Chuỗi phim ngắn vừa được Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh công bố nằm trong Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 thông qua việc xác định truyền thông, quảng bá là một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành du lịch.
Chuỗi phim được thực hiện ở nhiều địa điểm tham quan trong danh sách 100 điều thú vị của TP Hồ Chí Minh và những quán ăn quen thuộc của người dân, những nhà hàng nằm trong danh sách Michelin Guide... sẽ mang đến góc nhìn và trải nghiệm mới của du khách trong việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, nghệ thuật đa dạng, thú vị tại các điểm đến, dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm giao thông
Công an thành phố Hà Nội vừa thành lập thêm 5 tổ công tác đặc biệt xử lý vi phạm trật tự, giao thông nâng tổng số tổ công tác đặc biệt lên 10. Từ ngày 13/5 theo Kế hoạch số 172 của Công an TP Hà Nội, 5 tổ công tác đặc biệt gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động phối hợp công an các quận tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Sau 1 tháng triển khai, các tổ công tác đặc biệt đã xử lý 4.937 trường hợp vi phạm, phạt tiền ước tính 4.124 tỷ đồng, tạm giữ 1.190 phương tiện, tước 194 giấy phép lái xe. Nhằm duy trì và phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, Công an TP Hà Nội quyết định kéo dài thời gian thực hiện Kế hoạch số 172 thêm 5 tháng, đến hết ngày 15/12. Với hoạt động của 10 tổ công tác đặc biệt và 15 tổ công tác 141, tình hình an ninh, trật tự-an toàn giao thông của Hà Nội dự kiến sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Xử lý hơn 500 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý hơn 2,1 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên đường bộ, đường sắt và đường thủy. So với cùng kỳ năm 2023, xử lý tăng hơn 450 nghìn trường hợp (tăng 26,74%), trong đó, có 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 19,85% các hành vi vi phạm).
Việc chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an đối với công tác bảo đảm TTATGT đã tạo sự chuyển biến rõ rệt. Trong đó, tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến rượu, bia giảm 37,6% (320/851) số vụ, giảm 66,2% (357/539) số người chết, giảm 11,1% (60/539) số người bị thương. Đây là kết quả đáng ghi nhận của việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn với phương châm “không có vùng cấm, không ngoại lệ”.
Ngành giáo dục hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 26 triệu học sinh, sinh viên
Ngày 10/7, Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành giáo dục, trong đó đã số hóa dữ liệu của gần 22 nghìn cơ sở giáo dục mầm non và nhóm trẻ độc lập, gần 500 nghìn hồ sơ giáo viên và hơn 5 triệu hồ sơ trẻ em; hơn 26 nghìn cơ sở giáo dục phổ thông, gần 800 nghìn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh; 470 cơ sở đào tạo đại học, hơn 25 nghìn chương trình đào tạo, hơn 100 nghìn hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học.
Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân. Trong đó, đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép khoảng 1 triệu thí sinh hằng năm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, phục vụ gần 700 nghìn thí sinh đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.
Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động thu nhập cao
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động đạt 62,91% kế hoạch năm 2024.
Năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức... Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.
Thời gian tới Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tìm kiếm thêm thị trường mới, mở rộng sang châu Âu vì điều kiện làm việc, thu nhập tốt. Hiện nay, nhiều nước tại khu vực này có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam, nhất là ngành nông nghiệp.