Sống đẹp

Thành tỷ phú từ nghề trồng rau sạch

NDO - Ðan Phượng là vùng đất phía tây Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ bởi những dự án đô thị mới. Ðất chật người đông, nhưng hỏi thăm nhà trồng rau sạch Cuối Quý thì hầu như ai cũng biết. Cuối Quý là tên một hợp tác xã chuyên sản xuất và tiêu thụ rau do chị Ðặng Thị Cuối cùng chồng là anh Nguyễn Ðăng Quý sáng lập và điều hành từ năm 2018.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Đặng Thị Cuối bên trang trại rau sạch được xây dựng và dần mở mang thêm từ năm 2016.
Chị Đặng Thị Cuối bên trang trại rau sạch được xây dựng và dần mở mang thêm từ năm 2016.

16 năm ấp ủ giấc mơ

Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, cô thôn nữ Đặng Thị Cuối lớn lên đã quen việc đồng áng. Sống bằng nghề nông, dù chăm chỉ xốc vác, nhưng phương thức canh tác truyền thống không giúp được cho gia đình chị thoát cảnh khó khăn. Lấy chồng, sinh con, đầu tắt mặt tối quanh năm mà gia đình trẻ Cuối Quý vẫn chật vật không đủ sống. Vốn là người quyết đoán, dám nghĩ dám làm, năm 2000, khi hai con gái đã cứng cáp, vợ chồng chị bàn nhau, anh ở nhà chăm con, để chị đi Đài Loan (Trung Quốc) làm thuê, tìm cơ hội thay đổi cuộc sống.

Ở nước bạn, chị Đặng Thị Cuối được phân công làm việc trong một trang trại trồng rau hữu cơ. Cuốc đất trồng rau tưởng là việc quen thuộc như lòng bàn tay, ấy vậy mà chị Cuối bước vào môi trường làm việc mới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chị vô cùng thán phục cách thức canh tác của nước bạn, vừa khoa học, tiến bộ, mang lại năng suất, hiệu quả rõ rệt...

Đó là những ngày tháng người phụ nữ tuổi 30 giành trọn tâm sức vào công việc, và không ngừng quan sát, học hỏi, với quyết tâm mang công nghệ mới về ứng dụng ở đất nước mình. Để hiện thực hóa điều đó, ngay từ những tháng lương đầu tiên, chị đã lên kế hoạch, giành một nửa gửi về nuôi con, một nửa chị mua vật liệu, từ con ốc vít, bu-lông, rồi màng nhựa, tuýp kẽm... từng chút một tích lũy chuẩn bị cho dự định tương lai. Trong câu chuyện vợ chồng họ suốt những năm xa nhau luôn là kế hoạch, dự định cho ngày trở về. Chồng chị, anh Nguyễn Đăng Quý, không nỡ cản nhưng luôn bày tỏ sự lo lắng hồ nghi trước dự định và kế hoạch được vạch ra ngày càng rõ nét của vợ. “Quê mình đâu có thiếu rau, rau rẻ đến thế rồi ai mua mà bán!”- anh thường nói với chị như thế...

Giằng co mãi vẫn không thể thuyết phục được chồng, chị Cuối rủ anh qua làm cùng mình. Gửi con cho nội ngoại, anh đi thật. Ấy vậy rồi anh còn nghiện trồng rau hơn cả chị. Bất cứ thẻo đất nào có thể, anh đều tận dụng tra hạt trồng rau, chăm sóc, quan sát mỗi ngày. Anh sang với chị năm 2008, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, vợ chồng họ chính thức cùng nhìn về một hướng...

Vậy mà cũng phải mất thêm 7 năm vừa làm việc tích lũy vốn liếng, vừa học hỏi, năm 2016 vợ chồng họ quyết định trở về Việt Nam với gia tài vốn liếng là toàn bộ nguyên vật liệu gần như đủ cho dây chuyền trồng rau hữu cơ công nghệ cao. Anh chị bắt đầu ngược xuôi tìm kiếm đất đai để xây dựng nhà xưởng, thực hiện dự án rau hữu cơ công nghệ cao ngay trên mảnh đất Đan Phượng quê hương.

Trong câu chuyện, chị Đặng Thị Cuối luôn biết ơn những người hỗ trợ giúp đỡ mình những ngày đầu khởi nghiệp. Chủ tịch huyện Đan Phượng lúc đó là ông Nguyễn Hữu Hoàng, (sau này là Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nay đã nghỉ hưu), thấy anh chị không có vốn phải chạy vạy ngược xuôi, ông Hoàng bảo anh không có tiền cho vợ chồng em vay, nhưng có sổ đỏ nhà anh đó, anh cho mượn mà vay ngân hàng. Được lời như cởi tấm lòng, chị cầm sổ đỏ nhà ông Chủ tịch vay 300 triệu đồng, về mở rộng thêm quy mô. Chỉ một năm sau, anh chị đã tiết kiệm đủ để trả nợ.

