Sự kiện được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các đại biểu đến từ các bộ, cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế đang nỗ lực thma gia bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã tại Việt Nam.
Trong 5 năm qua (2016-2021), dự án USAID Saving Species đã hỗ trợ hiệu quả Chính phủ Việt Nam về cải thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ các loài hoang dã, tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về các loài hoang dã và giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã.
Dự án USAID Saving Species đã hỗ trợ xây dựng, sửa đổi và triển khai 4 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về việc quản lý và bảo vệ các loài hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, góp phần giải quyết những khoảng trống và những điểm chồng chéo trong các văn bản luật trước đó.
Dự án cũng tập huấn cho hơn 2.600 cán bộ thuộc các ngành kiểm lâm, hải quan, cảnh sát môi trường, quản lý các chợ bán hàng tươi sống, bộ đội biên phòng, tòa án, kiểm sát về các kỹ năng và kiến thức liên quan tới xử lý các loại tội phạm về bảo vệ các loài hoang dã. So với số liệu ở giai đoạn bắt đầu dự án, tỷ lệ truy tố, xét xử trên số vụ bắt giữ các vụ việc vi phạm về bảo vệ các loài hoang dã đã tăng từ 25% năm 2018 lên 75% năm 2021.
Bên cạnh đó, dự án USAID Saving Species phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đã triển khai 3 chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi trên quy mô lớn nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ các loài hoang dã với đối tượng mục tiêu là những người sử dụng sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác và tê tê, đồng thời khuyến khích các thầy thuốc đông y giảm việc sử dụng các vị thuốc từ động, thực vật hoang dã trong trị bệnh bằng y học cổ truyền.
Các chiến dịch này đã chuyển tải các thông điệp về bảo vệ các loài hoang dã và giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm từ các loài hoang dã tới hàng chục triệu người và thu hút hàng triệu lượt tương tác trực tuyến với kết quả đạt được đáng kể.
Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng gần đây cho thấy những người nhận được thông điệp truyền thông của dự án có xu hướng giảm nhu cầu mua các sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác và tê tê so với trước khi triển khai các chiến dịch.
Trong nhóm đối tượng tham gia khảo sát có thu nhập cao, tỷ lệ người mua ngà voi giảm từ 16% năm 2018 xuống còn 9% năm 2021; số lượng người mua sừng tê giác và các sản phẩm từ tê tê đã giảm từ 8% năm 2018 xuống còn 6% năm 2021.
Dự án USAID Saving Species được thực hiện với sự phối hợp hiệu quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Thông qua các dự án tiếp theo, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ bảo vệ hiệu quả hơn nữa động, thực vật hoang dã và tăng cường sự hợp tác của hai quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm về động, thực vật hoang dã.