Việt Nam cần có bộ công cụ đánh giá công trình xanh thống nhất

NDO - Ngày 10/4, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách, pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia”.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, công trình xanh đang trở thành xu hướng hội nhập thế giới về phát triển xanh, đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Đồng thời, là xu hướng toàn cầu hiện nay với khả năng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng dân số đô thị nhanh là chất xúc tác cho nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, dẫn đến sự bùng nổ kéo dài hàng thập kỷ của ngành xây dựng.

Giống như mọi quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam phải giải quyết những hậu quả tất yếu của quá trình đô thị hóa, bao gồm tình trạng thiếu năng lượng, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được phổ biến bởi nhiều nguyên nhân, nhất là các vấn đề về pháp lý và chính sách cần được giải quyết.

“Ngày nay, chúng ta chứng kiến một kỷ nguyên mà công trình xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà còn là một phần không thể thiếu trong cam kết toàn cầu về phát triển bền vững”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Việt Nam cần có bộ công cụ đánh giá công trình xanh thống nhất ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Dũng thêm rằng, thực tế đã chứng minh, công trình xanh không chỉ mang đến các thay đổi tích cực về cảnh quan, mà còn thiết lập một nền tảng thực tế, năng động để nghiên cứu sự phát triển bền vững.

Theo nhận định của các chuyên gia, tại Việt Nam, lĩnh vực xây dựng đang thúc đẩy các biện pháp xây dựng xanh. Các công trình xanh ở Việt Nam được chứng nhận thông qua nhiều bộ công cụ đánh giá công trình xanh khác nhau của các tổ chức trong nước và quốc tế như: LEED (Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), LOTUS (Hội đồng Công trình xanh Việt Nam), VACEE (Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam)…

Việc Việt Nam chưa có một bộ công cụ đánh giá công trình xanh thống nhất, cũng như việc chứng nhận công trình xanh không được thực hiện bởi cơ quan nhà nước đã dẫn đến tình trạng phát triển công trình xanh mang tính tự phát, khó quản lý. Nhiều công trình được gắn mác xanh nhưng không chứng minh được các số liệu cho thấy đã đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường.

Do đó, các đại biểu đề xuất Bộ Xây dựng cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh, dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam; cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh, dự án công trình xanh.

Cùng với đó, Việt Nam cần có các quy định pháp luật thực hiện chính sách ưu đãi nhằm phát triển công trình xanh; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức sử dụng công trình xanh cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng.

Việt Nam cần có bộ công cụ đánh giá công trình xanh thống nhất ảnh 2

Chuyên gia quốc tế phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Quốc Thái, Khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 21 đã tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng công trình xanh, và đến nay cả nước đã có hơn 300 dự án công trình được công nhận đạt tiêu chuẩn xanh.

Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn mang tính tự phát vì đang thiếu một khuôn khổ pháp luật để chuẩn hóa, cũng như hỗ trợ cho sự phát triển một cách chính thống.

Qua tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia về công trình xanh, sự tham gia chính thức từ phía cơ quan nhà nước là động lực, cơ chế để thúc đẩy và chuẩn hóa hoạt động đầu tư và cấp giấy chứng nhận đối với công trình xanh.

Việt Nam với những điều kiện hiện nay, có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng pháp luật để giải quyết các vấn đề về quy hoạch sử dụng đất cho công trình xanh; xếp hạng, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm định theo định kỳ; ưu đãi dự án công trình xanh…

Và trong tương lai xa hơn, Việt Nam cần có một bộ luật về công trình xanh như các nước phát triển trên thế giới để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc thực hiện các dự án công trình xanh.