Vùng đất sâu nặng ân tình

Kể chuyện cho các cháu thiếu nhi về Khu di tích 27-7, xã Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên), nơi Bác Hồ đề nghị lấy ngày 2
Kể chuyện cho các cháu thiếu nhi về Khu di tích 27-7, xã Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên), nơi Bác Hồ đề nghị lấy ngày 2

Trong những người đến dự Lễ kỷ niệm 45 năm ngày báo Thái Nguyên ra số đầu, có một vị khách thân thiết từ lâu của báo, đó là anh Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nay đang giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Với tình đồng nghiệp và tình yêu nghề báo, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, anh đã nói những cảm nghĩ sâu sắc của mình về mảnh đất và con người Thái Nguyên đã gắn bó, chở che, nuôi dưỡng đội ngũ làm báo cách mạng.

Ðã từng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, anh luôn nhớ tới mảnh đất Quy Kỳ, huyện Ðịnh Hóa, nơi ra số báo Nhân Dân đầu tiên, vào ngày 11-3-1951.

Qua câu chuyện thân tình với các đồng nghiệp, chúng tôi được biết anh Hồng Vinh nguyên là sinh viên khoa Sử, khóa 10, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Lớp các anh khi đó đã  sơ tán về xã Vạn Thọ-huyện Ðại Từ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ 1965-1967. Nhận lời mời của chúng tôi, và cũng là ước nguyện canh cánh bên lòng của các anh trong suốt 40 năm qua, chúng tôi trở lại Vạn Thọ- mảnh đất đã gắn bó với các sinh viên khoa Sử suốt một thời trai trẻ.

Ðây rồi, suối Ðôi, nơi các sinh viên ngày ấy thường gánh gạo, bột mì từ xã Ký Phú về Vạn Thọ, đều qua dòng suối này. Nhà thơ Phan Cung Việt, là sinh viên khoa Văn lúc đó, được nuôi hồn thơ từ chính mảnh đất này đã có bài Suối Ðôi đi theo ký ức bao người bằng những câu thơ lãng mạn, đằm sâu: "Con nước suối Ðôi vỗ bờ thầm thì...". Dòng suối hôm nay, sau những trận mưa, bão, nước suối dâng cao cuồn cuộn, xe không thể qua. Chúng tôi đành cuốc bộ qua chiếc cầu treo lắt lẻo.  Trong niềm bâng khuâng, tôi nhớ nhà thơ Tố Hữu đã từng viết trong bài thơ Mẹ Tơm: "Như đứa con đi biệt xóm làng/Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương/Nhớ lều rơm ướt sương khuya sớm...".

Chúng tôi rẽ vào quán nước bên kia cây cầu. Bà chủ  quán đon đả: "Chắc các anh từ nơi khác đến đây?". "Vâng. Chúng tôi đến đây tìm lại gia đình 40 năm trước đã ở, học tập tại đó". "Thế anh hỏi nhà ai? Xã này có nhiều người từ Hà Nội đến tìm người thân lắm". Anh Hồng Vinh nói tên nhà ông Nguyễn Văn Hồi, có con trai tên là Lai. Bà chủ quán nghĩ một lát, rồi nói: "Thế thì ông ấy mất cách đây hơn 10 năm rồi. Nay chỉ còn lại mấy người con ở tận xóm 9. Vào đấy xa,  đường rất khó đi".

Mưa cứ sầm  sập, mỗi lúc càng to hơn.  Hình như cùng sẻ chia nỗi băn khoăn với khách, bà chủ quán rút ngăn kéo lấy ra cuốn sổ nói: Trong này có ghi số điện thoại  của Chủ tịch UBND xã. Các anh điện hỏi xem sao. Thật may, sau 15 phút điện thoại, Chủ tịch UBND xã Ðào Việt Hà và một cán bộ khuyến nông đội mưa đi xe máy ra đón chúng tôi.

Vừa gặp, anh Hà mừng rỡ: "Mưa to thế này các anh vẫn lặn lội về với Vạn Thọ thật là quý hóa. Hôm nay chủ nhật, tôi ra Văn phòng Ủy ban để trực lũ lụt, và cũng tranh thủ học thêm vi tính tí chút. Làm chủ tịch thời nay phải biết nhiều thứ mới trụ được. Vừa rồi, có một ca ở xóm 9 đẻ khó, 3 giờ sáng người nhà họ điện báo tin, tôi vùng chạy cấp tốc đưa hai mẹ con ra Trung tâm y tế huyện. May quá, họ được mẹ tròn con vuông! Rồi chuyện bọn trẻ đi học về thường hiếu động đùa nghịch, làm hư hỏng những thanh giằng trên cầu treo, chúng tôi phải ra thường xuyên nhắc nhở, vì đây là cây cầu duy nhất của xã để qua lại trong những ngày lũ lớn.

Vạn Thọ hiện nay có hơn 500 hộ, kinh tế chủ yếu nhờ vào trồng lúa (năm 2 vụ), cộng với 1 vụ màu; chè chỉ có bảy ha, vì phần lớn đất đồi thuộc về đất rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, nên không được trồng xen chè và khai thác rừng để làm kinh tế. Mỗi khi mùa mưa về, khoảng 200 hộ lại phải sống trong cảnh nước ngập từ hồ Núi Cốc dâng lên... Mặc dù cuộc sống đã được cải thiện nhiều so với trước, nhưng cả xã vẫn còn gần 30% hộ nghèo. Ðây là điều mà Ðảng ủy, chính quyền và nhân dân Vạn Thọ đang trăn trở tìm cách xóa nghèo trong thời gian ngắn nhất...".

Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Con đường vào xóm 9 càng thêm lầy lội. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe Dream nín thở, tay bám chắc vào người cầm lái. Hơn 10 giờ trưa, chúng tôi  mới đến nhà  ông Hồi, ở ngôi nhà cấp bốn nằm ép dưới tán rừng keo tai tượng. "Có ai ở nhà không ạ?". Từ trong nhà, một người đàn ông nước da ngăm đen bước ra, đó là anh Lai con trai thứ của ông Hồi. Anh đon đả: "Mời các anh vào nhà". "Anh có nhận ra tôi không?" - Anh Vinh hỏi. Sau một phút định thần, anh Lai thốt lên: "Có phải anh Nguyễn Duy Lự không?" Thế rồi, bao chuyện buồn, vui thuở ấy bỗng ùa về theo lời kể của hai người. Giọng anh Lai rành rọt: "Ngày trước, khi các anh ở đây, em mười sáu tuổi...". 

Anh Vinh hỏi thăm bà con chòm  xóm  quanh đây bây giờ chuyển đi đâu, nhất là dân ở khu Ðầm Sủi (nơi ở trước đây của lớp anh Phùng Hữu Phú, hiện là Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư), khu Trại Chuối (nơi ở trước đây của lớp anh Phạm Quang Nghị, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội), những địa danh ấy nay đã ngập chìm trong hồ Núi Cốc.  Tôi được biết, một trong những kỷ niệm sâu sắc trong đời sinh viên của anh là tại một lớp học nằm nửa nổi, nửa chìm trong lòng đất ở gần chân đồi ngôi nhà này, vào đêm 11-5-1967, anh được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam, mà người đọc quyết định kết nạp là thầy Phan Hữu Dật, Bí thư Liên chi ủy khoa Sử...

Trong câu chuyện, anh Lai tỏ ý tiếc là chưa được gặp lại thầy Dật, nhưng cũng không ít lần gặp được thầy Lê Mậu Hãn khi xem truyền hình, dịp gần đây nhất là tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII thầy Hãn nói về lịch sử phát triển của Quốc hội nước ta... 

Bỗng giọng anh Lai trầm xuống: "Ngày các anh rời Vạn Thọ, bà con buồn và nhớ lắm. Ai cũng mong các anh trở lại. Lần này anh về, em vui vô cùng, nhưng cũng có điều buồn là bố mẹ em đều đã thành người thiên cổ. Trước lúc nhắm mắt, bố mẹ em căn dặn phải sống cho tốt, phải giữ lấy tình người! Hồi các anh ở đây, anh Biên là anh cả đã đi bộ đội, nên các anh không gặp. Anh ấy hy sinh ở chiến trường miền nam, đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Sau đó, em cũng lên đường tham gia chiến đấu ở chiến trường miền nam. Tuy không bị thương nặng, nhưng phải sống trong vùng bị giặc Mỹ rải chất độc da cam, nên bây giờ em được Nhà nước cho hưởng chế độ ưu đãi. Gần 10 năm tham gia quân ngũ, khi trở về sức khỏe suy yếu, nhà lại đông con, nên đời sống còn chút gian truân...".

Chia tay xóm 9, chia tay Vạn Thọ, chúng tôi ra về trong niềm vui pha lẫn chút buồn. Vui vì được gặp lại gia đình đã từng chăm sóc, nhường cơm sẻ áo trong thời chiến tranh gian khó; pha chút buồn vì đâu đó vẫn còn có hộ thiếu ăn vài tháng trong năm. Vạn Thọ  chưa  hết  nghèo. Có lẽ điều ấy đã thôi thúc các  anh tìm cách tri ân vùng đất và con người nặng nghĩa, nặng tình này. Chỉ sau hai ngày tạm biệt Vạn Thọ, chúng tôi vui mừng và cảm động khi nhận được điện của anh Hồng Vinh. Anh cho biết, sau chuyến thăm Vạn Thọ, đã tâm sự, chia sẻ nỗi trắc ẩn của mình về mảnh đất còn nhiều gian khó này với anh Lê Văn Kiểm, Giám đốc Công ty Sân gôn Long Thành (Ðồng Nai). Anh Kiểm đã vui lòng tặng 300 triệu đồng giúp Vạn Thọ làm đường giao thông.

Hôm rời Vạn Thọ, chúng tôi đến Khu di tích 27-7 ở xã Hùng Sơn, Ðại Từ, nơi cách đây 60 năm Bác Hồ nêu ra sáng kiến lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh, Liệt sĩ để thắp nén hương và làm công đức. Anh  Hồng Vinh tâm sự: "Nếu không có Ðảng, có nhân dân anh hùng thì chúng mình đâu được như ngày nay. Vì vậy, nếu ai đó lãng quên quá khứ, chắc hẳn một lúc nào đó sẽ dằn vặt lương tâm. Vô cùng biết ơn cố nhà thơ Tố Hữu cách đây hơn 50 năm đã có câu thơ nhắn gửi những người rời đất chiến khu cách mạng về với Thủ đô Hà Nội mến yêu: "Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?".

Thế là thêm một lần nữa, chúng tôi hiểu sâu hơn về mảnh đất Thái Nguyên cùng với Tuyên Quang được gọi là "Thủ đô kháng chiến"; hiểu về tình người ở vùng chiến khu cách mạng đã một lòng, một dạ thủy chung với cách mạng, với Ðảng quang vinh.