Vực lại ngành mía đường

NDO -

Cây mía từng là cây trồng chủ lực giúp nhiều địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Nhưng những năm gần đây, ngành mía đường gặp nhiều khó khăn do đường nhập lậu tăng cao khiến giá đường trong nước giảm, nhiều nhà máy ngừng sản xuất ảnh hưởng đến đời sống bà con nông dân.

Người dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch mía. (Ảnh: THANH PHONG)
Người dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch mía. (Ảnh: THANH PHONG)

Sau khi Bộ Công thương có Quyết định số 1578/QĐ-BCT, ngày 15/6/2021 về áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với thời hạn 5 năm. Quyết định này có hiệu lực đã giúp đẩy giá đường trong nước nhích lên, tiêu thụ thuận lợi hơn. Đây chính là tín hiệu cho thấy vụ mía đường 2021-2022 có nhiều khởi sắc.

Diện tích giảm mạnh

Nếu trước đây, diện tích trồng mía cả nước khoảng 300 nghìn ha, thì niên vụ 2020-2021, theo tổng hợp từ các địa phương có nhà máy đường diện tích trồng mía còn gần 153 nghìn ha. Qua thống kê, diện tích như vậy đã giảm 16,27% so với niên vụ trước và năng suất mía bình quân đạt 63 tấn/ha, sản lượng đạt 9.635.607 tấn, giảm 14,24% so với niên vụ 2019-2020.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, để khắc phục những khó khăn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía, bảo đảm thu nhập cho nhân dân, trong niên vụ 2020-2021, một số nhà máy đã chủ động kết hợp nông dân, cơ quan chức năng địa phương xây dựng dự án khuyến nông, mô hình sản xuất như: Phát triển giống mía; đầu tư, cải tạo hệ thống thủy lợi, đường nội đồng; thực hiện cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch mía; đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác, sản xuất mía tới các hộ nông dân.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương và các doanh nghiệp đã chú trọng đến cơ giới hóa trong sản xuất mía (trồng, chăm bón, thu hoạch, vận chuyển). Một số doanh nghiệp lớn đã thực hiện hiệu quả cánh đồng lớn để cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch. Nhờ canh tác theo cánh đồng lớn giúp mía được đầu tư chăm sóc và tưới tiêu đúng kỹ thuật, vì vậy vừa giảm chi phí sản xuất vừa duy trì được năng suất, chất lượng mía và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng diện tích mía có tưới vẫn có tỷ lệ thấp khiến cho vùng nguyên liệu mía bị giảm năng suất lớn trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Hơn nữa, các doanh nghiệp, địa phương cũng đã chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất mía nguyên liệu. Trong đó có việc thu hoạch mía bằng máy để giảm chi phí lao động, khắc phục thực trạng thiếu nhân công trong vụ thu hoạch và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Tuy nhiên diện tích mía trồng mới sử dụng giống sạch bệnh còn chiếm tỷ lệ thấp; việc lựa chọn bộ giống mía rải vụ phù hợp điều kiện thổ nhưỡng tại các địa phương chưa được triển khai rộng; các mô hình áp dụng công nghệ mới trong sản xuất được thực hiện ít là các nguyên nhân khiến năng chất và chất lượng mía của nước ta mới chỉ ở mức trung bình.

Hướng tới sản xuất mía theo vùng tập trung, quy mô lớn

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động trong niên vụ 2021-2022, diện tích mía thu hoạch trong niên vụ này là 148.196 ha, dự kiến sản lượng mía đưa vào chế biến gần 8,6 triệu tấn, năng suất 66,5 tấn/ha, sản lượng đường là 873.283 tấn.

Nhằm bảo đảm sản xuất mía hiệu quả, theo các địa phương cần rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía tập trung; có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế; hướng dẫn hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác tại những vùng trồng mía không đạt hiệu quả.

Đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía; các địa phương ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường.

Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết bởi các hình thức liên kết trong ngành mía đường nước ta chưa được vững chắc nên khi gặp các điều kiện khó khăn như tác động của thời tiết, thiên tai hoặc biến động thị trường dưới tác động của gian lận thương mại hoặc cạnh tranh không bình đẳng rất dễ dẫn đến hủy hoại các liên kết. 

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong những niên vụ gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp nông dân phá vỡ hợp đồng hoặc một số nhà máy không thực hiện đúng các cam kết về giá hoặc hiện tượng các nhà máy đường lân cận tranh mua mía thông qua tư thương vẫn còn.

Trong khi đó, tại nhiều địa phương việc liên kết đã có tác dụng giảm bớt gánh nặng đầu tư và tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân trồng mía. Đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, các hình thức liên kết sản xuất mía đường đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều nông dân khu vực có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và tạo việc làm cho một số lượng lớn cho nhân dân.

Những năm qua biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến các vùng nguyên liệu mía. Vì vậy, muốn phát triển và phục hồi vùng nguyên liệu mía, ngành đường Việt Nam cần có các giải pháp cụ thể nhằm ổn định vùng nguyên liệu mía trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Mặt khác, các cơ quan chức năng và địa phương cần triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng xác định nguồn gốc đối với hàng hóa lưu hành trên thị trường và phân biệt các loại hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và gian lận thương mại.