TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động:

“Nhiều quy định về an toàn và vệ sinh lao động chưa được chấp hành”

NDO - TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về những vấn đề đặt ra trong công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) khi thời gian gần đây hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về những vấn đề đặt ra trong công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi thời gian gần đây hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên tiếp xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
 “Nhiều quy định về an toàn và vệ sinh lao động chưa được chấp hành”

Ông nhìn nhận thế nào về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây dẫn đến cái chết thương tâm của nhiều người?

Tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua cho thấy các công trường, nhà máy, doanh nghiệp hiện nay đang hiện hữu các nguy cơ mất an toàn lao động. Những năm qua, quy mô nền kinh tế tăng lên nhiều lần và thị trường lao động cũng tăng tương ứng. Nhiều ngành nghề sản xuất cũng phát triển, số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng tăng lên. Người lao động ngày càng có nguy cơ tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại hơn trong môi trường lao động.

Qua thống kê về tai nạn lao động trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta có thể thấy, số vụ tai nạn lao động, số người bị nạn, số người chết được kiềm chế về mặt số liệu tuyệt đối. Hằng năm có trung bình khoảng hơn 7.000 vụ, khoảng 700 người chết. Tuy nhiên, quy mô thị trường lao động ngày càng tăng với khoảng 1,3 triệu lao động/năm, như thế có nghĩa tần suất tai nạn lao động cũng có giảm so với tốc độ tăng của quy mô thị trường lao động. Một số ngành, lĩnh vực tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra rất nhiều cũng đã được kiềm chế thí dụ như: Ngành điện lực, trước tần suất lớn nhưng hiện nay số lượng người chết do tại nạn lao động đã giảm xuống dưới 10 người/năm; ngành than khoáng sản trước trung bình khoảng 35-40 người chết/100.000 lao động/năm thì nay dù vẫn còn cao nhưng đã giảm xuống dưới 20 người chết/năm; ngành xi- măng cũng đã giảm mạnh và hầu như ít tai nạn lớn. Nhưng những lĩnh vực khác thì thời gian qua lại rất căng thẳng, xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như: lĩnh vực xây dựng, chế biến sản xuất vật liệu xây dựng.

Qua các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gần đây, có thể thấy nhiều quy định về ATVSLĐ tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được chấp hành. Các quy trình làm việc, phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp không được triển khai; việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, đặc biệt là máy, thiết bị, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được thực hiện một cách đầy đủ theo đúng yêu cầu.

Điều đó cho thấy doanh nghiệp chưa thật sự tuân thủ các quy định pháp luật, chưa thực hiện hết trách nhiệm về bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc. Một bộ phận doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và đầu tư mở rộng sản xuất, năng lực quản trị an toàn chưa đạt mức có thể kiểm soát được các nguy cơ đó, dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm trong thời gian qua.

Thưa ông, hành lang pháp lý về bảo đảm ATLĐ đã đầy đủ chưa, phải chăng công tác này vẫn đang bị xem nhẹ và hình thức?

Chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu chung của các công ước quốc tế đều có nhắc đến vấn đề bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, đó là mục tiêu cũng là động lực mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra, con người phải là trung tâm của mọi chính sách phát triển. Hiến pháp năm 2003 đã ghi nhận những quyền cơ bản của người lao động, là được làm việc trong môi trường an toàn. Và như vậy câu chuyện ATLĐ phải được xem là điều kiện tiên quyết để tiến hành sản xuất, chứ chúng ta không nói chuyện ưu tiên nhiều hay ít ở đây.

Từ nội dung của Hiến pháp, chúng ta đã có Bộ luật Lao động với nhiều điều quy định về ATVSLĐ. Từ năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động. Rồi các luật chuyên ngành khác như Luật Khoáng sản, Luật Điện lực, Luật Hóa chất đều có những điều luật quy định về vấn đề ATVSLĐ. Và an toàn luôn là nội dung quan trọng trong bất kỳ ngành hay lĩnh vực nào. An toàn cũng là điều kiện để các quốc gia đặt ra các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát các hàng hóa và dịch vụ vào quốc gia đó. Do đó, với những chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước, yêu cầu của thị trường quốc tế, của khách hàng, nhãn hàng thì an toàn phải là điều kiện đầu tiên trước khi tiến hành sản xuất. Như vậy, có thể nói hành lang về bảo đảm ATVSLĐ đã tương đối đầy đủ, đồng bộ.

Ý thức về thực hiện, thực thi các quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, sau những vụ việc để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vừa qua là sự cảnh báo nghiêm khắc buộc các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến công tác bảo đảm ATVSLĐ.

Thế nhưng, phải thừa nhận thực tế là hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp đang có tư duy thực hiện công tác an toàn theo kiểu đối phó, chưa chủ động trong việc bảo đảm an toàn cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, chi cho bảo đảm an toàn là chi phí mất đi.

