Sống đẹp

“Tuổi nào cũng có thể hiến mô, tạng”

NDO - Buổi sáng đồng chủ trì Hội thảo “Ghép phổi từ người cho chết não - Thực trạng và giải pháp” tại Bệnh viện Việt Ðức, chiều đã có mặt tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Ðiển Uông Bí (Quảng Ninh) huấn luyện triển khai “Mạng lưới hiến mô tạng”, tối tiếp tục cầm chịch buổi họp khoa học trực tuyến cũng chung quanh vấn đề đó. Một ngày thường lệ của PGS,TS, bác sĩ Ðồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Ðức không thể thiếu những phần việc của Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia… Từ địa đầu Móng Cái tới mũi Cà Mau, nhiều năm qua, PGS,TS, bác sĩ Ðồng Văn Hệ đã liên tục có mặt tại nhiều vùng miền đất nước, nỗ lực không ngừng nghỉ thúc đẩy hoạt động “Hiến tạng cứu người - Cho đi là còn mãi”…
PGS,TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ.
PGS,TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ.

Cũng những ngày tháng 8 này cách đây 3 năm, PGS,TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ cùng đoàn tiền trạm của Việt Đức vào TP Hồ Chí Minh xây dựng bệnh viện dã chiến số 13 ở Bình Chánh, điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay giữa tâm dịch trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành khốc liệt nhất. “Xây bệnh viện mới: thiết lập đủ các khoa phòng như quản trị, hành chính, nhiễm khuẩn, công tác xã hội, công nghệ thông tin, xét nghiệm, sinh hóa, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh, kế hoạch tổng hợp, tài chính, dược, kíp trực, các phòng ICU… họp online mỗi ngày, có ngày họp 3-4 lần…”, sắp đặt hoàn chỉnh để kịp đón đoàn 300 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, ký ức của những thời khắc đau thương ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí bác sĩ Đồng Văn Hệ. Luôn có mặt ở những điểm nóng, di chuyển rất nhiều, nhưng sáng thứ hai hằng tuần, những bệnh nhân tới Bệnh viện Việt Đức có thể may mắn gặp PGS,TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ trực tiếp thăm khám tại phòng khám. Chẩn đoán, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho từng người, rất nhiều bệnh nhân đã thấy họ được “hồi sinh” khi trực tiếp gặp và “theo” bác sĩ Hệ. Bác sĩ có thể không nhớ, nhưng bệnh nhân đã qua cơn “thập tử nhất sinh” luôn lưu giữ suốt cuộc đời những giai đoạn rơi vào cảnh ngộ “sinh tử” và thấy như được số phận ban tặng một phép màu, khi họ gặp “đúng thầy đúng thuốc”. Mẹ một bệnh nhi mắc bệnh hiếm moyamoya đã chia sẻ hành trình đầy hoang mang, không kém phần tuyệt vọng chữa trị cho con, tới cái kết thúc có hậu khi được bác sĩ Đồng Văn Hệ phẫu thuật, giúp cậu bé hồi phục hoàn toàn, lớn khôn phát triển bình thường.

Từng là thủ khoa bác sĩ nội trú Đại học Y Hà Nội, từng tu nghiệp chuyên môn ở nhiều quốc gia có nền ngoại khoa thần kinh uy tín như Pháp, Nhật Bản, Australia…, hiện được biết đến trong cộng đồng y khoa nước nhà và quốc tế như một bác sĩ phẫu thuật nội soi não, u não, phẫu thuật thần kinh nhi, chấn thương sọ não, phẫu thuật cột sống - tủy sống “chuyên trị” những ca bệnh khó, phức tạp, PGS,TS Đồng Văn Hệ từ năm 2019 đã thực hiện ca phẫu thuật u não bằng phương pháp thức tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Trong ca mổ kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, hoàn toàn do ê kíp các bác sĩ Việt Nam đảm nhiệm, bệnh nhân nằm trên bàn phẫu thuật vẫn tỉnh táo, nghe nhạc, nói chuyện, thậm chí hát, cười… Mổ u não bằng phương pháp thức tỉnh tại Bệnh viện Việt Đức đã giúp bệnh nhân giảm thiểu được nhiều tai biến, rủi ro trong quá trình phẫu thuật cực kì tinh vi, phức tạp. Không chỉ theo đuổi, trau dồi chuyên môn đỉnh cao, ông còn luôn quan tâm tới y tế cộng đồng. Vì vậy, trước con số dễ gây “sốc”, có tới 2% người Việt Nam bị mắc bệnh động kinh, “Câu lạc bộ người bệnh động kinh” đã được thành lập tại Bệnh viện Việt Đức, hướng tới mục đích chuyển tải những thông tin, kiến thức đúng cũng như hướng dẫn cách thức chăm sóc người bệnh chuẩn mực đến bệnh nhân lẫn người thân của họ…

