Bảo đảm nguồn nước sạch để phòng tránh dịch bệnh sau lũ

NDO - Lũ qua đi, nước rút, để trơ lại trên mặt đất một lượng bùn và rác thải khồng lồ. Khi mưa ngừng, nắng lên, rác tồn ứ trong khu dân cư mà sức người không thể dọn sạch ngày một ngày hai đang ẩn chứa những mầm mống dịch bệnh. TS, bác sĩ Vũ Quốc Ðạt - giảng viên Ðại học Y Hà Nội nhận định: “Rác thải sau lũ là nguồn ổ nhiễm khuẩn rất lớn đối với các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa và các bệnh nhiễm trùng nặng lây truyền từ động vật sang người”. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng sớm phát đi cảnh báo: “Tại các khu vực bị úng ngập, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết… lẫn vào nước sông, suối, ao hồ...”.
0:00 / 0:00
0:00

MỐI NGUY TỪ SỐT XUẤT HUYẾT ĐẾN COVID-19

Phải đến chiều 17/9, nhờ số máy móc cơ giới lớn được trưng dụng cùng sự vào cuộc của các đơn vị công an, quân đội, sự tham gia hỗ trợ nhiệt tình của các tình nguyện viên, những nỗ lực không mệt mỏi của cư dân ngay tại địa phương, bãi rác kinh hoàng đọng lại sau đợt mưa lũ kéo dài ở khu vực đường Thanh Niên, Yết Kiêu (phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái) mới được dọn hết.

Mặt đường hiện chỉ còn phủ một lớp bùn mỏng, tuy nhiên vẫn tiếp tục được các lực lượng xử lý triệt để. Điện, nước chưa được khôi phục tổng thể, cuộc sống của người dân nơi đây chưa thể trở về nhịp điệu bình thường như trước khi cơn lũ tai ác ào tới. Đây cũng là thực trạng chung ở các địa phương sau mưa lũ dài ngày.

Bảo đảm nguồn nước sạch để phòng tránh dịch bệnh sau lũ ảnh 1

Hỗ trợ người dân dọn vệ sinh sau khi nước rút ở Yên Bái. Ảnh | THÀNH ĐẠT

Cục Y tế dự phòng, ngay trong những ngày đỉnh điểm của thiên tai, đã liên tục đưa ra các khuyến cáo: “Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng. Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển dẫn đến lan truyền các mầm bệnh dễ mắc phải như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông,…), bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, tả, thương hàn)viêm gan A, viêm gan E, leptopria, các bệnh giun sán… bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn…”.

Theo TS, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm sau mưa lũ, ngoài nhóm bệnh lây truyền liên quan trực tiếp đến nguồn nước đề cập ở trên, cần đặc biệt đề phòng các bệnh liên quan đến tụ tập đông người: chủ yếu là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, Covid-19, sởi… ; bệnh lây truyền qua vector với dengue là số 1…”. Khác với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát ở thời điểm tức thì sau lũ, sốt xuất huyết lại ẩn chứa đặc thù riêng. TS, bác sĩ Vũ Quốc Đạt cho biết: “Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào các dụng cụ chứa nước sạch.

Bảo đảm nguồn nước sạch để phòng tránh dịch bệnh sau lũ ảnh 2

TS, bác sỹ Vũ Quốc Đạt

Người dân thường có thói quen tích trữ nước sạch vào các dụng cụ chum vại, xô chậu không được đậy nắp kín. Đây chính là điều kiện cho muỗi phát triển. Sau khoảng thời gian một tuần, 10 ngày, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, phát triển thành muỗi trưởng thành và sau đó người bị muỗi đốt ủ bệnh sau một tuần. Thông thường các dịch sốt xuất huyết nguy cơ bùng phát trong khoảng thời gian 3 tuần đến một tháng sau khi nước rút”.

