Người miệt mài nối bờ an vui

Ði qua cuộc chiến với những vết thương còn in hằn trên cánh tay phải, người thương binh già Nguyễn Ðình Phùng (TP Tam Kỳ, Quảng Ngãi) mỗi ngày vẫn lặn lội khắp các nẻo đường xây cầu cho người dân qua lại thuận tiện, an toàn. Ở độ tuổi ngoài 80, sinh có hạn tử bất kỳ, ông đang tận dụng tốt nhất quỹ thời gian để hoàn thành phát nguyện làm 50 cây cầu giúp dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Đình Phùng tại Đại hội đại biểu Hội Cựu Chiến binh nhiệm kỳ 2022-2027.
Ông Nguyễn Đình Phùng tại Đại hội đại biểu Hội Cựu Chiến binh nhiệm kỳ 2022-2027.

Người tốt ở Tam Kỳ

Như hầu hết những người lính trở về, cuộc sống đời thường của người thương binh hậu chiến luôn đối mặt với nhiều nỗi đau khó bề chia sẻ. Nghỉ hưu, nhưng không nghỉ ngơi, ông tham gia tích cực và đi đầu trong các hoạt động đoàn thể hội nhóm. Hỏi chuyện làm cầu, người Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khối phố 2 Nguyễn Đình Phùng rưng rưng: “Tôi hay nghĩ về quá khứ. Thời chiến tranh sống chết cận kề, sống rày chết mai, tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã ưu ái để được trở về với cuộc sống đời thường. Nhiều bạn bè tôi nằm xuống, mộ chí thất lạc. Nhiều người trở về thì sức khỏe suy kiệt, tàn phế suốt đời...”.

Người thương binh Nguyễn Đình Phùng quê gốc ở xã Tam Dân, huyện Phú Ninh (Quảng Nam). 17 tuổi tham gia nhập ngũ, Nguyễn Đình Phùng được phân công vào đơn vị đặc công, phối hợp cùng đồng đội hoạt động tích cực, mạnh mẽ và can trường, tạo được nhiều chiến công.

Năm 1964, ghi nhận những thành tích và sự dấn thân, gương mẫu trong sống và chiến đấu, Nguyễn Đình Phùng đánh dấu tuổi 24 bằng niềm vui lớn trong đời, anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành một trong những đảng viên trẻ tuổi của đơn vị Đặc công 75A, Thị đội Tam Kỳ. Tháng 5/1967, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt trên khắp các mặt trận, trong một trận đánh sinh tử, Nguyễn Đình Phùng bị thương nặng, suýt đứt lìa một cánh tay, phải lùi về tuyến sau với tỷ lệ thương tật 61%.

Người lính đặc công can trường trong chiến đấu, trở về với cuộc sống đảm nhiệm tốt các vai trò thư ký, Thẩm phán, Chánh án Tòa án thị xã Tam Kỳ (nay là TP Tam Kỳ).

Người miệt mài nối bờ an vui ảnh 1
Đại diện chính quyền, đoàn thanh niên tặng hoa cho ông Nguyễn Đình Phùng trong một dịp bàn giao công trình cầu dân sinh.

Có lẽ chính bởi sự đồng cảm trong quá khứ, những người cựu chiến binh bước ra khỏi cuộc chiến thường chọn cách sống cho đi nhiều hơn là nhận lại. Có cựu chiến binh hiến hàng trăm mét đất làm đường, xây trường, có người nhiều năm nay miệt mài nuôi dưỡng chăm sóc hàng trăm đứa trẻ như con ruột. Ông Nguyễn Đình Phùng chọn cách xây cầu cho bà con, giúp đời bớt nỗi nhọc nhằn...

Còn sống là còn đi xây cầu

Từ năm 2016 lại đây, thay bằng giúp người nghèo bằng gạo, tiền, nhu yếu phẩm, ông chuyển hướng sang bắc cầu cho dân đi.

Ông Lê Xuân Long, Bí thư Đảng ủy phường Trường Xuân (TP Tam Kỳ) bày tỏ sự trân trọng biết ơn: “Bác Nguyễn Đình Phùng là một trong những đảng viên, thương binh gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động xã hội, trong các cuộc vận động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, đặc biệt là công tác xây dựng cầu dân sinh. Đảng, chính quyền địa phương luôn biểu dương tập thể, cá nhân có những việc làm đẹp, mang ý nghĩa lan tỏa trong cộng đồng”.

Túc tắc như con kiến tha lâu đầy tổ, chủ yếu tích cóp từ lương hưu, 9 năm nay, ông đã xây được hơn 30 cây cầu lớn nhỏ khắp nẻo đường quê của Quảng Ngãi, từ nơi đường sá đi lại khó khăn vất vả như Núi Thành, Tiên Phước đến Phú Ninh, TP Tam Kỳ.

Ông Võ Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Tam Dân nói về ông Phùng như một người thân xa quê trở về: “Vốn quê gốc của bác ở thôn Tam Dân cho nên bác luôn giành tình cảm đặc biệt, yêu thương hết mực đến mảnh đất này. Đất Tam Dân vốn trũng, lại nhiều kênh rạch, mương máng, hơn nữa, chất đất pha nhiều cát, cho nên khi mưa xuống nhiều đoạn đường bị nước xiết mạnh xói lở, hư hại, chỗ bị ngập sâu người dân qua lại rất nguy hiểm. Hồi đó nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra. Bác Phùng về thăm quê, trước tình cảnh đó đã phát nguyện làm cầu mới, sửa sang tu bổ những cây cầu xuống cấp cho bà con qua lại thuận tiện, an toàn”.

