"Khoán 10" giao quyền tự chủ sản xuất cho nông dân đã tạo nên bước đột phá thần kỳ trong nông nghiệp. Từ một quốc gia luôn phải nhập khẩu một khối lượng lớn lương thực, trở thành một nước hằng năm xuất khẩu 3,5 - 4 triệu tấn gạo, đứng vào hàng thứ hai các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Các mặt hàng nông sản, như cà-phê, chè, cao-su, điều... và nhiều mặt hàng thủy sản có những bước tiến vượt bậc. Bên cạnh những thành tựu to lớn đó, nền nông nghiệp nước ta cũng bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém là: ruộng đất manh mún, phân tán; khả năng cơ giới hóa, chuyên môn hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hạn chế. Quy mô sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Việc thực hiện CNH, HÐH trong nông nghiệp, nông thôn đạt được một số thành quả, nhưng còn thiếu bền vững.
I - Những vùng quê vắng bóng thanh niên
Nông thôn nước ta có nhiều đổi thay, đời sống của đại bộ phận nông dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã trở nên khá giả, giàu có. Thế nhưng từ nhiều năm nay, ở nhiều làng quê của đồng bằng sông Hồng, đến một đám cưới, đám ma hay một buổi họp đội sản xuất, chỉ gặp toàn người già, trẻ em, phụ nữ luống tuổi. Hầu hết những thanh niên khỏe mạnh, lanh lợi đều tìm đường đi làm ăn nơi xa.
"Ðâu có việc là ta cứ đi"
Vùng đồng bằng sông Hồng (ÐBSH) gồm 11 tỉnh đồng bằng ven biển phía bắc. Ðây là vùng đồng bằng đất chật người đông nhất cả nước. Bình quân đất nông nghiệp trên đầu người là 507 m2, chỉ bằng 40,7% so với bình quân chung cả nước. Người ta tính ra rằng mỗi sào Bắc Bộ (360 m2) trồng lúa thì ngay cả khi mưa thuận, gió hòa cũng chỉ cho thu nhập 60-70 nghìn đồng/tháng. Có nghĩa là, ngay cả khi lúa được mùa, người nông dân vùng ÐBSH chỉ thu nhập xấp xỉ 100 nghìn đồng/tháng. Ðể làm tất cả công việc đồng áng, thông thường, mỗi năm người nông dân chỉ làm mất ba tháng. Giải quyết lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân là hai mặt của một vấn đề. Chúng tôi đã đi khảo sát ở tám tỉnh khu vực ÐBSH để tìm hiểu thực trạng về việc làm, thu nhập và đời sống của các hộ nông dân cũng như cách tháo gỡ của từng địa phương.
Năm 2000, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tây đã thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy, mỗi ngày có 60 nghìn người lao động từ Hà Tây đi kiếm việc làm ngoại tỉnh, trong đó có tới 40 nghìn lao động tìm việc tại thủ đô Hà Nội. Ðây là tình trạng chung ở tất cả các tỉnh đồng bằng đất chật, người đông. Thông thường, người già và trẻ con và những người ngại đi xa, va chạm xã hội sẽ đảm nhận công việc đồng áng, còn những người trẻ khỏe, lanh lợi sẽ đi kiếm những cơ hội mới.
Xã Tứ Trưng thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có 315,6 ha đất nông nghiệp với 7.158 khẩu. Bình quân đầu người khoảng 440 m2 đất canh tác. Chủ tịch UBND xã Tứ Trưng Ðặng Văn Tiến cho biết: Tứ Trưng luôn đi đầu trong đưa giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Năng suất nông nghiệp của xã luôn đứng đầu trong vùng. Nhưng đất chật, người đông, năng suất cao mấy cũng không xuể. Từ năm 1991, xã có chủ trương đưa một số hộ dân đi vùng kinh tế mới ở Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước), Lâm Ðồng. Ban đầu, mỗi hộ dân được xã cho vay hỗ trợ không tính lãi số tiền bằng hai chỉ vàng. Sau vài ba năm, khi thành quả ban đầu được gặt hái, các hộ dân khác chẳng cần xã hỗ trợ cũng tự tìm đi. Ðã có hơn 600 lao động đi kinh tế mới. Nhiều hộ đã đạt thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng. Gia đình anh Ðặng Văn Lưu là một trong các hộ đi kinh tế mới từ năm 1991. Với số vốn ban đầu 1,4 triệu đồng, anh mua đất làm trang trại ở xã Thống Nhất, huyện Bù Ðăng, tỉnh Bình Phước. Ðến nay, gia đình anh đã có bảy mẫu điều, năm vừa rồi thu hơn 80 triệu đồng. Ở xã Tứ Trưng, gia đình anh vừa xây ngôi nhà hơn 200 triệu đồng, đồ đạc tiện nghi sung túc. Mấy sào ruộng khoán của gia đình, anh Lưu giao lại cho người nhà làm giúp chỉ để giữ ruộng.
