Lưu truyền những làn điệu ngân xa

NDO - Ru đêm quên ngủ ru ngày quên ăn/Mùa đông giá rét căm căm/Chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo xê con/Thiếu gì của lạ miếng ngon/Thiếu gì thịt cá giò nem ngọt bùi/Cơm ăn với muối (mẹ) khen bùi/Nước kia đắng ngắt biết mùi gì ngon... Ðây là vài câu trong bài xẩm cổ Thập ân dài ba phần có nội dung đề cao nét đẹp hiếu nghĩa của truyền thống người Việt. Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung cho biết, nửa thế kỷ trước, bà được chính báu vật nhân văn sống Hà Thị Cầu truyền dạy cho bài xẩm này, giờ đây bà kế tục chỉ dạy, âu cũng là cách trao truyền liên thế hệ những giá trị nhân văn cốt lõi.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung (phải) sau một buổi biểu diễn giao lưu nghệ thuật truyền thống.
Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung (phải) sau một buổi biểu diễn giao lưu nghệ thuật truyền thống.

Khắc khoải một tình yêu

Trăng khuya trăng tỏ hơn đèn/Làm sao cho bút gần nghiên mới là/Chí trai gánh đá xây thành/Chữ trung chữ hiếu chữ tình cả ba/ Chữ trung thời để phần cha/ Chữ hiếu phần mẹ đôi ta chữ tình - Từng từ, từng câu bài hát xẩm Cô gái quay tơ được Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung nắn nót truyền dạy cho các học trò cách nhấn, cách nhả sao để nghe ra tinh thần của xẩm tại ngôi đình làng trong phố giữa Hà Nội suốt 15 năm nay.

Sinh năm 1951 trong một gia đình có truyền thống ca hát, ngay từ thuở ấu thơ, bà Phan Thị Kim Dung đã đắm mình cùng với những làn điệu âm nhạc dân gian. Cha bà là nghệ nhân Phan Đức Hậu ở Mỹ Lộc (Nam Định) có tình yêu tha thiết và nhiều cống hiến với làn điệu dân ca cổ, đặc biệt là hát xẩm. Cô bé Kim Dung trong ký ức bàng bạc vẫn hình dung mình thuở 5, 7 tuổi gầy nhẳng, chưa biết chữ mà đã phụ cha đàn hát, biểu diễn. Đó là ngày được theo mẹ đi chợ, dọc lối đi khi nép bên góc chợ, khi bến đò… có đôi vợ chồng, người kéo nhị, người vừa đệm phách, gõ trống. Người đàn bà liêu xiêu trong mưa phùn gió bấc nhưng giọng hát cất lên tròn rõ quyện cùng tiếng nhạc. Những giai điệu, lời ca của xẩm cứ neo đậu trong ký ức nghệ nhân Kim Dung. Tình yêu và nỗi nhớ về những làn điệu truyền thống âm ỉ cháy trong lòng, suốt theo mỗi bước đường gập ghềnh nhân sinh.

Từ buổi ban đầu được cha dìu dắt, lớn lên, bà may mắn trực tiếp được cụ Hà Thị Cầu truyền dạy. Với thái độ học nghiêm túc, cô học trò Kim Dung đã được rèn luyện bài bản, từ cách hát, lấy hơi nhả chữ đến cách luyến láy. Học, nắm chắc kỹ thuật để có nền tảng, nhưng hát xẩm cần cách thể hiện giản dị, hát mà như không hát, đạt được đến độ đó là cả quá trình ngấm trải…

Học xong phổ thông, không như hầu hết chúng bạn thời đó, cô gái trẻ Kim Dung chọn vào làm cho nhà máy chuyên gia công đồ dùng ở Nam Định, bởi có không gian riêng tư, yên tĩnh tương đối và không đòi hỏi tốc độ công việc cao như công nhân nhà máy dệt. Những năm tháng đó, cô vừa tham gia lao động sản xuất, vừa không ngừng học hỏi, tích lũy thêm kiến thức về âm nhạc truyền thống, đặc biệt là chèo, hát xẩm, hát văn, nhiệt tình hưởng ứng tham gia phong trào văn nghệ và gặt hái được rất nhiều giải thưởng, huy chương... “Tiếng sênh tiếng phách cứ thế cùng tôi lớn lên, là niềm vui, tiếp thêm sức mạnh giúp tôi vượt qua mọi gian khó”, bà Kim Dung xúc động chia sẻ.

Xây dựng cộng đồng giữ lửa

Đam mê và bền bỉ nuôi dưỡng, nhưng phải đến ngày theo chồng về sống tại làng Quan Nhân (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), khi con cái đã trưởng thành, bà Kim Dung mới sắp xếp được thời gian để thỏa ước nguyện. Câu lạc bộ dân ca làng Mọc Quan Nhân do bà khởi xướng ra đời năm 2009. Với hơn 10 thành viên tham gia từ những ngày đầu, đến nay Câu lạc bộ có hơn 50 thành viên. Mỗi tối thứ sáu hằng tuần, với tư cách người sáng lập, bà Kim Dung - linh hồn của Câu lạc bộ đều đặn truyền dạy và các thành viên say sưa học hát cùng nhau.

