Anh ra đi chẳng mang theo hành trang gì, có chăng chỉ là tình yêu thương đồng bào, đồng chí như anh đã dành cho chúng tôi trong những năm đánh giặc và cả thời gian xây dựng quê hương Quảng Nam - Ðà Nẵng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Sau ngày Quảng Nam - Ðà Nẵng được giải phóng, Trung ương cử anh Hồ Nghinh làm Bí thư Tỉnh ủy, còn tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh. Ðó là thời kỳ tôi gần gũi anh nhất, nhiều kỷ niệm với anh nhất. Từ ngày gặp nhau ở chiến trường, cùng phối hợp chiến đấu rồi làm việc bên nhau, anh đã để lại trong tôi và trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả tỉnh những tình cảm rất đỗi thân thương. Với tôi, anh là người vẹn toàn, cả lý luận lẫn thực tiễn, đã nói là làm và làm bằng được.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ anh là Bí thư Ðặc khu Quảng Ðà, còn tôi là Bí thư Quảng Nam. Nhiều lần gặp nhau, cùng họp bàn, tôi nhận ra anh là người cán bộ xuất sắc có kinh nghiệm phán đoán tình huống, tình hình. Sau này, tôi mới hiểu để có được kiến thức, kinh nghiệm quý báu ấy, anh đã tự học, tự rèn luyện trongcuộc sống, chiến đấu sôi động, muôn mầu.
Từ nhỏ, anh đã nổi tiếng là thông minh và hiếu học. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, anh ra Huế học trường Quốc học. Những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước, thành phố Huế trải qua những ngày sôi động, anh sớm đón nhận những hoạt động yêu nước thông qua phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Ðang học năm thứ ba tham gia bãi khóa, anh bị thực dân Pháp đuổi học. Anh tự học tiếng Trung Quốc và nhất là tiếng Pháp. Nhờ thông thạo nhiều ngoại ngữ, anh đã sớm tiếp cận, nghiên cứu nhiều sách báo khác nhau. Có thời kỳ, anh cùng với em ruột của mình là Hồ Thấu thành lập Trường Tân Tân ở Duy Trinh, Duy Xuyên. Cái tên Tân Tân như thể hiện ý nguyện của anh khát vọng đưa quê hương đất nước thoát khỏi chìm đắm cảnh đày đọa.
Tháng 8-1945, anh tham gia cướp chính quyền ở xã Duy Trinh, Duy Xuyên (Quảng Nam). Năm 1946, anh đứng trong hàng ngũ của Ðảng, rồi tham gia Huyện ủy, là Phó Bí thư Huyện ủy, là Tỉnh ủy viên năm 1949, là Thường vụ Tỉnh ủy năm 1950, đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
Tháng 7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết, anh được tổ chức phân công ở lại hoạt động công khai dưới danh nghĩa bề ngoài là Bí thư Ðảng bộ Ðảng xã hội Quảng Nam. Thế nhưng, Hiệp định Geneva chưa ráo mực, kẻ thù rắp tâm đàn áp, khủng bố cơ sở cách mạng. Trước nguy cơ bị lộ, anh được chuyển ra bắc.
Năm 1957, anh được điều về làm Thường vụ Khu ủy Ðặc khu Vĩnh Linh, và khi có Nghị quyết 15, anh là một trong những người đầu tiên trở lại quê hương chiến đấu một mất, một còn với quân thù. Từ đây, cuộc đời anh gắn liền với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở quê nhà, ở chiến trường miền nam đầy gian nan, thử thách, với cương vị Bí thư Ðặc khu Quảng Ðà.
Viết đến đây, tôi lại càng nhớ anh, nhớ một người anh, người đồng chí lúc nào cũng sẵn sàng đứng đầu ngọn sóng, thử thách trong bom đạn.
Còn nhớ, sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968, tình hình chiến trường trở nên ác liệt, bấy giờ địch chủ trương muốn tiêu diệt Cộng sản, ngăn chặn chi viện của miền bắc và tiêu diệt bằng được các chi bộ Ðảng, đánh bật Ðảng ra khỏi dân.
Ðây là một âm mưu thâm độc, nguy hiểm. Ðể thực hiện âm mưu đó, chúng cày trắng các vùng nông thôn, nhiều vùng ở Quảng Ðà đã bị chúng cày xới bao lần. Trong lúc tình hình nóng bỏng như vậy, anh Hồ Nghinh có quyết sách rất táo bạo, đó là đưa Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có anh, về đứng chân ở Gò Nổi - nơi bị đánh phá, cày ủi liên tục ngày đêm. Có người lo ngại đưa cơ quan đầu não của Ðảng về đây là rất nguy hiểm, chi bằng đóng ở đâu đó thật an toàn để lãnh đạo toàn quân, toàn dân chiến đấu. Anh Hồ Nghinh kiên quyết: "Lúc này, điều quyết định còn hay mất là mỗi đảng viên phải bám dân. Ðúng là đứng chân giữa Gò Nổi là rất nguy hiểm, nhưng hiệu quả nhất lúc này là sự có mặt của mình tại chỗ. Bí thư Tỉnh ủy đứng ở Gò Nổi - nơi ác liệt nhất thì dù khó khăn mấy, không một bí thư huyện ủy nào dám bỏ dân mà chạy. Bí thư xã còn bám trụ thì không bí thư chi bộ hay đảng viên nào bỏ thôn xóm. Ðảng viên còn trụ lại thì dân trụ lại, theo đó, địa bàn còn thì phong trào còn". Kết quả là Ðảng bộ Quảng Ðà đã bám trụ và vượt qua tất cả, làm tan vỡ mọi kế hoạch đánh phá thâm độc của kẻ thù.