Một hướng mới mở ra ở xã Tứ Trưng từ năm 2000. Một số người đi xuất khẩu lao động ở Ðài Loan. Thủ tục khá phức tạp, chi phí cũng lớn so với đi kinh tế mới nhưng hiệu quả rõ rệt. Mỗi hợp đồng lao động ở nước ngoài kéo dài hai năm, thường thu được 100 triệu đồng. Hầu hết mọi người sau khi kết thúc hợp đồng thứ nhất đều được đề nghị kéo dài thêm từ một đến hai năm. Có người dành dụm được 200-300 triệu đồng. Chị Ðào Thị Tiến đi lao động ở Ðài Loan từ năm 2000. Anh Nguyễn Văn Bính chồng chị ở nhà mở xưởng cơ khí tiện, khoan cùng với bảy sào ruộng khoán chỉ đủ nuôi gia đình. Với số tiền chị Tiến dành dụm gửi về, cả ba con của anh chị đã có điều kiện theo học ba trường đại học lớn là Ðại học Y Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia và Ðại học Sư phạm 1 Hà Nội. Chỉ riêng số tiền gửi nuôi ba con của anh chị ăn học mỗi tháng lên tới 3,5-4 triệu đồng. Ngôi nhà khang trang của anh chị cũng mới hoàn thành, hết 230 triệu đồng. Lúc cao điểm, Tứ Trưng có tới 300 lao động ở Ðài Loan. Một hướng phổ biến để giải quyết lao động mùa vụ, lúc nông nhàn là kéo nhau từng tốp đi kiếm việc làm ở các đô thị lớn, chủ yếu là dịch vụ xây dựng, buôn bán nhỏ. Ngay các tỉnh vùng xa, vùng sâu như Sơn La, Hà Giang... chỗ nào làm ăn được đều có người Tứ Trưng. Có khoảng 300 người làm dịch vụ, xây dựng, buôn bán nhỏ theo thời vụ như vậy. Cả xã ăn nên làm ra; chỉ trong ba năm qua, Tứ Trưng đã đầu tư 15 tỷ đồng cho các công trình phúc lợi, chủ yếu do nhân dân đóng góp.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động một cách tự phát và mạnh mẽ đã điều chuyển một phần lực lượng lao động dôi dư tới những nơi khan hiếm nhân lực, trả giá lao động cao hơn. Ðiều này lý giải một phần vì sao thu nhập đầu người ở một vùng đất nông nghiệp, đất chật, người đông như ÐBSH lại đạt tới 5,5 triệu đồng/năm, gần gấp năm lần thu nhập trung bình nếu chỉ trồng lúa. Bên cạnh mặt tích cực, sự chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông thôn đã làm thiếu hụt lực lượng lao động trên mặt trận chính ở đây là nông nghiệp. Chủ nhiệm HTX Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh) Ðoàn Văn Hợi cho biết: số xã viên ghi danh là toàn bộ các công dân của xã Nghĩa Hưng, nhưng thực tế lực lượng lao động chủ yếu gồm chỉ toàn người già, phụ nữ, trẻ em,... Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cần thường xuyên đổi mới các giống cây trồng, vật nuôi với các quy trình kỹ thuật ngày càng cao. Tuy nhiên, lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay không những thiếu khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, mà thiếu ngay cả lao động đơn giản.
