Vietcombank xem xét nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém

NDO -

Ngày 29/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Tại Đại hội lần này, sẽ xem xét thông qua chủ trương Vietcombank tham gia tái cơ cấu bằng hình thức nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

Vietcombank xem xét nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém

Lãnh đạo Vietcombank nhận định, việc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém phù hợp chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, bảo đảm khả năng hoạt động liên tục.

"Là ngân hàng thương mại số 1, có vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, việc Vietcombank tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém khẳng định vị thế và trách nhiệm của Vietcombank trong việc góp phần bảo đảm sự an toàn, phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, trong đó có Vietcombank", đại diện lãnh đạo Vietcombank nêu rõ.

Cũng theo lãnh đạo Vietcombank, một trong các nguyên tắc nhận chuyển giao bắt buộc là bảo đảm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thông thường và danh tiếng của Ngân hàng; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và cán bộ công nhân viên Vietcombank. Với việc nhận chuyển giao bắt buộc, Vietcombank sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới hoạt động, tốc độ tăng trưởng,… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc như một ngân hàng con, hoặc bán/chuyển nhượng tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư mới; tạo cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông Vietcombank.

Sau chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank. Vietcombank không góp vốn vào tổ chức tín dụng trong thời gian tổ chức tín dụng còn lỗ lũy kế. Tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc và Vietcombank sẽ được nhận các biện pháp hỗ trợ theo quy định của pháp luật và phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 xem xét phê duyệt các định hướng lớn và chỉ tiêu hoạt động kinh doanh cơ bản cho năm 2022. Cụ thể, các chỉ tiêu chính gồm: tổng tài sản tăng 8%; huy động vốn tăng 9%; dư nợ tín dụng tối đa tăng 15%; lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%; chi trả cổ tức theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;...

Phát biểu ý kiến tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng khẳng định: Năm 2021, trong bối cảnh phải đối diện những khó khăn, thách thức chung chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài với nhiều biến chủng nguy hiểm, Vietcombank đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh, giữ vững vị trí ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank tại Đại hội đồng cổ đông cho biết: Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2021 đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Huy động vốn, tín dụng đều tăng trưởng ở mức cao (tương ứng tăng 9% và 15% so với năm 2020), vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,63%), tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao nhất trong ngành ngân hàng (424%). Đặc biệt, Vietcombank đã trích lập 100% dự phòng rủi ro cho dư nợ cơ cấu, sớm trước hai năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Doanh số thanh toán quốc tế lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, giúp thị phần tiếp tục được mở rộng.

Vietcombank đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, tăng vốn điều lệ lên mức 47.325 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh ấn tượng của Vietcombank đã được thị trường đón nhận rất tích cực, đưa quy mô vốn hóa của ngân hàng đạt 16,7 tỷ USD khi khép lại năm 2021.

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước với quy mô nộp ngân sách khoảng 11.000 tỷ đồng trong năm 2021. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng chủ động tích cực tham gia các hoạt động an sinh vì cộng đồng, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của một thương hiệu lớn. Trong năm 2021, Vietcombank đã thực hiện các chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền cam kết gần 723 tỷ đồng, trong đó ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 381 tỷ đồng.