Bác sĩ Đạt là người từng tham gia trong nhóm xây dựng hướng dẫn và phác đồ điều trị Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới WHO, đưa ra cảnh báo trước sự lây lan có thể của Covid-19. “Các vùng có tụ tập đông người, liên quan đến những vùng cần kiến thiết sau lũ và các trường học mở lại”; “Chủ động đeo khẩu trang nếu có triệu chứng hô hấp và chăm chỉ rửa tay”.

NƯỚC SẠCH LÀ ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU

Với đặc thù địa hình và khí hậu của Việt Nam, mưa lũ, thiên tai tới mức hiểm họa gây tác hại cho cuộc sống của con người không phải là hiện tượng hiếm gặp, mà hầu như năm nào cũng diễn ra chỉ tùy thuộc vào cấp độ. Chính vì vậy, ứng phó với mưa lũ, kể cả mối nguy bùng phát dịch bệnh vì môi trường bị xâm hại tiêu cực, đã thành phản xạ có điều kiện của người dân và các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn.

Bảo đảm nguồn nước sạch để phòng tránh dịch bệnh sau lũ ảnh 3

Phòng Y tế huyện Việt Yên (Bắc Giang) hỗ trợ các xã thuốc phun diệt muỗi. Ảnh | CDC Bắc Giang

TS, bác sĩ Vũ Quốc Đạt đề xuất: Khi nước rút, “ưu tiên hàng đầu là cần làm sạch nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, nên sử dụng các chất xử lý nước sinh hoạt, đun sôi nước dùng để uống và nấu ăn. Đối với các vật dụng chứa nước sạch quanh nhà cần che đậy để tránh muỗi phát triển, gây bùng phát dịch sốt xuất huyết sau lũ. Thường xuyên sử dụng các đồ bảo hộ cá nhân, thí dụ như găng tay, ủng cao khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn hoặc các vùng còn ngập nước.

Rửa tay bằng nước sạch, xà-phòng hoặc các dung dịch vệ sinh bàn tay để giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và các bệnh lý do giun, sán và ký sinh trùng. Xử lý những khu vực có nguy cơ động vật gặm nhấm làm tổ, hạn chế tiếp xúc với vùng nước có nguy cơ cao bị nhiễm bẩn do chất thải động vật nuôi hay chuột…”.

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng phát hành các video để kịp thời truyền thông rộng rãi trong nhân dân: “Hướng dẫn về xử lý nước sau mùa lũ” bao gồm: “Vệ sinh cá nhân trong và sau mùa bão lũ; Xử lý nước sạch dùng trong sinh hoạt; Xử lý nước sạch sau mưa bão; Xử lý nước giếng đào và giếng khoan sau bão lụt”… giúp “cung cấp thông tin” cũng như các kỹ năng cơ bản để mọi cá nhân đều có thể dễ dàng thực hiện.

Bộ Y tế luôn đặt mục tiêu “nước sạch” lên hàng đầu trong các biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh sau mưa lũ, từ “đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch” tới “tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt”, xác định “nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó”.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại các địa phương ngay sau cơn lũ đi qua, nhiều trạm y tế sở tại như ở Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên… đã chủ động cấp phát Cloramin B tới tận hộ gia đình, tạo điều kiện cho người dân có phương tiện cấp bách làm sạch nguồn nước dùng trước mắt, tới khi hệ thống cung cấp nước sạch được phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên chủ động chăm sóc sức khỏe cá nhân bằng một số giải pháp cơ bản, dễ áp dụng trong cuộc sống thường ngày trong mùa mưa bão, lũ lụt… lại có thể dễ dàng giúp mỗi người tăng sức đề kháng, góp phần cùng cộng đồng đẩy lùi mối nguy dịch bệnh tiềm ẩn và luôn bùng phát bất cứ lúc nào, như chỉ dẫn của TS, bác sĩ Vũ Quốc Đạt: “Nếu xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, cần sử dụng các dung dịch oresol pha đúng theo hướng dẫn để bù lượng nước bị mất đi, không sử dụng các loại thuốc loperamid. Có sốt hoặc biểu hiện đi ngoài phân có nhày máu, nhày mũi, cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất”.