Sống đẹp

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…

NDO - Quê gốc ở Quảng Bình, sinh sống và lập nghiệp ở Ðà Nẵng, nhưng nhiều người vẫn đùa, kỹ sư Nguyễn Bình Nam chỉ nặng tình với bà con miền núi. Hơn 10 năm qua, anh cùng với các cộng sự bền bỉ mỗi ngày trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ trường học an toàn trên núi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Kỹ sư Nguyễn Bình Nam tại một hoạt động của Câu lạc bộ Bạn thương nhau.
Kỹ sư Nguyễn Bình Nam tại một hoạt động của Câu lạc bộ Bạn thương nhau.

Miệt mài xây trường trên núi

Đồng hành hỗ trợ cho trẻ em và những điểm trường vùng sâu, vùng xa vào đầu năm học mới là chương trình thường niên của kỹ sư Nguyễn Bình Nam mỗi mùa khai giảng.

Khai giảng năm học mới 2024, điểm trường Ông Phụng xã Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) là công trình thứ 18, được khánh thành ngày 31/8, ngay trước thềm năm học mới. Đây vốn là điểm trường tạm bợ, nằm ẩn sâu trong rừng già sau vách núi. Không thể nói hết được sự phấn khởi của các em nhỏ, thầy cô và phụ huynh khi được sở hữu ngôi trường đẹp đẽ khang trang như trong mơ. Niềm vui hiển hiện trên mỗi gương mặt ngời sáng, rạng rỡ trong những ngày đầu thầy trò tiếp nhận trường lớp.

Để khởi công mỗi điểm trường, câu lạc bộ sẽ cử thành viên đi khảo sát. Riêng xã Trà Dơn trong năm 2024 đã xây và hoàn thiện đi vào hoạt động hai điểm trường là Ông Phụng và Ông Bình.

Nguyễn Bình Nam cho biết, hai điểm trường này cũng như phần lớn những nơi câu lạc bộ khảo sát chọn xây, đều đều cách xa trung tâm xã, nằm hút sâu trong những dãy núi điệp trùng. Không thể nói hết nỗi vất vả các thầy cô giáo và bà con nơi đây đang hằng ngày đối mặt. Đường sá xa xôi, các phương tiện cơ giới không vào được, họ phải mất vài giờ đi bộ, vượt qua rừng già, qua những ngọn đồi núi khúc khuỷu, lội suối mới tới được các điểm trường. Trời nắng còn đỡ, mùa mưa thì bùn đất lầy lội, vắt rừng bốn phía… Vậy nhưng, điều khiến cho Nguyễn Bình Nam hạnh phúc là tình cảm nồng ấm và tinh thần hiếu học của bà con nơi đây. Hầu như khi nghe tin sẽ được xây trường mới, bà con đều phấn khởi vui mừng, sẵn sàng chung sức chung lòng cùng anh em thiện nguyện xây trường cho con em.

Vốn là cựu sinh viên Khoa Điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, năm 2010, Nguyễn Bình Nam tham gia Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác khu vực miền trung - Tây Nguyên. Sau chuyến sinh hoạt này, câu lạc bộ Bạn thương nhau do anh khởi xướng được thành lập. Thời gian đầu, câu lạc bộ chỉ tổ chức hoạt động quyên góp nhỏ để trao quà cho trẻ mỗi dịp Tết đến, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền, chia sẻ những bao gạo cho bà con kỳ giáp hạt… Tuy vậy, càng đi sâu vào cuộc sống, thấy sự học của thầy trò ở vùng sâu bộn bề khó khăn, anh cùng các thành viên quyết định đồng hành lâu dài với giáo dục vùng sâu.

“18 điểm trường đã xây là ở vùng núi của Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhưng những hoạt động thiện nguyện thì trải dài từ Kon Tum, Quảng Ngãi đến Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Tuy nhiên, mảnh đất Nam Trà My là nơi tôi gắn bó và có nhiều duyên lành. Đó cũng là nơi chúng tôi thực hiện công trình đầu tiên, điểm trường Nước Ui. Buổi ban đầu nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kinh phí dự kiến chỉ 50 triệu đồng đã tăng lên gấp 4 lần, anh em chúng tôi không tránh khỏi lo lắng. Tuy nhiên, cảm động trước tấm lòng bà con nơi đây, chúng tôi vừa làm vừa kêu gọi quyên góp, sau hơn 2 tháng thi công, ngôi trường đã mọc lên giữa núi rừng trong niềm vui sướng hân hoan của thầy cô, con trẻ và người dân”.

Cô giáo Huỳnh Thị Hạ dạy ở điểm trường Ông Phụng rất phấn khởi khi cô trò có trường mới. Nhớ về phòng học cũ với những khó khăn, vất vả, cô kể: cứ đến mùa mưa cô trò lại mang thau ra hứng dột, bốn vách tường dán đầy những thứ có thể dán được để mùa đông gió bớt lùa qua những khe hở.

Đây chính là động lực lớn nhất để chúng tôi tiếp tục hành trình xây trường trên núi, bởi chỉ có con đường học tập mới giúp các em thoát nghèo và có cuộc sống tốt hơn”.

