Việt Nam nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững

NDO -

NDĐT- Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) sẽ diễn ra trong năm ngày (từ ngày 28-3 đến 1-4) tại thủ đô Hà Nội. Với tư cách nước chủ nhà đăng cai IPU-132, Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất chủ đề chính của IPU-132 lần này “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”.

Nhiều đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội thảo“Từ các mục tiêu thiên niên kỷ 2000-2015 đến các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Vai trò của Nghị viện”.
Nhiều đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội thảo“Từ các mục tiêu thiên niên kỷ 2000-2015 đến các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Vai trò của Nghị viện”.

Cụ thể hóa các cam kết quốc tế

Nhằm thực hiện các công việc chuẩn bị cho Hội nghị Liên minh nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành vừa qua đã chuẩn bị các báo cáo tham luận đối với chuyên đề “Khái quát việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Việt Nam: Kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm”.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, sau khi cùng các quốc gia cam kết thực hiện các mục tiêu MDGs, Việt Nam đã triển khai xây dựng Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo (CPRGS) giai đoạn 2011-2015. Trong đó, các mục tiêu MDGs của quốc tế đã được cụ thể hóa vào tình hình cụ thể của Việt Nam, đồng thời bổ sung thêm một số mục tiêu bổ trợ cho việc thực hiện các MDG, từ đó hình thành nên các Mục tiêu phát triển của Việt Nam (VDG).

Các mục tiêu được bổ sung là: Tăng trưởng của nền kinh tế; Huy động nguồn lực cho Xóa đói giảm nghèo; Hiệu quả thực hiện nguồn lực; Cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn và người nghèo trong khu vực thành thị; Nâng cao mức sống, bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc ít người; Giảm khả năng dễ bị tổn thương...

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Kể từ năm 2006 tới nay, việc thực hiện Chiến lược CPRGS được lồng ghép vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm và hằng năm.

Đạt nhiều mục tiêu phát triển

Báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nêu bật những kết quả đã đạt được và vấn đề đặt ra.

Theo đó, trên chặng đường thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là đối với các Mục tiêu về giảm nghèo, bình đẳng giới và giáo dục. Các mục tiêu khác cũng cho thấy xu hướng tích cực, nhiều chỉ tiêu về y tế đã tiệm cận được mục tiêu, các chỉ tiêu về môi trường được quan tâm nhiều hơn và được cụ thể hóa trong các chương trình, chính sách của Nhà nước, quan hệ đối tác vì phát triển có nhiều bước tiến bộ, khẳng định vị thế của quốc gia trên trường quốc tế...

Việt Nam đã về đích sớm đối với Mục tiêu 1 về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói từ năm 2002; đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và tiến tới những mục tiêu cao hơn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đã thành công trong việc kiểm soát sốt rét, một số dịch bệnh nguy hiểm, bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở trước ngưỡng hoàn thành Mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em.

“Mặc dù vẫn còn rất nhiều thách thức và trở ngại để Việt Nam có thể hoàn thành đúng hạn tất cả các MDGs vào năm 2015, nhưng các thành tựu đã đạt được cho đến nay là rất quan trọng và rất đáng ghi nhận”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Công cuộc giảm nghèo đã có những bước tiến vượt bậc với tốc độ giảm nghèo nhanh. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh chóng từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,6% năm 2012 (năm 2014 là 6%). Thành công trong giảm nghèo ở Việt Nam là kết quả của tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc luôn đặt giảm nghèo là một mục tiêu hàng đầu của quốc gia trong suốt hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định: Thách thức đặt ra đối với công cuộc giảm nghèo hiện tại và trong thời gian tới là sự gia tăng bất bình đẳng và nghèo kinh niên đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Cụ thể hơn, tốc độ giảm nghèo chậm và đói nghèo vẫn còn phổ biến ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm tới 50% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân của các hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân cả nước.

Thành quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, vẫn tồn tại tình trạng nhiều hộ gia đình nghèo dù đã thoát nghèo nhưng lại có nguy cơ cao rơi trở lại nhóm nghèo và tình trạng nhiều hộ không nghèo đã rơi vào nghèo đói.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với dòng người nhập cư từ nông thôn ra thành thị đang là thách thức đối với nỗ lực tăng mức sống và phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực thành thị...

Quyết tâm chính trị cao

Tại hội thảo “Từ các mục tiêu thiên niên kỷ 2000-2015 đến các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Vai trò của Nghị viện” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức, các đại biểu trong nước và nước ngoài đã đưa ra những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình thực hiện các MDGs tại Việt Nam.

Điều đó không những giúp Việt Nam có thể tiếp tục hoàn thành các mục tiêu còn lại vào năm 2015, mà còn để Việt Nam có thể đóng góp phần mình vào kho kinh nghiệm quý báu của cộng đồng quốc tế, vào sự nghiệp chung đấu tranh nhằm xóa bỏ đói nghèo và lạc hậu trên thế giới.

Một trong những kinh nghiệm là để thực hiện các mục tiêu MDGs thành công đòi hỏi phải có cam kết và quyết tâm chính trị cao.

Bằng việc thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ vào năm 2000, Việt Nam quyết tâm thực hiện các mục tiêu MDGs, cam kết xây dựng một xã hội bền vững, trong đó tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, Việt Nam có hệ thống quản lý điều hành tốt và các định chế nhà nước mạnh.

Thứ ba, có cách tiếp cận sáng tạo và hợp lý trong quá trình thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Việc “quốc gia hóa” và lồng ghép các MDGs đã giúp Việt Nam đến đích nhanh chóng và bền vững. Việt Nam đã thực hiện xóa đói giảm nghèo dựa trên nền tảng tăng trưởng kinh tế cao, chú trọng phát triển các vùng nông thôn và khu vực nông nghiệp.

Một trong những yếu tố căn bản và quan trọng là tinh thần làm chủ của chính quyền cần được nâng cao, đồng thời chú trọng thu hút sự tham gia tích cực của các bên liên quan.

Việt Nam nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1

Tại cuộc hội thảo nói trên, Tiến sĩ Pratibha Mehta (trong ảnh), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, đã ca ngợi Việt Nam đã dẫn đầu trong việc thực hiện nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để có thể hoàn thành những mục tiêu về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em, phòng chống HIV và bảo vệ môi trường. “Những cộng đồng dân tộc thiểu số và đồng bào sống ở các vùng xa xôi hẻo lánh đang bị tụt hậu so với tiến độ thực hiện chung của cả nước...”, bà Pratibha Mehta nói.

Tiến sĩ Mehta cho biết: Chủ đề phát triển bao trùm và bền vững là trọng tâm trong chương trình nghị sự sau năm 2015. Những chủ đề này đặc biệt phù hợp với Việt Nam cũng như các nước có thu nhập trung bình khác.

Theo bà Mehta, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi Đại hội động ở cấp toàn cầu và các Nghị viện ở cấp quốc gia cần có cách tiếp cận quản trị công mạnh mẽ hơn nữa. Bà kêu gọi các nghị viên tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt đối với những chính sách ở cấp chiến lược, và thực hiện vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-9-2000 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), 189 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đã nhất trí thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ và cam kết thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

Để đánh giá tiến độ thực hiện MDG, các chuyên gia Ban thư ký Liên hợp quốc đã tham khảo ý kiến cùng các tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan chuyên môn khác của Liên hợp quốc xây dựng khuôn khổ tám mục tiêu MDG, với 18 mục tiêu cụ thể là 48 chỉ tiêu đánh giá.