Ly nông bất ly hương
Năm 1989, khi một số doanh nghiệp sản xuất giấy quốc doanh làm ăn thua lỗ phải giải thể, một vài hộ ở xã Phong Khê, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã mua lại các dây chuyền cũ bán thanh lý, mở đầu cho ngành công nghiệp giấy theo mô hình làng nghề. Ðến nay, Phong Khê đã có 180 hộ sản xuất giấy với 210 dây chuyền công nghiệp. Có những dây chuyền trị giá hơn một trăm tỷ đồng. Ngoài ra, Phong Khê còn 300 hộ sản xuất giấy theo phương pháp thủ công xeo bằng tay. Sản phẩm của làng giấy Phong Khê thật đa dạng: từ các loại giấy gia dụng, như bìa các-tông đến giấy cao cấp dùng để phô-tô-cô-pi; cả các loại giấy chuyên dụng như giấy dó để vẽ tranh hay giấy se ngòi mìn cho công binh. Năm 2005, doanh số bán giấy toàn xã là 450 tỷ đồng, đạt lợi nhuận 60-70 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, doanh số đạt 270 tỷ đồng, dự kiến cả năm 550 tỷ đồng. Ngoài 3.400 lao động trong độ tuổi của toàn xã, làng nghề giấy thu hút thêm 3.000 lao động từ các nơi khác, với thu nhập bình quân từ 800 nghìn đến một triệu đồng/tháng. Với diện tích đất nông nghiệp 320 ha, giá trị sản xuất nông nghiệp của Phong Khê chỉ chiếm 4,8% trong cơ cấu sản xuất toàn xã. Là một xã nằm giữa vùng nông nghiệp ÐBSH, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ của Phong Khê đạt tới 95%. Thu nhập đầu người ước đạt 800 USD/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước gần 200 USD.
Một điển hình khác về giải quyết việc làm (cho gần 5.000 lao động) là làng nghề gỗ mỹ nghệ Ðồng Kỵ (xã Ðồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh). Nhiều lao động từ các địa phương sau một thời gian làm thuê, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm ở Ðồng Kỵ đã trở về quê mở xưởng sản xuất. Ban đầu làm cơ sở vệ tinh cho Ðồng Kỵ, rồi trở thành doanh nghiệp độc lập. Năm 2005, giá trị sản xuất làng nghề Ðồng Kỵ đạt 210 tỷ đồng. Hiện nay, số hộ làm nghề của các làng nghề toàn tỉnh Bắc Ninh là 15.473 hộ và 41.053 lao động, đạt giá trị sản xuất 1.536,7 tỷ đồng.
Khắp vùng ÐBSH có hàng nghìn làng nghề với các mức độ phát triển khác nhau. Chỉ riêng tỉnh Hà Tây đã thống kê được 1.160 làng nghề. Năm 2005, giá trị sản xuất của các làng nghề tỉnh Hà Tây đạt 2.300 tỷ đồng, thu hút 22 nghìn lao động, chiếm 27,3% tổng số lao động toàn tỉnh. Thu nhập của lao động làng nghề bình quân đạt sáu triệu đồng/năm. Những xã có làng nghề phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh như xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) chỉ còn 0,9% hộ nghèo; xã Vạn Phúc (thị xã Hà Ðông) và xã La Phù (huyện Hoài Ðức) cũng chỉ còn 1% hộ nghèo.
Có thể thấy, phát triển làng nghề là một hướng quan trọng giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn và nâng cao thu nhập cho nông dân. Nông dân tham gia sản xuất tại các làng nghề, thường ở các vùng chung quanh nên không bị tách ra khỏi không gian sống quen thuộc, giảm bớt lượng người kéo về các đô thị lớn. Tất cả các tỉnh vùng ÐBSH đều có chính sách phát triển các làng nghề truyền thống, đồng thời quy hoạch các khu, cụm thu hút các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, công nghiệp vừa và nhỏ. Ðây là bước chuyển thích hợp từ nông nghiệp lên CNH, HÐH. Tuy nhiên, phát triển các làng nghề và các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ cũng đang gặp những thách thức về ô nhiễm môi trường, khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá thương hiệu...