Năm 2022, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Đồng Văn Hệ được giao thêm trọng trách Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thay PGS,TS, bác sĩ Trịnh Hồng Sơn nghỉ chế độ. Việc vận động hiến tạng từ lâu đã là tâm huyết của nhiều lãnh đạo ngành y tế cũng như các y, bác sĩ đầu ngành. Nhưng nhiều năm trước đây, dù nỗ lực đến đâu thì chương trình hiến tạng và hoạt động của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cũng gần như công việc “nội bộ” của ngành y. Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, theo PGS,TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ: “Nhận thức của người dân và xã hội về vấn đề hiến tạng đã cởi mở hơn nhiều, lượng người đăng ký hiến tạng tăng lên thấy rõ, nhất là sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đăng ký hiến tặng mô, tạng và tham dự, phát động Chương trình Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi. Người dân hiểu, ủng hộ, tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời là một lợi thế lớn”. Ông cũng luôn nhiệt thành truyền đi thông điệp: “Tuổi nào cũng có thể hiến tạng, trước đây quan niệm cho rằng hiến tạng bị giới hạn bởi tuổi, nhưng thật ra tuổi tác không quá quan trọng. Có người dù tuổi cao vẫn sinh hoạt lành mạnh, sức khỏe tốt thì tạng vẫn có thể bảo đảm chất lượng. Ngược lại người ít tuổi sức khỏe kém tạng không bảo đảm cũng đành chịu”.

“Tuổi nào cũng có thể hiến mô, tạng” ảnh 1
PGS,TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ tư vấn chuyên môn hiến mô, tạng cho các đồng nghiệp Trung tâm cấp cứu 115 Quảng Ninh.

Ngày 20/6, ê kíp các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Phú Thọ tiến hành mổ lấy tạng từ bệnh nhân chết não là một nam giới 58 tuổi, bị tai nạn giao thông. Ngay sau khi hội đồng chẩn đoán chết não có kết luận cuối cùng, ca mổ đã diễn ra nhanh chóng. Bác sĩ Đồng Văn Hệ cho biết, lúc đầu có ba bệnh nhân trong danh sách chờ ghép e ngại vì người hiến tạng đã lớn tuối, nên từ chối, vì thế quyền ưu tiên được dành cho người tiếp theo. Trong số những cái tên hội tụ các chỉ số sinh học phù hợp với tạng của người hiến, hai bệnh nhân ở Huế được lựa chọn. Ngay khi gia đình nạn nhân chết não đồng ý hiến tạng, toàn bộ hệ thống y tế được kích hoạt, khởi động, tất cả các công đoạn được kết nối nhanh chóng, từ ca mổ lấy tạng ở Phú Thọ, đến quá trình bảo quản, vận chuyển vào Huế và kết thúc tốt đẹp bằng hai ca mổ ghép thận cho hai bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Sau ca đại phẫu thuật, sức khỏe các bệnh nhân được ghép thận đã hoàn toàn ổn định. Bởi vậy bệnh nhân chờ ghép cũng không nên quá quan trọng độ tuổi của người hiến vì quá trình thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, đánh giá chức năng tạng, các xét nghiệm được chỉ định, các thăm dò được tiến hành… đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, trước khi quyết định cấy ghép được đưa ra.

Có được sự chủ động từ khâu tiếp cận, tư vấn, thuyết phục gia đình nạn nhân chết não, đến phẫu thuật lấy tạng và bảo quản, chuyển giao…, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tham gia vào “Mạng lưới các bệnh viện hiến”, do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia khởi xướng và lĩnh xướng hoạt động. Tuy nhiên, nếu hệ thống y tế chưa quan tâm đúng mức, các bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện chưa tham gia tích cực ngay trong quá trình khám, chữa, tư vấn, điều trị… thì những nghĩa cử đẹp kia vẫn chỉ đơn thuần nằm trên giấy. Tiếc rằng, nguồn mô, tạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu (chiếm tới 95% trong các ca đã ghép) đến từ người cho sống và mới chỉ có 5% được hiến từ người cho chết não. Thực trạng này có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực nếu cả cộng đồng cùng chung tay vào cuộc và kèm theo đó là sự phối hợp hỗ trợ của hệ thống các văn bản pháp lý đi kèm cũng như đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật cho phù hợp dòng chảy đời sống. Thông thường, trước giây phút tử biệt sinh ly, gia đình người bệnh thường không còn lòng dạ nào mà nhớ tới nguyện vọng “hiến mô, tạng”, nên tổ chức hệ thống vận động cởi mở ngay trong bệnh viện, giúp các bác sĩ phát hiện những trường hợp “chết não tiềm năng”, “chết tim tiềm năng” để tư vấn kịp thời, là công việc đang được duy trì tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Hai năm qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia hình thành nên “Mạng lưới bệnh viện hiến”…, ngoài hai đơn vị đã có đội vận động hiến từ lâu là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức, rất nhiều bệnh viện khác khắp đất nước đã kết nối, tham gia.

“Tuổi nào cũng có thể hiến mô, tạng” ảnh 2
PGS,TS, bác sỹ Đồng Văn Hệ (bên phải) trong một ca phẫu thuật sọ não.

Khi hệ thống y tế, nhân viên y tế chủ động, tích cực tiếp cận, tư vấn, thuyết phục thân nhân những người “chết não tiềm năng” để vận động hiến tạng, là thêm nhiều người có cơ hội “cải tử hoàn sinh”, được trở về với cuộc sống bình thường ngay trước lưỡi hái thần chết… Cũng từ “Mạng lưới bệnh viện hiến”, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã có thể thực hiện các ca phẫu thuật lấy tạng và chuyển giao, như Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên… Đấy cũng là thành quả của PGS,TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ cùng các cộng sự của mình, trong chặng đường sát cánh với chương trình “Hiến tạng cứu người - Cho đi là còn mãi”…