Kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào nguyễn du (1765 - 2015)

Vinh danh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du

Tại kỳ họp thứ 37 Đại hội đồng UNESCO ở Pa-ri (Pháp) ngày 25-10-2013,Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820) nhà văn hóa, tác giả Truyện Kiềunổi tiếng của Việt Nam đã được chọn là nhân vật văn hóa do thế giới vinh danh, nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào vào năm 2015.

Du khách quốc tế tham quan tượng Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Du khách quốc tế tham quan tượng Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Tin vui này nhanh chóng được đông đảo người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đón nhận với niềm tự hào.

Hành trình đến với UNESCO Năm 1965, thi hào Nguyễn Du được Hội đồng Hòa bình Thế giới kết hợp với Việt Nam long trọng tổ chức kỷ niệm nhân 200 năm Ngày sinh của nhà thơ. Đó là một trong những năm nước ta trải qua thời kỳ khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhưng bất chấp bom đạn, người dân Việt Nam vẫn tổ chức một hội nghị khoa học quốc tế lớn tại Thủ đô Hà Nội và lễ vinh danh Nguyễn Du và Truyện Kiều. Ở tất cả các thành phố, các địa phương trong cả nước đều tổ chức nói chuyện Truyện Kiều, tổ chức kỷ niệm, biểu diễn sân khấu và các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tưởng nhớ Đại thi hào. Có một hiện tượng đẹp là trong hành trang của nhiều chiến sĩ khi ấy người ta bắt gặp những cuốn Kiềucùng đồng hành ra trận.

Năm 2015 là tròn 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du. Lần này UNESCO chủ trương thúc đẩy các lễ kỷ niệm các nhân vật văn hóa và ưu tiên đối với các nước đang phát triển, các nước châu Phi, Ả Rập cùng các đảo nhỏ, các nhân vật phụ nữ. Thi hào Nguyễn Du nằm trong số 108 nhân vật được lựa chọn đó. Có được kết quả vui mừng này phải ghi nhận công sức của UBND tỉnh Hà Tĩnh - quê hương Nguyễn Du; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UNESCO Việt Nam. Nguyễn Du là Nhà văn hóa thứ ba của Việt Nam (sau Nguyễn Trãi và Chủ tịch Hồ Chí Minh) được UNESCO vinh danh.

Trách nhiệm của Hội Kiều học Việt Nam Hội Kiều học Việt Nam (Hội Khoa học nghiên cứu và quảng bá Nguyễn Du - Truyện Kiều)ngay từ lúc ra đời đã tự nguyện được làm nhiệm vụ cao quý này nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du với những giá trị văn hóa bất hủ của dân tộc. Từ năm 2012 đến nay, Hội đã có những đóng góp rất tích cực vừa phát triển hội viên trong toàn quốc, vừa tổ chức những hội thảo khoa học, vừa triển khai những công trình nghiên cứu, công trình nghệ thuật để thiết thực vinh danh Nguyễn Du. Hai năm là một khoảng thời gian không dài nhưng dấu ấn về những cuộc hội thảo "Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới", hội thảo về tập thơ "Bắc hành tạp lục" hoặc những công trình của Nguyễn Văn Hoàn, Đặng Thanh Lê, Vũ Ngọc Khánh, Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Thế Anh qua Tùng thư "Truyện Kiều và văn hóa Việt Nam" (NXB Thanh Niên), công trình của Phạm Đan Quế "Nghệ thuật Truyện Kiều", tiểu thuyết của Hoàng Khôi "Nguyễn Du trên đường gió bụi"... đã tạo được ấn tượng đẹp trong công chúng. Hội Kiều học cũng đang triển khai công trình "Xác lập một văn bản Truyện Kiềuđồng thuận cao", xuất bản Tạp chí Kiều họcvà xây dựng tủ sách Hán Nôm cho Thư viện Khu Di tích Nguyễn Du. Hội cũng đang chuẩn bị một số kịch bản phim, kịch bản sân khấu, thành lập các Trung tâm Nghệ thuật quảng bá Nguyễn Du, khai trương Quán Kiều để bình thơ, giới thiệu Truyện Kiều qua các hình thức nghệ thuật.

NGUYỄN XUÂN LAM

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Kiều học Việt Nam