Sản xuất nông nghiệp và những vướng mắc về đất đai
Sau giao đất ổn định, lâu dài cho các hộ nông dân theo Luật Ðất đai, trung bình mỗi hộ nông dân của ÐBSH có 18-20 mảnh ruộng. Sau nhiều lần vận động dồn điền, đổi thửa, số mảnh ruộng trên mỗi hộ đã rút dần xuống, trung bình 5-6 mảnh. Tuy nhiên ngay cả khi này, khả năng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất là rất hạn chế. Tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất theo mô hình trang trại là một hướng đúng đắn. Trước đây, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) có mảnh ruộng trũng chỉ cấy ăn chắc một vụ, đạt 13-14 triệu đồng/ha mỗi năm. Năm 2004, HTX Tứ Kỳ chuyển đổi diện tích này sang nuôi trồng thủy sản, đạt sản lượng 12,6 tấn/ha. Với giá thu mua trung bình 15-16 nghìn đồng/kg, thu nhập trên mỗi ha ruộng trũng chuyển đổi đạt xấp xỉ 200 triệu đồng/năm. Có những hộ kết hợp nuôi cá với chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, đạt thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Từ những mô hình thành công đơn lẻ, được sự ủng hộ của tỉnh Hải Dương, huyện Ninh Giang đã mở ra dự án nuôi trồng thủy sản và trồng cây có giá trị kinh tế cao vùng bắc sông Cửu An, sông Ninh Giang. Từ năm 2004, huyện đầu tư hơn năm tỷ đồng cho việc chuyển đổi 124 ha ruộng trũng thuộc ba xã Hoàng Thanh, Vạn Phúc, An Ðức thành vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trồng cây giá trị kinh tế cao. Huyện chịu trách nhiệm xây dựng đường giao thông nội bộ, kênh chính lấy nước từ hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, kênh nhánh và cống qua đê cùng các công trình trên kênh. Dân đầu tư đào ao, lập vườn, đường lấy nước từ kênh vào ao, với kinh phí hơn chín tỷ đồng. Ðây là chương trình chuyển đổi kết hợp dồn điền đổi thửa, nên diện tích ao tối thiểu cũng đạt 2.000 m2. Ðã có 295 hộ dân đăng ký tham gia dự án. Gia đình anh Triệu Quang Bi ở xóm 3 (xã An Ðức) đầu tư gần 400 triệu đồng làm trang trại nuôi cá kết hợp nuôi lợn trên diện tích 9.000 m2. Năm 2005, gia đình anh thu 12 tấn cá và xuất chuồng 45 tấn lợn, thu lãi 200 triệu đồng. Tới đây, huyện Ninh Giang sẽ chuyển đổi thêm 400 ha ruộng trũng theo mô hình nuôi trồng hiệu quả cao này. Hiện nay, các tỉnh ÐBSH có 10.640 trang trại, hầu hết đạt hiệu quả cao trên đơn vị diện tích. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, các chủ trang trại đều cho rằng, họ có thể đầu tư lớn hơn, quy mô hơn, đạt lợi nhuận cao hơn nhưng tất cả đều e ngại, vì thời điểm giao đất ổn định, lâu dài là năm 1993 thì đến 2010 là hết thời hạn, liệu có rũ ra chia lại ruộng đất không? Cho nên, việc đầu tư vào đất đai và chuyển nhượng đang diễn ra cầm chừng.
Một vấn đề đáng quan tâm khác được nhiều lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ÐBSH thống nhất cho rằng: Nhà nước chưa có chính sách thỏa đáng đối với việc phát triển kinh tế trang trại. Một nhà đầu tư công nghiệp được nhiều ưu đãi, như điện, nước, đường tận chân hàng rào; đất đai được đền bù, giao lại mặt bằng cho nhà sản xuất. Trong khi đó, một chủ trang trại cũng đầu tư vài ba tỷ đồng thì đất phải tự lo đàm phán, thỏa thuận đền bù; điện, nước, đường cũng tự lo. Và đặc biệt, quy định không được xây nhà kiên cố trong diện tích làm trang trại đã làm những nhà đầu tư nông nghiệp cùng những người làm thuê dù có tiền tỷ vẫn phải sống trong cảnh lều, lán tạm bợ.
Cũng như con đường tìm ra "Khoán 10", nông dân cả nước, trong đó có nông dân ÐBSH đang mày mò mở đường bứt phá, tìm lời giải cho việc phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.
(Còn nữa)