Sắp xếp tổ chức gắn với lựa chọn đúng cán bộ
Năm 2017, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc Sở, thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập sáu trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, gồm: Y tế dự phòng, Phòng, chống bệnh xã hội, Sức khỏe lao động và Môi trường, phòng, chống HIV/AIDS, Sức khỏe sinh sản, Truyền thông - Giáo dục sức khỏe.
Kết quả thấy rõ là giảm được năm đầu mối, nhưng có nhiều khó khăn, nhất là trong công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc, Bí thư Đảng bộ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Rất nhiều tâm tư của cán bộ nơi đến, nơi đi khiến Đảng ủy, Ban Giám đốc phải trăn trở. Có 14 giám đốc, phó giám đốc trung tâm, mấy chục cán bộ chủ chốt cấp phòng, đều đủ trình độ, năng lực, có nguyện vọng cống hiến. Vậy ai sẽ giữ nguyên chức vụ, ai sẽ xuống làm chuyên viên?
Câu hỏi đó của hầu hết cán bộ, công chức, nhân viên sáu trung tâm y tế chờ vào kết quả lựa chọn của Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế quyết định thực hiện quy trình công khai, dân chủ, khách quan bảo đảm chọn đúng người, đúng việc. Thí dụ, việc chọn Giám đốc Trung tâm mới, có phương án chọn một trong sáu đồng chí giám đốc các trung tâm cũ vì có kinh nghiệm, trình độ. Nhưng khi đưa ra lấy ý kiến công khai, nhiều người cho rằng trung tâm mới có chức năng, nhiệm vụ lớn hơn, cho nên cần người đứng đầu có khả năng bao quát.
Tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên, Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở Y tế quyết định mở rộng đối tượng lựa chọn đến các đồng chí quy hoạch chức danh Giám đốc Sở. Phương án này được cán bộ, đảng viên các đơn vị sáp nhập thống nhất, đồng thuận cao. Đồng chí Vũ Đức Tiến, trước là Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường vui vẻ nhận nhiệm vụ mới, làm Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật dù có hơn 30 năm kinh nghiệm. Theo đồng chí Tiến, việc lựa chọn, sắp xếp cán bộ của cấp ủy, lãnh đạo sở minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sau khi sáp nhập trung tâm mới đã tập trung được nguồn lực, thống nhất đầu mối quản lý đội ngũ viên chức y tế trong toàn tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đầu năm 2018, Thành ủy Vĩnh Yên tiến hành sáp nhập Trung tâm bồi dưỡng chính trị thành phố vào Ban Tuyên giáo Thành ủy. Đồng chí Phạm Thị Mai Phương là một trong hai Phó Giám đốc Trung tâm được bổ nhiệm “ngang” vào vị trí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy. Nhiều người nghĩ đó là may mắn, nhưng lãnh đạo Thành ủy Vĩnh Yên cho biết đây là kết quả chính xác, khách quan. Theo kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế từ nay đến năm 2020, TP Vĩnh Yên sẽ sắp xếp, tinh giản nhiều đơn vị, liên quan đến hàng nghìn cán bộ, công chức, người lao động. Vì vậy, mỗi cán bộ khi được chọn lựa sắp xếp, Thành ủy đều căn cứ kết quả bình xét, đánh giá chất lượng của tập thể đơn vị. Thành ủy thường xuyên trao đổi, bàn bạc với các cơ quan cũ, mới, từ đó đưa ra quyết định chính xác.
Đồng chí Đỗ Thị Ngọc Thanh, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Vĩnh Yên chia sẻ, trước khi sáp nhập, cán bộ cả hai đơn vị đều băn khoăn liệu khối lượng công việc nhiều có thể đảm đương không? Nhưng sau một thời gian sáp nhập, ai cũng thấy chủ trương là đúng vì vừa giảm đầu mối lại vừa khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Theo đồng chí, quan trọng nhất trong sắp xếp lại tổ chức là chọn đúng người, giao đúng việc. Trường hợp đồng chí Phạm Thị Mai Phương do tiếp cận nhanh công việc, đến nay đã làm tốt nhiệm vụ phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận của ba đồng chí lãnh đạo trước đây, đồng thời vẫn tham gia một số phần việc khác trong công tác tuyên giáo.
Với cách làm này, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã sắp xếp, tinh giản 38 đầu mối quản lý nhà nước, trong đó có một chi cục, 27 phòng chuyên môn thuộc sở và 10 phòng trực thuộc các chi cục. Theo đồng chí Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản biên chế, năm 2016, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Đề án số 01 - ĐA/TU.
Trong quá trình triển khai, một trong nhiều bài học kinh nghiệm là gắn việc sắp xếp tổ chức bộ máy với công tác lựa chọn, bố trí cán bộ. Việc đề ra quy trình, cách thức chọn lựa sao đúng người, đúng việc đã khó, nhưng việc bảo đảm thực hiện đúng quy trình càng khó hơn. Có đơn vị khi sáp nhập cấp phòng, có sáu lãnh đạo phải sắp xếp, bố trí lại thì cả sáu đều là “người quen, người thân”… Một số đồng chí lãnh đạo có đơn vị sắp xếp, sáp nhập phải tắt điện thoại nhiều ngày. Chính vì vậy, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc luôn theo sát các đơn vị tiến hành sáp nhập, kiểm tra chặt chẽ quy trình và nghiêm cấm việc để người quen, người thân ảnh hưởng đến công tác lựa chọn, bố trí cán bộ. Kết quả là các đơn vị đẩy nhanh quá trình sắp xếp và chất lượng đội ngũ cán bộ sau sắp xếp, tinh giản được nâng lên rõ rệt.
