Việt Nam tích cực phòng, chống bệnh mắt hột


Mắt hột là bệnh viêm kết mạc do tái nhiễm vi khuẩn chlamydia trachoma type A, B và C. Tình trạng viêm nhiễm mãn tính dẫn tới sẹo, co kéo kết mạc và gây ra lông quặm; lông quặm cọ xát vào tròng mắt nếu không được chữa trị sẽ dẫn tới mù lòa.

Nghiên cứu của các nhà chuyên môn xác định nguyên nhân chính gây nên bệnh mắt hột thường là do nước sạch, vệ sinh môi trường không bảo đảm, ruồi nhặng nhiều, tình trạng dùng chung khăn mặt trong sinh hoạt... dẫn tới tỷ lệ mắc mắt hột hoạt tính cao, nhất là ở trẻ em (từ một đến 10 tuổi) có vùng lên 20-30%. Những năm 60 của thế kỷ trước, tuy gặp nhiều khó khăn, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân còn hạn chế nhưng Nhà nước dành sự quan tâm đối với hoạt động phòng, chống bệnh mắt hột ở miền bắc. Hàng chục năm nỗ lực, phấn đấu, từ chỗ không ít nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc đến Nghệ An, Hà Tĩnh... có tỷ lệ đau mắt hột 55-60% (thậm chí có làng, xã lên tới 65-70%); và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa cho hơn 500 nghìn người, thì đến đầu những năm 90 giảm xuống 7%.

Cũng theo điều tra của chuyên ngành mắt tại 12 huyện thuộc tám tỉnh phía bắc (năm 2001), cho thấy: tỷ lệ bệnh mắt hột hoạt tính là 12-14% và hiện trên cả nước có khoảng hơn 300 nghìn trường hợp bị quặm chưa được phẫu thuật, điều trị.

Như một số bệnh truyền nhiễm gây dịch khác, mắt hột là căn bệnh lưu hành và phát triển ở các quốc gia lạc hậu, chậm phát triển, mà nước ta là một trong số hàng chục nước có tỷ lệ người mắc khá cao. Cũng vì lẽ đó, năm 2000, tổ chức phòng, chống bệnh mắt hột quốc tế (ITI) hỗ trợ chúng ta trong việc phòng, chống và tiến tới loại trừ bệnh mắt hột trong cộng đồng. Với nguồn kinh phí hơn 15 triệu USD (trong đó 90% bằng thuốc) dự án phòng, chống mắt hột đang bước vào giai đoạn hai, triển khai thực hiện ở 314 xã của 11 huyện thuộc bảy tỉnh, thành phố trong cả nước. Giai đoạn một, đã được thực hiện thí điểm ở 13 huyện thuộc chín tỉnh khác nhau, với 350 nghìn liều kháng sinh Zithromax được cấp phát cho người bệnh, gần 10 nghìn ca quặm được mổ và điều trị.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục phó Dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn hai của dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2004. Ðến nay đã tổ chức tập huấn cho hơn bảy nghìn giáo viên các trường tiểu học, gần 8.900 tuyên truyền viên và hơn 3.500 cán bộ y tế xã, bản. Ðồng thời tổ chức mổ quặm cho hơn 35 nghìn trường hợp, cấp phát thuốc cho 1,3 triệu người, tuyên truyền giáo dục cách phòng, tránh bệnh mắt hột cho ba triệu lượt người trong vùng dự án. Một số huyện như Nghi Lộc (Nghệ An), Khoái Châu (Hưng Yên), Can Lộc (Hà Tĩnh) sau ba năm thực hiện dự án mổ được sáu nghìn ca quặm, hàng trăm nghìn người (từ một đến 15 tuổi) được cấp thuốc Zithromax; giảm số người mắc mắt hột hoạt tính từ hơn 14% xuống 5-6%...

Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh mắt hột đang gặp phải những khó khăn, thách thức: Ðịa bàn nông thôn vùng sâu, vùng xa "khan hiếm" nước sạch, công tác vệ sinh môi trường tại không ít làng, xã chưa được cải thiện, số người có nhu cầu mổ quặm "tồn đọng" khá lớn, ý thức vệ sinh cá nhân (rửa mặt, dùng khăn mặt riêng) còn hạn chế; trong khi quan niệm khá phổ biến của người dân "đau mắt chưa thể chết ngay"...

Trung tuần tháng 7 vừa qua, một hội nghị "xây dựng kế hoạch thanh toán bệnh mắt hột vào năm 2010" do Bộ Y tế phối hợp ITI được tổ chức tại Quảng Ninh, xác định mục tiêu đến năm 2010; giảm tỷ lệ mắc mắt hột hoạt tính ở trẻ em (một đến chín tuổi) thuộc 1.700 xã nghi ngờ có ổ dịch xuống dưới 5%, 80% số hộ gia đình, 100% trường học và trạm y tế trong vùng dự án được cung cấp nước sạch và sử dụng công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; phấn đấu phẫu thuật được 300 nghìn ca quặm có nguy cơ gây mù lòa.

Có thể nói, đây là công việc hết sức nặng nề đòi hỏi một kế hoạch vừa mang tính chiến lược vừa cụ thể; cần sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể từ T.Ư xuống cơ sở, trong đó nòng cốt là ngành y tế. Lồng ghép công tác phòng, chống mắt hột vào các chương trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu của nhân dân, công tác y tế học đường, nước sạch và vệ sinh môi trường. Tập trung ưu tiên nguồn lực cho các vùng trọng điểm bệnh mắt hột. Quan tâm công tác giáo dục truyền thông những kiến thức, hiểu biết về căn bệnh này; đồng thời thực hiện điều trị hàng loạt đối với các vùng có tỷ lệ mắt hột hoạt tính hơn 10%, còn nơi có tỷ lệ 8-9% trở xuống áp dụng phương pháp điều trị theo hộ gia đình.