Sau ngày quê hương giải phóng, được làm việc bên anh, tôi học được nhiều điều về sự điềm tĩnh và quyết đoán của anh.
Tưởng nhớ anh, nhớ những năm tháng đầu tiên sau ngày quê hương giải phóng, những đêm ấy anh không ngủ được, quần quật suốt ngày với từng cuộc họp, từng chuyến đi về các huyện, thị xã, cơ sở trong tỉnh.
Những năm chiến tranh, chúng tôi chỉ bàn bạc và phối hợp nhau cùng chiến đấu, tiêu diệt giặc, ít có dịp bàn đến sau ngày quê hương giải phóng, làm gì, làm ra sao, lo cho dân như thế nào. Vậy mà kỳ lạ thay, khi cùng nhau chung lo công việc xây dựng lại quê hương Quảng Nam - Ðà Nẵng, anh tỏ ra là một cán bộ thao lược, tựa hồ đã chuẩn bị sẵn, viết sẵn các phương án từ thời còn ở rừng. Nếu như trong chiến tranh, anh là người luôn có mặt ở những vị trí nóng bỏng thì trong xây dựng, anh là người dám làm, dám chịu trách nhiệm, để lo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho dân.
Sau ngày giải phóng miền nam, để giải quyết hàng loạt khó khăn, anh đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp bách, nhất là trên mặt trận nông nghiệp, thủy lợi. Quan điểm của anh là, người dân đi theo cách mạng vì tin ở cách mạng, nay đất nước độc lập, thống nhất, dứt khoát mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm lo cho dân, lo cái ăn, cái mặc, học hành, đi lại. Ðể người dân thiếu ăn, thiếu mặc là mình có tội. Không biết có phải vì trăn trở thường trực ấy không mà hai năm sau ngày giải phóng, mặc dù trực diện với bao khó khăn chồng chất, khi tôi nghe Bộ Thủy lợi thông báo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định cho Quảng Nam làm hồ Phú Ninh, ngày 25-3-1977, tôi qua Thường vụ báo cáo với anh; tối 25-3 họp Thường vụ bất thường, anh đề nghị Thường vụ ngày 29-3 khởi công xây hồ, nhân Ngày giải phóng Quảng Nam - Ðà Nẵng. Anh toàn tâm toàn lực xây dựng hồ chứa nước Phú Ninh để kịp thời cung cấp nước tưới cho hàng vạn ha ruộng, các đồng đất vừa được khai hoang vỡ hóa với phương châm phát huy nội lực bằng sức mạnh tập thể, sức mạnh của toàn quân, toàn dân vừa bước ra khỏi cuộc chiến. Ðó là công trình tầm vóc, có ý nghĩa lớn nhất của Quảng Nam - Ðà Nẵng, mãi mãi khắc ghi công lao của anh, bản lĩnh, trách nhiệm của anh, mà theo thời gian, ngẫm lại càng thấy giá trị nhân bản, quyết tâm cao của anh.
Anh Nghinh ơi! Có quá nhiều việc, nhiều chuyện kể sao cho hết về anh, về một cán bộ lãnh đạo tài năng, nhân hậu. Giờ đây anh đã đi xa. Anh đi xa nhưng những suy nghĩ và hành động vì quê hương đất nước, vì sự nghiệp xây dựng Tổ quốc phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của anh vẫn sống mãi trong bao đồng bào, đồng chí. Anh ra đi nhẹ nhàng, thảnh thơi, tự tại, chắc hẳn anh rất yên lòng bởi đất nước, quê hương đang từng ngày đổi thay diệu kỳ. Cách đây ba ngày, tôi có ghé thăm và chúc mừng anh được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh - Huân chương cao quý nhất. Thấy anh không được khỏe như mọi khi, tôi không dám ngồi lâu. Không ngờ, đó là lần gặp anh cuối cùng. Hôm nay, nghe tin anh ra đi, trong nỗi niềm thương tiếc vô hạn, tôi vội viết mấy dòng này để gọi là phân ưu cùng gia đình và kính viếng, tiễn đưa anh tới nơi an nghỉ cuối cùng. Vĩnh biệt anh, người đồng chí đáng kính của chúng tôi.
Ngày 16 tháng 3 năm 2007