Nâng cao chất lượng hoạt động cán bộ không chuyên trách
Để kiện toàn đội ngũ cán bộ không chuyên trách theo hướng tinh gọn, hiệu quả, khắc phục tình trạng “đông nhưng không mạnh”, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ các giải pháp như: giải thể các tổ chức không cần thiết, kiêm nhiệm chức danh và khoán kinh phí hoạt động. Thực tế chứng minh cách làm này góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Đồng chí Trần Đức Cậy, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường cho biết, thôn Đan Thịnh vừa hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa cách đây vài tháng. Đây được coi là cuộc cách mạng về sản xuất nông nghiệp của địa phương mà bao lâu nay chưa làm được. Đồng đất xã Phú Thịnh có điểm khó là không bằng phẳng, chia cắt nhiều mảnh, tính riêng thôn Đan Thịnh, trung bình mỗi hộ có từ 10 đến 16 mảnh to, nhỏ, cao, thấp khác nhau. Nhiều lần xã đưa việc dồn điền đổi thửa ra họp bàn nhưng không thống nhất được vì cán bộ thôn đùn đẩy trách nhiệm. Khi có chủ trương tinh giản biên chế, Đảng ủy xã tiên phong trong việc bố trí các chức danh kiêm nhiệm, đưa cán bộ, công chức xã xuống kiêm nhiệm các chức danh tại thôn, xóm.
Tại thôn Đan Thịnh, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm Bí thư chi bộ thôn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã kiêm Trưởng thôn. Do nắm chắc chủ trương, khi triển khai các đồng chí này đã thuyết phục, vận động được đảng viên, nhân dân thống nhất cao với chủ trương dồn điền đổi thửa. Những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân được báo cáo Đảng ủy xã để kịp thời có phương án giải quyết. Cụ thể, việc san ủi mặt bằng, bà con sợ tốn kém vì đất đai không bằng phẳng, xã quyết định để nhân dân tự làm bằng cách khuyến khích gia đình nào có điều kiện tự thuê máy móc, các gia đình khác phụ vào. Phương án này được bà con đồng thuận bởi giúp tiết kiệm chi phí. Sau ba tháng quyết liệt, thôn khó nhất là Đan Thịnh của xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa.
Xã Phú Thịnh giờ cũng có cơ cấu đội ngũ cán bộ không chuyên trách tinh gọn với tám chức danh cán bộ xã và năm chức danh cán bộ thôn nhưng công việc thì hiệu quả hơn hẳn. Đồng chí Lỗ Tất Chánh, Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường cho biết, các xã trong huyện đã giải thể chi bộ cơ quan xã, chi bộ quân sự xã, đưa cán bộ về sinh hoạt tại khu dân cư, đưa công chức xã kiêm nhiệm các chức danh thôn xóm, khu phố. Việc làm này giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thôn xóm, khu phố.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, để thực hiện mục tiêu tinh giản đội ngũ cán bộ thôn xóm, khu dân cư, tháng 7-2017, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc có Nghị quyết số 22 về “Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố”. Tinh thần của Nghị quyết là tinh giản đến mức thấp nhất số cán bộ không chuyên trách ở cơ sở và quy định rõ chế độ chính sách để góp phần khuyến khích những cán bộ kiêm nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nghị quyết này được các địa phương triển khai nghiêm túc, nhiều nơi đã hoàn thành sớm.
Huyện Vĩnh Tường sau khi hoàn thành việc sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách đã giảm cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã từ 35 người xuống còn tám người; cấp thôn từ 15 người xuống còn bảy người (đối với thôn loại 1) và năm người (đối với thôn loại hai, loại ba). Qua đó, ngân sách huyện tiết kiệm được mỗi năm hơn sáu tỷ đồng. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm được 10.704 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn.
Đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả, có chiều sâu việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày 30-1-2018, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Chương trình hành động số 49 với nhiều giải pháp quyết liệt. Tỉnh sẽ thực hiện rà soát, kiểm tra các đầu mối đã được sáp nhập theo Đề án 01 của Tỉnh ủy để kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các phòng, ban và tương đương còn lại của các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, thị xã đã được phê duyệt.
Bảo đảm tỷ lệ tinh giản biên chế toàn tỉnh theo lộ trình giảm dần đến năm 2021 đạt ít nhất 10% biên chế được giao năm 2015; khuyến khích chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập có thu sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước; thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách tinh giản biên chế. Năm 2018, tỉnh sẽ hoàn thành việc bố trí kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách theo Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh và ban hành quy định thống nhất quản lý biên chế chung toàn tỉnh. Với quyết tâm cao và những giải pháp sáng tạo, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã đề ra.