Quy định của pháp luật về an toàn là tiêu chuẩn, yêu cầu tối thiểu, còn doanh nghiệp phải đề ra các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí có thể còn cao hơn các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh theo điều kiện thực tế tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, tôi còn muốn nói đến một vấn đề khác là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hiện nhiều chủ doanh nghiệp ít quan tâm đến người lao động mà chỉ quan tâm vào tiến độ, hiệu quả của công trình, dự án mà coi nhẹ các vấn đề khác, trong đó có việc tuân thủ các quy định về ATVSLĐ.

Ngoài các nguyên nhân như tôi đã nói ở trên còn có các nguyên nhân nữa là các chủ doanh nghiệp hiện nay cũng đang bị nhiều áp lực. Hàng hóa sản xuất ra phải rẻ để bảo đảm cạnh tranh được trên thị trường, lợi nhuận thấp, chi phí nhiều, rồi còn phải lo cho đời sống của người lao động. Nhưng không phải vì thế mà không quan tâm đến ATVSLĐ. Có những mô hình doanh nghiệp nhỏ, nhưng họ làm rất tốt vấn đề an toàn lao động. Do đó, vấn đề ở đây là tìm được các giải pháp phù hợp với doanh nghiệp của mình. Nếu chủ sử dụng lao động đối xử với người lao động như người thân, bằng lòng biết ơn, bằng lòng trắc ẩn thì sẽ hạn chế xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hành lang pháp lý trong lĩnh vực ATVSLĐ đã tương đối đầy đủ và đồng bộ nhưng vấn đề thực thi và câu chuyện quản lý, kiểm soát vẫn còn nhiều khó khăn trong thực tế?

Qua những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vừa qua, đặc biệt là vụ tai nạn tại Nhà máy xi măng Yên Bái mới đây, cần nhìn rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý. Một doanh nghiệp hoạt động rất lâu trên địa bàn tỉnh, với quy mô như vậy, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, chính quyền và các cơ quan chức năng đều đã đến đánh giá, kiểm soát hiệu quả nhưng vẫn để xảy ra những lỗ hổng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Lớn hơn nữa, về mặt chính sách, cũng cần nhìn nhận rằng, những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng như vụ 4 công nhân tử vong thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, vụ 6 người chết tại Nghệ An vì bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic... có thể thấy dù hệ thống pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, song ở đâu đó công tác an toàn vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính có hạn, đầu tư vào phương tiện hệ thống công nghệ bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm chất lượng, sau khoảng 10-20 năm, những hệ thống này đã xuất hiện nhiều tồn tại, rủi ro mất an toàn thường trực.

Bên cạnh đó, tôi phải nhấn mạnh rằng cách thức thanh tra, kiểm tra của chúng ta hiện nay còn chưa phù hợp và không theo được các thông lệ quốc tế, rườm rà, thiếu hiệu quả.

Kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển, khi thanh tra an toàn trong lao động đến doanh nghiệp không được báo trước. Thanh tra cũng không cần phải mất quá nhiều thời gian tại doanh nghiệp, thanh tra an toàn chỉ cần đến khu vực cần phải kiểm soát an toàn lao động xem có đạt yêu cầu không. Chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, thanh tra có thể yêu cầu chủ doanh nghiệp ngay lập tức khắc phục. Sau đó nếu hậu kiểm mà doanh nghiệp chưa xử lý thì có các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn như dừng sản xuất, xử phạt theo thẩm quyền. Thanh tra an toàn cần phải tập trung vào xem thực tế khi doanh nghiệp sản xuất có bảo đảm an toàn, vệ sinh hay không.

Nhưng trong thực tế, thanh tra lao động hiện nay là phải thành lập đoàn, doanh nghiệp bị thanh tra được lên kế hoạch, được báo trước, sau đó đoàn thanh tra sẽ vào xem xét nghiên cứu hồ sơ xem còn thiếu gì, cái gì chưa được. Thật ra việc này chỉ là để xem xét hồ sơ có bảo đảm đúng theo các quy định của pháp luật hay không, giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ cho đầy đủ, nói chung đó chỉ là vấn để hành chính. Nhưng điều quan trọng nhất của công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ phải là làm rõ quá trình sản xuất, điều kiện làm việc có bảo đảm an toàn không.

Trên giấy tờ máy móc đã được kiểm định rồi, nhưng khi sản xuất vẫn xảy ra sự cố, vậy thì thanh tra, kiểm tra là phải xem doanh nghiệp, người lao động làm thực tế có bảo đảm an toàn hay không. Trên giấy tờ thì doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện cho công nhân rồi, nhưng công nhân có vận hành, làm việc đúng theo quy trình, phương án làm việc hay không, rất cần được các doanh nghiệp thường xuyên đánh giá, giám sát.

Xin trân trọng cảm ơn ông!