Việt Nam trung thành với bản thân và đi con đường riêng lên chủ nghĩa xã hội

NDO -

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không dừng lại ở câu hỏi: “Vậy thì chúng ta phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào, và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?”, mà còn giải thích con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang đi dưới những hoàn cảnh và đặc điểm của Việt Nam.

Ông Stefan Kühner. (Ảnh: TTXVN)
Ông Stefan Kühner. (Ảnh: TTXVN)

1- Những nhận xét về bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng

Chủ nghĩa xã hội là gì? Làm thế nào để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XXI trong một thế giới do chủ nghĩa tư bản thống trị? Những câu hỏi này được đặt ra không chỉ bởi những người cộng sản ở Việt Nam mà còn bởi rất nhiều đồng chí trên thế giới. Họ nhìn sang Trung Quốc, Cuba, Lào và thậm chí sang cả Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và đặt ra câu hỏi điều gì diễn ra ở đó? Đấy đã là chủ nghĩa xã hội chưa hay chủ nghĩa xã hội chỉ là một sự không tưởng? Liệu một trong những nước đó có thể trở thành tấm gương cho chủ nghĩa xã hội?

Ở những quốc gia công nghiệp cao, những người tự xưng là “tả”, “xã hội” hay “mác-xít” đã tìm lại các tác phẩm căn bản của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I. Lê-nin và họ lập một danh mục các tiêu chuẩn mà theo họ là chủ nghĩa xã hội và đánh dấu vào những tiêu chí đó là “đã được thực hiện” hoặc “không được thực hiện”. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lại làm điều hoàn toàn khác: đồng chí đã đưa dẫn chứng về thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng chí không làm việc đó với những trích dẫn của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin hay của Hồ Chí Minh, mà đặt chúng ta đối diện với những tư tưởng và những mục tiêu của họ.

Đồng chí chỉ rõ những gì là điều kiện khung kể từ Đại hội VI năm 1986 đến nay nhân dân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang nghiên cứu để nâng cao chất lượng đời sống của người dân ở Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không dừng lại ở câu hỏi: “Vậy thì chúng ta phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào, và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?” mà còn giải thích con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang đi dưới những hoàn cảnh và đặc điểm của Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Điều này chỉ ra một nhận thức quan trọng cho những người cộng sản trên toàn thế giới: Những gì Việt Nam đang làm là con đường của Việt Nam.

2- Vì sao bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng quan trọng?

Bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đáng được quan tâm đặc biệt cho sự tranh luận về câu hỏi “cái gì là xã hội chủ nghĩa?” và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam như thế nào?

Thứ nhất, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giải thích một lần nữa xuất phát điểm của Việt Nam và những nỗ lực trong những điều kiện khó khăn của hậu quả chiến tranh và sự cấm vận đối với Việt Nam trên con đường đổi mới 35 năm qua. Nhiều sự thật đã không được giới trẻ ở Đức biết tới.

Thứ hai, đồng chí đã chỉ ra rằng, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể theo một giáo lý nào và một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể chỉ có lập chính phủ thông qua bầu cử, mà phải là quyền lực của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thứ ba, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đưa ra định nghĩa rõ ràng về việc ở Việt Nam “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được hiểu như thế nào và đồng chí mô tả những yếu tố đan xen và cạnh tranh của hình thái kinh tế này. Những câu hỏi trên luôn được đặt ra bởi những đồng chí người Đức trong các cuộc thảo luận về Việt Nam. Những phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một sự hỗ trợ tuyệt vời cho sự đánh giá về con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ tư, bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng hàm chứa những phát biểu về vai trò của phát triển sức lao động là động cơ cho việc xây dựng một nền kinh tế bình đẳng. Quan điểm về khả năng phát triển sức lao động theo những tiêu chí xã hội chủ nghĩa không có và không được biết đến ở những nước tư bản chủ nghĩa. Việc phát triển sức lao động trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở các nước tư bản khiến cho người dân lao động lo lắng về công việc và quyền lợi dân chủ của mình. Ở đây, những khác biệt cơ bản về khả năng của các công nghệ hiện đại trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đã thể hiện rõ.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản”. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có lý khi phát biểu như vậy.

Những nhà tư tưởng của chủ nghĩa tư bản luôn tìm cách nhồi vào đầu người dân những luận điệu về “điểm yếu” và “sự sai lầm” của chủ nghĩa xã hội - hằng ngày thông qua các kênh truyền thông. Cuộc tấn công như vũ bão vào ý thức hệ không hề dừng lại với “chiến thắng” của chủ nghĩa tư bản mà được tăng cường thêm mỗi ngày để mọi người không thể không thấy những điểm yếu của hệ thống xã hội chủ nghĩa này.

Trong bài viết của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật “sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. Đây chính là điểm mà hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa công kích. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là yếu tố tư tưởng bị công kích mạnh nhất. Không chỉ Việt Nam mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và Cuba cũng bị tấn công. Chủ nghĩa tư bản liên tục đưa ra luận điệu đòi đa đảng ở Việt Nam và Trung Quốc.

3- Những người cộng sản Đức và câu hỏi về chủ nghĩa xã hội

Tại Đại hội lần thứ XXIII tháng 02/2020, Đảng Cộng sản Đức đã quyết định về sự cần thiết của thay đổi cán cân quyền lực nhằm mở đường cho việc xóa bỏ theo hướng cách mạng chủ nghĩa tư bản và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Đức đã định hình nhiệm vụ của mình là thúc đẩy phát triển ý thức giai cấp vô sản, chỉ rõ kẻ thù chung trong hình dạng của độc quyền tư bản và tích cực cho sự thống nhất hành động của giai cấp lao động và kết nối với phong trào công nhân cũng như phong trào chống độc quyền.

Đối với Việt Nam và các nước khác đang đi con đường lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Đức chủ trương: “Trong hợp tác quốc tế, Đảng Cộng sản Đức được dẫn dắt bởi nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đảng Cộng sản Đức coi việc tăng cường hợp tác với các Đảng Cộng sản và Đảng Lao động là con đường quyết định nhằm củng cố phong trào cách mạng và chống đế quốc trong phạm vi toàn cầu. Đảng Cộng sản Đức thừa nhận rằng có nhiều quan điểm khác nhau trong hàng ngũ những Đảng Cộng sản và Đảng Lao động về nhiều vấn đề. Những vấn đề này có thể là và phải là chủ thể của một cuộc tranh luận về nội dung mang tính đoàn kết giữa các đảng. Cuộc tranh luận, thực tiễn chung và sự trao đổi sẽ dẫn đến nhận thức chung, giúp cho việc nâng cao sức ảnh hưởng của tất cả các đảng, trong đó có cả phong trào cộng sản thế giới.

Kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Đức cho thấy, việc tăng cường phong trào cách mạng quốc tế đồng thời bao hàm cả việc tăng cường phong trào cách mạng ở từng nước. Đảng Cộng sản Đức kiên định thực hiện công việc của giai cấp lao động ở mỗi nước gắn với sự ủng hộ đoàn kết của cuộc chiến đấu của những lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới. Đảng Cộng sản Đức cho rằng, mỗi Đảng Cộng sản cần tự đưa ra chính sách của mình. Đảng chịu trách nhiệm trước giai cấp công nhân và xã hội, đồng thời trước lực lượng lao động toàn thế giới”.

STEFAN KÜHNER - Chủ tịch Quỹ Marx - Engels - Stiftung ở Đức, thành viên Ban biên tập Thời báo Mác-xít và thành viên Ủy ban quốc tế của Đảng Cộng sản Đức