Ðẩy nhanh tiến độ điều tra nguồn nước dưới đất

Hiện, nước ta mới chỉ hoàn thành điều tra đánh giá tài nguyên nước (TNN) dưới đất ở mức độ sơ bộ trên phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, công tác điều tra, đánh giá chi tiết nước dưới đất còn rất hạn chế. Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã yêu cầu điều tra cơ bản TNN phải gắn liền với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất.

Kiểm tra lỗ khoan thuộc dự án "Ðiều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước" do Trung tâm Dữ liệu quy hoạch và điều tra tài nguyên nước thực hiện. Ảnh: Hoàng Thùy
Kiểm tra lỗ khoan thuộc dự án "Ðiều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước" do Trung tâm Dữ liệu quy hoạch và điều tra tài nguyên nước thực hiện. Ảnh: Hoàng Thùy

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho biết, TNN của Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia như: Hơn 60% nguồn nước mặt sản sinh từ nước ngoài, phân bố không đều theo không gian và thời gian; tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đang ngày gia tăng do việc bị khai thác quá mức. Mặt khác, việc khai thác quá mức nguồn nước dưới đất đang làm cho mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và chưa có dấu hiệu hồi phục ở một số nơi; đồng thời các vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến TNN ở nước ta.

Thời gian qua, Bộ TN và MT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó tập trung lập quy hoạch TNN quốc gia; quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông; điều tra tìm kiếm nguồn nước phục vụ dân sinh vùng hạn mặn, vùng cao, biên giới, hải đảo; nghiên cứu giải pháp trữ nước cho đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, hiện nước ta mới hoàn thành điều tra đánh giá TNN dưới đất ở mức độ sơ bộ trên phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, công tác điều tra, đánh giá chi tiết nước dưới đất còn rất hạn chế, tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 6,0%; tỷ lệ 1:50.000 thực hiện khoảng 5%. Ðiều tra, đánh giá chi tiết (tỷ lệ 1:25.000) gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt mới thực hiện được 5% cho một số vùng đô thị lớn, đảo, vùng núi cao, khan hiếm thiếu nước...

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 432/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tổng thể đã nêu quan điểm là các hoạt động điều tra cơ bản TNN phải gắn liền với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất, điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê TNN, quan trắc, giám sát TNN phục vụ khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên các lưu vực sông, các vùng kinh tế, nhất là phục vụ công tác quản lý nhà nước về TNN trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng... Quy hoạch tổng thể nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành việc thực hiện điều tra, đánh giá TNN dưới đất tỷ lệ 1:100.000 trên phạm vi toàn quốc; tỷ lệ 1:50.000 đạt khoảng 12% phạm vi toàn quốc; tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất liên tỉnh và nội tỉnh; hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc... Ðến năm 2050, thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản TNN được xử lý, lưu trữ trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung của quốc tế đáp ứng được yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ TN và MT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN và MT xây dựng và trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện điều tra cơ bản TNN của địa phương. Sở TN và MT chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra... Bộ TN và MT cũng phối hợp các bộ, ngành liên quan, địa phương tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện điều tra cơ bản TNN đối với các nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh, lưu vực sông liên tỉnh; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp, thiết bị, công nghệ, mô hình, công cụ phân tích, đánh giá hiện đại trong điều tra cơ bản, nhất là ưu tiên hợp tác quốc tế với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam...

THÁI SƠN