Ông đánh giá thế nào về nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch chi tiết về chống khai thác IUU trong 180 ngày. Cần xác định làm việc này không hình thức, không phải chỉ để thực hiện yêu cầu của EC, mà cho chính Việt Nam và chính ngư dân, vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm mà nước ta đã cam kết theo đuổi.
Đã 5 năm nay, cả hệ thống chính trị vào cuộc để gỡ “Thẻ vàng” IUU, ngăn chặn “Thẻ đỏ”. Nhiều yêu cầu của EC chúng ta đã đáp ứng, đã giải quyết và được đoàn thanh tra EC ghi nhận trong chuyến công tác lần ba hồi tháng 10 năm 2022. Đồng thời, Đoàn cũng hy vọng sáu tháng tiếp theo họ quay trở lại thì vấn đề được giải quyết hoàn toàn.
Quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU của EC không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn được Chính phủ ta thể hiện rất rõ quan điểm và quyết tâm ở các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là đối với các diễn đàn của Liên minh châu Âu (EU). Chúng ta đã dùng đến cả cách thức tiến hành “Ngoại giao IUU”.
Không ít chuyển biến tích cực được ghi nhận nhưng để đáp ứng được yêu cầu của EC, khắc phục được “Thẻ vàng” IUU thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cần phải đặt vấn đề, nếu gỡ được “Thẻ vàng” thì những ngư dân đánh bắt cá trái phép có tái phạm không? Nếu không chuyển đổi được nghề cho những ngư dân ấy, không làm cho biển Việt Nam nhiều cá hơn để họ đánh bắt ở “ao nhà”? Vậy thì, phải xem đây là một nhiệm vụ quốc gia, không chỉ gỡ “Thẻ vàng” mà còn phải xây dựng nghề cá bền vững, phát triển kinh tế biển xanh.
Thưa ông, để hướng tới nghề cá bền vững, phát triển kinh tế biển xanh, chúng ta cần làm gì?
Trước hết phải tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, vì họ đang đối mặt với vô vàn khó khăn, từ giá xăng dầu cao đến những rủi ro khó lường trên biển. Muốn tạo sinh kế phải tái tạo nguồn lợi từ biển Việt Nam, quản lý tốt môi trường và khu bảo tồn biển, phóng thích giống thủy sản vào biển. Thí dụ, vào dịp Ngày nghề cá (1/4) hằng năm, các địa phương ven biển nước ta đã thả hàng triệu con tôm, cá giống xuống biển...
Ngư trường biển nước ta quy mô nhỏ, đa loài, đan xen giữa các vùng biển của các tỉnh, lượng tàu đánh cá nhiều, nên chúng ta cần “đóng biển” luân phiên. Thí dụ, mùa cá đẻ thì đóng vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh, và quy định rõ ngư dân 2 tỉnh này có bao nhiêu tàu thuyền được đánh bắt ở vùng biển tỉnh khác.
Cứ thế luân phiên, 2 năm một chu kỳ thì nguồn lợi thủy sản sẽ phục hồi. Sau 6 năm liền thì nguồn lợi “ao nhà” sẽ khác. Cũng phải giảm lượng tàu thuyền nhỏ, đánh bắt hủy diệt. Nhà nước nên có chính sách mua lại các tàu nhỏ nói trên. Tàu vỏ sắt đánh đắm xuống đáy biển để tạo rạn san hô nhân tạo, sau đó kết hợp khai thác du lịch lặn, nghề cá giải trí... Tiền thu được sẽ bù vào chi phí đã mua tàu.
Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu sang nuôi thủy sản công nghệ cao, thân thiện môi trường. Nuôi thủy sản ở cửa sông, ven biển phải bảo đảm “lợi ích kép”, gắn với du lịch. Điều quan trọng là phải tăng cường hiệu lực của pháp luật. Rào cản vẫn là thói quen “không tuân thủ”, “nhờn luật” của không ít ngư dân, cán bộ và cơ quan quản lý.
Người trong cuộc, nhà quản lý đâu đó còn né tránh, ngại va chạm, việc ai nấy làm, thiếu phối hợp hành động. Trong Luật Thủy sản 2017 đã quy định cụ thể về kích thước mắt lưới, mùa vụ đánh bắt trên biển nhưng thực tế chúng ta không tổ chức thực hiện và giám sát được. Chỉ cán bộ quản lý thủy sản thì sao làm được!
Muốn phát triển bền vững nghề cá cần giải quyết đồng bộ 3 mảng vấn đề: Ngư nghiệp (kinh tế nghề cá); Ngư dân (lao động nghề cá) và Ngư trường (bảo tồn nguồn lợi, bảo vệ môi trường biển), gọi tắt là “tam ngư”.
Xin ông nói rõ hơn về vấn đề tam ngư, phải chăng đã đến lúc cần tách tam ngư ra khỏi tam nông để phát triển nghề cá biển vững, có trách nhiệm?