Minh bạch trong thông tin sản phẩm để tạo uy tín

Nhớ lại hành trình khởi nghiệp, chị kể: Thời gian đầu khó khăn lắm, ai cũng hồ nghi, rau làm ra ế không ai mua. Nhưng tôi tự tin về chất lượng rau nhà mình. Mục tiêu cao nhất là sản phẩm của mình phải có mặt trên mâm cơm người dùng, cho nên tôi chủ trương ai mua thì tôi bán, ai chê thì tôi tặng. Người dân ăn rau sạch đều cảm nhận được sự khác biệt. Rồi khách đông dần, người dùng quen ngày một nhiều lên, họ tìm đến tận nhà mua, rau tôi trồng ra không đủ bán...

Ngay từ lúc thành lập hợp tác xã, chị Cuối luôn chú trọng đến sự minh bạch trong quá trình sản xuất, sản phẩm đã dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện Hợp tác xã có hơn 20 sản phẩm được thành phố cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao từ cải ngồng cải ngọt, bông hẹ, măng tây đến các loại hoa quả như ổi, đu đủ. Hàng trăm gốc nho đã cho thu hoạch được mùa thứ ba, ngon sạch nên không đủ để bán.

Chị Nguyễn Thị Tâm, 58 tuổi, xã viên Hợp tác xã phấn khởi: Công việc của chúng tôi tuy thu nhập không cao lắm nhưng tôi thích vì phù hợp sức khỏe lại nhẹ nhàng, sạch sẽ.

Làm rau hữu cơ tuy không mới nhưng để thực hiện không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chung của đời sống sản xuất. Để thực hiện triệt để nguyên tắc 5 không (không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen) gia đình chị đã phải nỗ lực vượt khó và quyết tâm mạnh mẽ. Lấy ngắn nuôi dài, gia đình chị đã thuê thêm đất của các hộ dân trên địa bàn xã Đan Phượng để mở rộng sản xuất, từ 3 ha ban đầu lên tới 5,5 ha, bao gồm 80 nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động. Hiện nay, Hợp tác xã Cuối Quý cung cấp thường xuyên rau sạch cho gần 20 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, tổng lượng rau đưa ra thị trường khoảng 4-5 tấn rau xanh mỗi tháng.

San sẻ trách nhiệm vì cộng đồng

Từ những trải nghiệm gian khó trên con đường lập nghiệp, sau khi phát triển tốt, mô hình của chị luôn sẵn lòng mở rộng cửa tiếp đón mọi người đến học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm. Đến nay chị Cuối cùng chồng dẫn dắt Hợp tác xã vững mạnh, giúp đỡ hàng trăm hộ nông dân trên khắp mọi miền của đất nước đến học tập và làm theo, giúp phát triển kinh tế và từng bước làm giàu chính đáng.

Thành tỷ phú từ nghề trồng rau sạch ảnh 1

Với việc đầu tư hệ thống nhà màng, chất lượng, năng suất rau củ thu về luôn cao và ổn định hơn.

Nhiều người muốn làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, chị Cuối sẵn sàng hướng dẫn, giới thiệu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, thậm chí hỗ trợ cả đầu ra. Hợp tác xã Nông sản an toàn Yên Thuỷ (tỉnh Hòa Bình) là một trong nhiều đơn vị được chị Đặng Thị Cuối giúp đỡ, sau một thời gian ngắn đã đi vào vận hành hiệu quả. Ông Đỗ Mạnh Cường, Chủ nhiệm Hợp tác xã bày tỏ: Chúng tôi may mắn gặp được anh chị Cuối Quý, được anh chị nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật, giống má ngay từ giai đoạn đầu vận hành.

Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, Hà Nội nhắc đến gia đình anh chị Cuối Quý với sự trân trọng. Hợp tác xã luôn chủ động, sẵn sàng phối hợp với Hội Nông dân địa phương hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm lao động cả trong và ngoài huyện, xã, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho không ít bà con nông dân. Ngoài ra, chị Cuối còn tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào của Hội Nông dân, nhận hỗ trợ nhiều hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn việc làm cây giống với số tiền trên 200 triệu đồng/năm. Đến nay một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định đời sống.

Với mong muốn tạo dựng được cộng đồng nông sản sạch, hầu như ngày nào trang trại của vợ chồng chị cũng đón tiếp hàng chục lượt người đến tham quan, học tập, thậm chí có ngày lên tới hàng trăm người. Gia đình còn tạo ra những mô hình mẫu để các em học sinh, sinh viên được học tập, trải nghiệm trực tiếp. Nếu có khách hay đoàn khách nào có nhu cầu học tập lâu hơn, gia đình cũng sẵn lòng hỗ trợ chỗ ăn, ngủ miễn phí cho khách ngay tại trang trại.

Với những đóng góp cho cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của quê hương, chị Đặng Thị Cuối đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen năm 2020 và là Đại biểu điển hình dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới toàn quốc, danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2020. Năm 2022, chị Đặng Thị Cuối vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú của UBND thành phố Hà Nội...