Bồi đắp thêm nghĩa đồng bào

Đi thật xa, nơi thật khó, đến tận nơi, trao tận tay là phương châm hành động của Câu lạc bộ Bạn thương nhauhình thành từ những ngày đầu gian khó với nhiều bỡ ngỡ. Bên cạnh xây trường, những dự án như Đi học trên núi, Đi dạy trên núi, Bữa ăn miền núi vẫn đang tạo sóng lan tỏa không chỉ dọc miền tây trung bộ Quảng Nam Quảng Ngãi.

Gần cận, sâu sát với đời sống bà con, đồng hành hỗ trợ việc học, không thể không giành sự chăm lo đến những người trực tiếp bám lớp. Nhận thấy giáo viên hợp đồng là đối tượng chịu nhiều khó khăn, từ cuối năm ngoái, câu lạc bộ đã triển khai dự án Đi dạy trên núi hỗ trợ được hơn 20 giáo viên hợp đồng với số tiền 1 triệu đồng/người/tháng. Dự án Đi học trên núi vẫn phát huy hiệu quả tích cực với gần 400 học sinh tại các điểm trường được thụ hưởng 500.000 đồng/em/tháng. Năm nay, số lượng các điểm trường tăng lên khiến việc kêu gọi hỗ trợ cần mạnh mẽ rốt ráo hơn. Chương trình Bữa cơm miền núi năm học 2024-2025 đã tạm thời chăm được gần 700 trẻ em nghèo ở 30 điểm trường, mỗi tuần được 1 đến 5 bữa ăn. Bên cạnh đó, 17 điểm trường đóng tại những vùng sâu đi lại khó khăn, hiểm trở, được tính toán hỗ trợ thêm từ 50-100 kg gạo mỗi năm. Chương trình Trợ lực những điểm trường vùng sâu vào năm học mới bên cạnh hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập còn mua sắm thêm cho thầy trò những vật dụng cần thiết từ bồn chứa nước, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp ga đến kệ để đồ, phích nước, chăn màn…

Ngoài ra, nhiều dự án cộng đồng mang lại lợi ích thiết thực cho trẻ em như xây dựng các tủ sách nhằm khuyến khích việc đọc, tự học, xây dựng tủ thuốc để thúc đẩy ý thức chăm lo sức khỏe trong cộng đồng được triển khai tại nhiều điểm trường. Ngoài ra, những hoạt động ngoại khóa cho trẻ miền núi cũng được quan tâm…

Khi Nguyễn Bình Nam và nhóm Bạn thương nhau vừa bàn giao xong trường mới, hoàn thành xong các đầu việc để khai giảng năm học, đang chuẩn bị Tết Trung thu cho trẻ thì thông tin bão Yagi đổ bộ càn quét, rồi lũ lụt dồn dập đổ xuống phía bắc. “Mình là người sống chung với bão lũ, quen với địa hình, mình biết cần phải hỗ trợ bà con những gì lúc này. Với suy nghĩ đó, không thể ngồi yên, Nam đứng ra làm đầu mối quyên góp để mua nhu yếu phẩm như sữa, lương khô, thuốc men, đèn pin… ra bắc cứu trợ bà con.

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình… ảnh 1

Câu lạc bộ Bạn thương nhau hỗ trợ thiết bị dạy, học và vật dụng cho các điểm trường vùng sâu còn nhiều khó khăn trước thềm năm học mới.

1giờ sáng 12/9, ngày thứ 2 sau thảm họa lở núi ở các tỉnh phía bắc, cửa sổ chat của Nguyễn Bình Nam vẫn xanh đèn. Anh cho biết, những thùng hàng cuối cùng đã được bốc xếp gọn ghẽ lên xe. Với sự hỗ trợ của gần một trăm tình nguyện viên, hàng nghìn phần quà ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc đã được chuẩn bị, phân loại, chia thành từng túi gọn gàng, chu đáo. Bộn bề công việc, hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi của bà con anh chị, các thầy cô giáo và học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… biết đoàn thiện nguyện của Nam đang tập hợp đã tin tưởng gửi gắm. Thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My, nơi tập trung nhiều học sinh Ca Dong, một chi của dân tộc Xơ Đăng ở Quảng Nam, đã nhắn các em, quan trọng hơn là dạy các em về sự biết ơn, sự chia sẻ và tình yêu thương: Trưởng thành là ở nhận thức, quý ở sự tri ân, của ít lòng nhiều, yêu thương cho đi là còn mãi, thầy mong các con hiểu và cùng chia sẻ cho các bạn cùng tuổi đang hoạn nạn… Âm báo tiền đổ về tài khoản kèm tin nhắn khiến Nam rưng rưng.

Nguyễn Bình Nam chọn cho mình cách sống san sẻ, nhân ái, sống để cho. Dẫu cuộc sống còn nhiều nhiều khó khăn, nhưng tấm lòng nhân ái sẻ chia thì luôn giàu có, tròn đầy.

Câu lạc bộ Bạn thương nhau từ mấy thành viên chủ chốt ban đầu, nay đã vững mạnh với hơn 40 người, hoạt động ngày một bài bản, hiệu quả hơn. Từ những đóng góp tích cực cho cộng đồng, năm 2020, Câu lạc bộ Bạn thương nhau được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen Giải thưởng tình nguyện quốc gia.