Trong cuốn sách “Vấn đề ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường ở Việt Nam: một số hàm ý chính sách”, chúng tôi đề nghị tách tam ngư khỏi tam nông. Cần một Nghị quyết của Trung ương Đảng hoặc Bộ Chính trị về ba vấn đề trên. Sau đó, Chính phủ, ngành nông nghiệp sẽ chuẩn bị các chính sách đặc thù để thực hiện tam ngư.
Tiếp cận tam ngư giúp cho nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Thí dụ, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản chỉ tiếp cận vấn đề ngư nghiệp nên chưa thành công. Ngư dân đóng tàu to để vươn khơi, nhưng ra khơi thì đánh cá ở đâu lại là câu hỏi về ngư trường.
Ngư dân quen đánh bắt bằng thuyền nhỏ, khi lên tàu to chưa được đào tạo nên không dám ra khơi. Nghị định 67, khi đó, như kiềng một chân, nên không đạt được mục đích đề ra. Vì thế, cần lồng ghép tam ngư khi ra các quyết định chính sách nghề cá.
Năm ngoái, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 11 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới. Nhưng từ quy luật phát triển nghề cá, khi xuất khẩu tăng tuyến tính với số lượng tàu cá và diện tích nuôi thủy sản sẽ là một cảnh báo.
Từ góc nhìn tam ngư, xuất khẩu tăng hàng năm nhưng đời sống người lao động nghề cá vẫn chưa được cải thiện đáng kể, lượng tàu gác bờ vẫn nhiều. Nếu không giải quyết tốt tam ngư thì làm gì có nghề cá bền vững, vẫn đánh cá IUU và thiếu trách nhiệm.
Việt Nam đã cam kết với quốc tế thực hiện nghề cá có trách nhiệm thì phải ngăn chặn, loại bỏ IUU. Một tín hiệu vui là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Đề án tam ngư.
Thưa ông, Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển để đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Nhận định của ông về vai trò của Nghị quyết này và những gì chúng ta đã và chưa làm được khi triển khai thực hiện?
Nước ta không chỉ có không gian biển rộng mà còn có lợi thế vượt trội về biển. Tuy nhiên, để khai thác biển hiệu quả và bền vững thì vẫn còn phải bàn. Nghị quyết 36 kỳ vọng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Chúng ta không chỉ nói đến kinh tế biển, mà còn nhấn mạnh kinh tế biển bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh, muốn vậy phải lấy tài nguyên và môi trường biển làm “chất xúc tác” cùng với phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng Việt Nam. Văn hóa biển ngày nay không chỉ là động lực tinh thần mà trở thành động lực phát triển.
Nghị quyết 36 có những từ khóa là “phát triển bền vững”, “kinh tế biển xanh”.
Nói rộng ra, tư tưởng của Nghị quyết 36 là lấy trục kinh tế biển để điều chỉnh các mối quan hệ: với an ninh quốc phòng, với tài nguyên và môi trường biển, với văn hóa và xã hội biển, giảm các xung đột lợi ích và xung đột không gian trong khai thác, sử dụng biển, hài hòa lợi ích trong quá trình phát triển kinh tế biển.
Những quan điểm và định hướng trong Nghị quyết 36 rất đúng đắn, nên thông qua thực hiện, các cấp, các ngành và địa phương ven biển đã có những chuyển biến cơ bản về nhận thức, tư duy và tầm nhìn về kinh tế biển.
Năm 2017, Luật Quy hoạch ra đời, trong đó có quy hoạch không gian biển quốc gia. Mặc dù còn lúng túng, nhưng các bộ, ngành và địa phương ven biển đã rất nỗ lực trong việc cụ thể hóa, hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 36 trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đến nay, chỉ một số ít địa phương ven biển có quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch không gian biển quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đang hoàn chỉnh để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Trên cơ sở Nghị quyết 36, các địa phương ven biển đang điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, trong đó có kinh tế biển. Ngoài phát triển bền vững các ngành kinh tế biển truyền thống, các địa phương đều nhấn mạnh đến “năng lượng biển tái tạo” và các “ngành kinh tế biển mới”, như: năng lượng gió biển, dược liệu biển, nghề cá giải trí, công nghệ biển, đô thị biển,...
Có thể nói, bên cạnh những thành tựu cơ bản, việc thực hiện Nghị quyết 36 vẫn vấp phải các hạn chế, khó khăn, như: chưa phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện; chưa thật sự bám sát mục tiêu; thiếu các giải pháp cụ thể để hiện thực hoá nguyên tắc phát triển bền vững kinh tế biển; chưa tranh thủ được ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển, trên đảo; nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển còn chưa đồng đều, đôi khi khác biệt đáng kể.
Hy vọng rằng, thời gian tới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương ven biển sẽ biến thách thức thành cơ hội, chuyển lợi thế thành lợi ích, tạo ra những kết quả thực chất từ kinh tế biển, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 36.
Xin trân trọng cảm ơn ông!