Một chiều hè năm 2001, đồng chí Vũ Kỳ hẹn chúng tôi đến nhà riêng. Năm ấy, ngoài 80 tuổi, nom ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mắt luôn cười.
Biết chúng tôi muốn nghe chuyện về Bác Hồ, đồng chí Vũ Kỳ nói lại một ý của Bác: "Viết về Bác cũng được, nhưng đừng thần thánh hóa Bác. Có người yêu Bác mà viết, nhưng cũng có người mượn việc này để đề cao mình. Viết gì cũng phải có tác dụng giáo dục, trung thực, logic. Viết sai có khi gây phản tác dụng. Thí dụ, có người viết: thấy người gác ngủ gật, ngã xuống hố, Bác vội chạy ra, chân không kịp xỏ dép, nâng người gác dậy và xoa bóp hộ. Bác đâu bất cẩn như thế ! Hoặc có người viết: Bác chỉ ăn cá bống kho mặn và cà dầm mắm, làm cho cán bộ Hải Phòng viết thư lên Trung ương yêu cầu phải lo cho Bác ăn đủ chất dinh dưỡng. Thật ra, Bác thích các món đó vì hương vị quê hương, nhưng bữa ăn không chỉ có thế...".
Nhà sàn trong Khu di tích |
Ðồng chí Vũ Kỳ còn nhớ mãi tác phong làm việc cẩn thận của Bác Hồ, kể từ từng việc nhỏ như không dùng tay xé mà lấy kéo cắt phong bì, dùng thước kẻ dưới hàng chứ không dùng tay không... Thời gian đầu làm thư ký cho Bác Hồ còn lóng ngóng, e ngại, Bác động viên, đặt ra yêu cầu rất tâm lý: Mỗi ngày, Vũ Kỳ phải hỏi Bác ba câu, bất kỳ ngồi trên xe hay ở đâu. Có lần Vũ Kỳ gắt với cán bộ giúp việc về điều gì đó, khi hối hận, xin Bác bày giúp cách sửa chữa. Bác hỏi: "Có bao giờ Bác gắt với chú không?". Vũ Kỳ trả lời: "Không". Bác Hồ nói: "Vì Bác tôn trọng chú, Bác cháu ta tôn trọng nhau". Thế là Vũ Kỳ sửa được lỗi ấy. Khi ngồi cùng làm việc một phòng, có việc gì cần trao đổi, Bác Hồ thường chủ động đến trước bàn đồng chí Vũ Kỳ, chứ không gọi đồng chí đến bàn mình.
Bác Hồ trong hồi ức của ông là những khoảng lặng sâu lắng; tình nhà - nợ nước. Có lần Bác nói: "Bác sinh ra ở Nghệ An, mẹ Bác mất ở Huế, cha Bác mất ở Cao Lãnh, anh và chị Bác mất ở Nghệ An. Quê Bác là cả ba miền Tổ quốc. Bác ra đi từ Sài Gòn và trở về nước làm việc ở Hà Nội, như vậy là chưa trọn vòng, chưa về đến chốn".
Muốn nghe nhiều nữa, nhưng thời gian có hạn, chúng tôi đành cáo từ ông.