Ấy là năm 2016, câu cầu Phùng Hiệp 1, cái tên được ghép từ tên của hai người bạn cùng chí hướng hùn tiền dưỡng già đi xây cầu cho dân. Họ lên kế hoạch sẽ góp tiền xây đủ 50 chiếc cầu, để cả vùng quê này không còn lối đi nào bà con phải xắn quần lội qua nữa... Người bạn của ông đã đột ngột ra đi, nhưng ước nguyện về những cây cầu thì vẫn được người còn lại bền bỉ thực hiện. Những cây cầu mang tên Phùng Hiệp ngày càng trở nên thân thuộc với bà con xứ Quảng.

Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ đến thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Kỳ, nơi ông Phùng xây cây cầu thứ 27, dài hơn 6 km nhưng đường thẳng và thưa người nên chạy xe máy chưa kịp hỏi đường lần nào đã đến. Cầu Phùng Hiệp 27 bắc qua con kênh ở thôn Ngọc Mỹ, người thương binh già vừa đi vừa rỉ rả câu chuyện lịch sử của vùng đất: “Ngọc Mỹ trước đây thường được gọi là làng kháng chiến, bởi trong chiến tranh vùng đất này nổi tiếng bởi phong trào bám đất giữ làng đào địa đạo, tạo nên khí thế chống giặc ngoại xâm hết sức mạnh mẽ. Chiến tranh lùi xa nhưng làng nghèo vẫn đơn sơ, cơ sở hạ tầng chưa được nâng cấp”.

Ngay phường Trường Xuân, nơi ông bà Phùng đang sống hiện nay cũng có những nút giao thông trũng gây nguy hiểm cho cuộc sống người dân. Dành dụm sắp xếp dần, ông phối hợp cùng Hội Nông dân của phường làm cầu nối, khắc phục điểm đen.

“Mỗi cây cầu nằm ở một vị trí khác nhau, kích cỡ khác nhau, cho nên kinh phí đổ vào cũng khác nhau, nhưng đều chung một thiết kế: bề mặt cầu đổ bằng tấm đanh chắc lì, nền rải bê-tông cốt thép, cột trụ đúc bê-tông chịu lực. Bên cạnh sở hữu một đội thợ lành nghề, nhiệt tâm trách nhiệm, xây cây cầu nào dù to hay nhỏ, tôi đều được bà con địa phương ủng hộ. Người trẻ khỏe thì góp công sức, người già thì mang nước mang đồ ăn cho thợ. Tất cả đều làm việc với tâm hoan hỉ, cho nên tôi sống và làm việc quên cả tuổi già, quên mệt mỏi...”, ông Nguyễn Đình Phùng trải lòng.

Hạnh phúc là cho đi

Bà Huỳnh Thị Thu, vợ ông Phùng, vốn là giáo viên về hưu. Thương và hiểu chồng, bà luôn bên cạnh, đồng cảm, hỗ trợ mọi công việc, mọi quyết định của ông. Ông bà có ba mặt con, trước đây, với đồng lương eo hẹp, họ cũng từng chật vật co kéo để nuôi các con ăn học. Các con khôn lớn trưởng thành, hai ông bà tuổi già ăn uống chẳng hết mấy, ốm đau đã có bảo hiểm nhà nước lo. Ông bàn với bà, lương hưu mỗi tháng dành dụm để hỗ trợ người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mỗi dịp Tết đến xuân về, Trung thu, hay đầu năm học mới. Đó là cuộc sống của vợ chồng ông Nguyễn Đình Phùng thời kỳ mười năm về trước.

Người miệt mài nối bờ an vui ảnh 2
Ông Nguyễn Đình Phùng luôn có mặt để giám sát công việc trong suốt quá trình thi công cầu.

Từ ngày bận rộn với cầu dân sinh, chi tiêu cho sinh hoạt của ông bà Phùng càng tiết chế hơn. Nhiều người nghe chuyện về ông hồ nghi, không kêu gọi cộng đồng ủng hộ đóng góp, mỗi lương hưu hai ông bà làm sao đủ để xây mấy chục cây cầu! Mang thắc mắc này hỏi, người thương binh già cười hiền: “Thiệt tôi có đến đâu làm đến đó, không kêu gọi ai đóng góp ủng hộ, vì dễ gây phức tạp phiền nhiễu không cần thiết. Trời cho vợ chồng tui ba mặt con, giờ đã trưởng thành, hiếu thuận với cha mẹ, trách nhiệm với cộng đồng. Thấy cha mẹ vui khi làm việc nghĩa, các con đều ủng hộ nhiệt tình. Không có thời gian để về làm cùng cha, chúng nó gửi tiền về cho tui đi làm cầu”.

Trong câu chuyện của người cựu binh già 60 năm tuổi Đảng, có niềm vui, có sự nỗ lực với công việc và hơn cả là tình yêu thiết tha cuộc sống. Cảm nhận thật rõ khi người thương binh cười, ánh mắt lấp lánh trên gương mặt nâu sạm bừng lên vẻ nhân hậu từ bi giữa chốn thôn quê trong một chiều tháng bảy...