: Năm 2013, Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ra đời với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho cộng đồng. Đến nay, Câu lạc bộ có gần 600 hội viên. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, ông Phương cho biết: Ban đầu, khi chúng tôi mời những người từng một thời lầm lỗi tham gia sinh hoạt, họ không mặn mà, thậm chí còn thờ ơ, lảng tránh. Tuy nhiên, khi được các thành viên cốt cán kiên trì vận động, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đồng thời hỗ trợ các đối tượng vay vốn, phát triển sản xuất, đã có 11/12 người từng chấp hành án tù trở về địa phương tái hòa nhập thành công, xây dựng gia đình ấm no, làm ăn hiệu quả”.
Điều này cho thấy sự nỗ lực và hiệu quả của công tác cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Bản thân ông Phương từng trực tiếp khống chế, cùng lực lượng công an đuổi bắt đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt đã dùng dao khống chế con tin trong vườn cao su. Sau này, kể lại, ông chỉ đơn giản giãi bày: “Mình là một người con của xã, thấy sự việc diễn ra trước mắt thì không thể đứng yên được”.
Thôn Bầu Sang, xã Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động; trong đó, có 250 hội viên Hội Nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2012, anh Cao Niếng được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân. Khi ấy, công tác hội còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn hội viên là người dân tộc thiểu số, số hội viên nghèo chiếm tỷ lệ cao, công tác tuyên truyền vận động gặp nhiều khó khăn.
Không chùn bước, anh Cao Niếng dành nhiều thời gian đến từng hộ trò chuyện, tuyên truyền, vận động hội viên. Bản thân anh cùng gia đình gương mẫu phát triển sản xuất, thường xuyên vận động đồng bào áp dụng, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt.
“Mưa dầm, thấm lâu”, tiếng nói của vị chi hội trưởng ngày càng có uy tín. Người dân trong thôn xóm, nhất là đồng bào công giáo ngày càng tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do địa phương phát động. Đến nay, địa bàn xuất hiện nhiều mô hình, điển hình phát triển kinh tế hiệu quả. Thông qua các mô hình, hội viên Hội Nông dân giáo dục con em trong gia đình không mắc các tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, tụ tập đua xe trái phép; không học và truyền đạo trái phép.
Tại Hội nghị toàn quốc biểu dương hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, giai đoạn 2019-2024, Thứ trưởng Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng khẳng định, công tác phối hợp giữa lực lượng công an nhân dân và các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã góp phần khơi dậy sức mạnh, tiềm năng to lớn của nông dân Việt Nam tham gia phong trào, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước.
Đồng chí Lê Quốc Hùng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp, huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc; đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng các mô hình truyền thông phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
5 năm qua, hai bên thành lập, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động 12.263 tổ an ninh tự quản về an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn, 5.363 điểm mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”, hơn 6.800 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Qua đó, lực lượng công an nhận được hơn 369.000 nguồn tin có giá trị… |