Biết hát và dạy hát là hai kỹ năng hoàn toàn khác. Thời gian đầu việc tương tác giữa người học và người dạy gặp không ít khó khăn. Các học viên hầu hết đã lên chức ông bà, vốn dĩ mỗi người một nghề, gặp nhau ở tình yêu ca hát và chung sức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Phần lớn đều mới làm quen với làn điệu và các loại nhạc cụ, việc gõ phách, múa quạt, hát theo nhạc là điều hoàn toàn mới mẻ… Về phía cô giáo, làm thế nào để truyền đạt dễ hiểu, dễ thấm luôn là điều trăn trở, nung nấu. Dạy truyền khẩu bà từng được học từ những bậc thầy đi trước và trực tiếp từ người cha kính yêu là cách truyền đạt tuy không được bài bản nhưng lại phát huy hiệu quả cao với đối tượng phù hợp. Cả người dạy, người học đều cảm thấy thoải mái hứng thú, say mê hơn mỗi ngày.

Từ lớp học khởi đầu đó, không lâu sau, đáp ứng nhu cầu thực tế, nghệ nhân Kim Dung tiếp tục mở thêm lớp dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, lịch học cố định vào chiều thứ bảy hằng tuần. Với đối tượng học sinh nhỏ tuổi, bà tìm cách truyền đạt phù hợp hơn, dành nhiều thời gian nghiên cứu, lên giáo án chi tiết, tỉ mỉ cho từng buổi. Trước mỗi buổi học, các học viên được phát bản nhạc kèm lời để đọc trước, nắm vững lời bài hát để không bị bỡ ngỡ, gạch nhịp chi tiết, gạch chân những từ, cụm từ cụ thể cần xử lý kỹ thuật khi thể hiện. Chính sự kỹ lưỡng trong chuẩn bị, giải thích cặn kẽ, ngay từ đầu, các kỹ năng cơ bản đã được nghệ nhân truyền dạy hiệu quả. Kết hợp giữa học lý thuyết đi đôi với thực hành nhuần nhuyễn nhịp nhàng, không khí lớp học của thanh thiếu niên cũng hào hứng, vui vẻ không thua kém gì lớp “các cụ”. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, Câu lạc bộ dân ca làng Mọc Quan Nhân đã trở thành cái tên được nhắc nhiều trong các chương trình giao lưu liên hoan, hội diễn ở các cấp ngành địa phương, giành không ít giải thưởng lớn nhỏ...

Bên cạnh hoạt động định kỳ của Câu lạc bộ dân ca làng Mọc Quan Nhân, nghệ nhân Kim Dung còn tham gia giao lưu, truyền dạy cho nhiều đơn vị, câu lạc bộ khác, như Hội Người Cao tuổi, các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống…

Từ mô hình truyền dạy tự phát, nhiều trường học phổ thông đã liên hệ với nghệ nhân Kim Dung đưa hát xẩm nói riêng cũng như các loại hình âm nhạc truyền thống vào các chương trình ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề. Sự kết hợp, kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai được bà nắm bắt và lồng ghép tinh tế. Bên cạnh những làn điệu được viết theo lời mới có nội dung ngợi ca cảnh đẹp quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những bài nguyên bản lời cổ được nghệ nhân giữ gìn truyền dạy một cách nghiêm cẩn, trong đó thấm đẫm tinh thần tự hào dân tộc, lối sống có đạo hiếu, từ tâm… Dấu ấn cống hiến nổi bật nhất tính từ năm 2015,khi bà Phan Thị Kim Dung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, đến năm 2022 phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trước đó, nữ nghệ nhân còn được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt việc tốt, Bằng khen về thành tích xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới...

Lưu truyền những làn điệu ngân xa ảnh 1

Nghệ nhân Kim Dung truyền dạy cho các cháu thiếu nhi trong buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ

dân ca làng Mọc Quan Nhân.

Được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, những ngày này, trong lòng người nghệ sĩ già trào dâng nhiều cảm xúc. Câu lạc bộ dân ca làng Mọc Quan Nhân phấn khởi tự hào vì người sáng lập được tôn vinh. Bà Phan Thị Kim Dung tin tưởng, kỳ vọng với ngọn lửa đam mê các làn điệu dân ca cũng như âm nhạc truyền thống, sự hưởng ứng nhiệt tình và hiệu quả như mô hình hiện nay, sẽ có một thế hệ kế thừa giàu năng lực và tâm huyết, việc gìn giữ và phát huy các giá trị cốt lõi ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ hơn. Hơn cả một tình yêu, ý thức bảo tồn và phát huy, đó là chất keo gắn kết, neo giữ trong mỗi con người, trong cộng đồng, là sức mạnh mềm làm nên sự trường tồn các giá trị truyền thống.