Cái chết được báo trước của sông thị Vải
Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 76 Km, tiếp giáp với các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh (đoạn sông chính dài khoảng 36 km). Sông Thị Vải là sông nước mặn, ngắn, khá rộng và sâu, có thể coi như là một vịnh hẹp ăn sâu trong đất liền chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều rõ rệt. Lưu vực sông Thị Vải là khu vực rất hấp dẫn các nhà đầu tư đo có vị trí thuận lợi, có hệ thống cảng nước sâu phát triển và là cửa ngõ giao thông thủy cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khả năng tự làm sạch của sông Thị Vải kém do nguồn nước ngọt bổ sung nhỏ và chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy bán nhật triều từ biển, các chất ô nhiễm có xu hướng tích đọng trong trầm tích đáy, luẩn quẩn trong khu vực.
Sông Thị Vải bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, kéo dài do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, mùi hôi và vi khuẩn. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải công nghiệp của Công ty Vedan với hơn 5.159 m3 nước thải/ngày, khoảng 44.800 m3 dịch thải sau lên men/tháng và nước thải của các KCN Nhơn Trạch 2 (khoảng 9.000 m3/ngày), Nhơn Trạch 1, Gò Dầu, Nhơn Trạch 3, Mỹ Xuân A, A2, Phú Mỹ 1... đang hoạt động trên lưu vực không được xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (QCVN) thải xuống. Ngoài ra, nước sông còn bị ảnh hưởng của các nguồn chất thải khác: sinh hoạt, nông nghiệp, vận tải thủy.
Ông Lâm Mậu Phủ, nhân viên Công ty Vedan đang mở
các van để xả nước thải qua hệ thống xả lén
(Ảnh do Cục Cảnh sát môi trường cung cấp).
Kết quả quan trắc qua các năm cho thấy mức độ ô nhiễm nước sông Thị Vải ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm do các chất hữu cơ. Đoạn sông bị ô nhiễm nặng nhất kéo dài 10 km từ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, ông đã từng đi thị sát trên sông Thị Vải năm lần. Nhiều năm trước, Bộ TNMT đã từng đưa ra dự báo, nếu không cẩn thận năm 2050, sông Thị Vải sẽ trở thành dòng sông chết. Nhưng với mức độ gây ô nhiễm hiện nay, cái chết được báo trước này còn có thể xảy ra sớm hơn. Trong suốt 76 km chiều dài của con sông, đã có 40 km ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2005, có khoảng 10 km sông chết, đến nay đã tăng lên 15 km. |
Vi phạm có hệ thống của Vedan
Công ty Vedan bắt đầu đi vào hoạt động năm 1993, trong các lĩnh vực sản xuất bột ngọt, tinh bột biến tính, nước đường, xút (NaOH), axit (HCl), Lysin, thức ăn chăn nuôi, phân bón, các sản phẩm công nghệ sinh học, phát điện, cảng... trên diện tích 120 của tỉnh Đồng Nai.
Năm 1994, ngay sau khi đi vào hoạt động chính thức, Công ty đã thải chất thải ô nhiễm môi trường sông Thị Vải làm thủy sản chết hàng loạt. Năm 2005, Vedan đã đồng ý đền bù với danh nghĩa hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh 15 tỷ đồng.
Tiếp theo đó, Vedan đã đề xuất được đổ chất thải sau lên men xuống biển, chất thải này có đặc tính tương tự với chất thải lỏng Vedan vẫn xả trộm hàng ngày như đoàn kiểm tra và Cục Cảnh sát môi trường phát hiện vừa qua. Việc làm này đã được các bộ, ngành, địa phương ngăn chặn kịp thời và cấm không được đổ xuống biển.
Năm 2005, Vedan cũng đã phải bị xử phạt hành chính 9 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra xác định Công ty đã vi phạm các hành vi thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ hai lần trở lên.
Năm 2006, sau khi phối hợp kiểm tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở và KCN trên lưu vực sông Thị Vải, Bộ TNMT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3533/BTNMT-BVMT ngày 21-8-2006 về việc tình hình bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất và khu công nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải.
Ngày 11-9-2006, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực sông Thị Vải trong đó đã yêu cầu các chủ đầu tư KCN và cơ sở sản xuất có nguồn nước thải ra sông Thị Vải phải: hoàn thành các công trình xử lý chất thải đạt TCVN; các KCN và cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải lớn trực tiếp ra sông Thị Vải phải lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng; các cơ sở và KCN vi phạm các quy đinh về bảo vệ môi trường phải khắc phục các hành vi vi phạm và hoàn thiện các hệ thông xử lý chất thải đạt TCVN trong năm 2006. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có liên quan thực hiện các giải pháp trước mắt và lâu dài bảo vệ môi trường sông Thị Vải.
Đối với Vedan, Công ty đã có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện có hiện tượng xả trực tiếp nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải tại cống xả khu vực cảng Vedan, hàm lượng các thông số ô nhiễm trong nước thải rất cao (COD (oxy hóa học) vượt đến 44,7 lần; BOD5 (chất hữu cơ) vượt đến 17 lần). Bộ TNMT đã chuyển hồ sơ và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu Công ty Vedan lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một sô thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sau xử lý, định kỳ ghi đo, báo cáo kết quả về Sở TNMT tỉnh Đồng Nai để theo dõi, giám sát.
Năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra năm 2006 đối với Công ty và cũng đã phát hiện một số vi phạm, đặc biệt Công ty Vedan chưa lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải.
Sử dụng nghiệp vụ điều tra mới phát hiện được
Đại tá Lương Minh Thảo.
Ngày 12-8-2008, Bộ TNMT có Công văn số 3023/BTNMT-BVMT gửi UBND các tỉnh trong lưu vực tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc trách nhiệm của địa phương, đồng thời thành lập hai Đoàn kiểm tra trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.
Trong quá trình khảo sát, Đoàn kiểm tra phát hiện có hiện tượng xả nước thải có màu nâu đỏ tại miệng xả khu vực hồ sinh học ra rạch Nước lớn. 17giờ30 ngày 6-9, Đoàn tiếp tục khảo sát tại khu vực cầu cảng Gò Dầu và cảng Vedan và phát hiện có nước thải từ miệng cống đôi chảy ra sông Thị Vải có màu trắng đục. Công ty Vedan đã thiết kế hệ thống bốn máy bơm (hai máy bơm nước sạch và hai máy bơm nước thải, được điều khiển theo ý của Công ty) và đường ống kỹ thuật để bơm trực tiếp nước thải tại bể thu gom nước thải trước xử lý và bùn thải thu hồi từ hệ thống xử lý nước thải Nhà máy tinh bột và Lysin ra hệ thống thu nước của bể chứa bùn rồi ra hệ thống mương thoát nước giải nhiệt, ra sông Thị Vải mà không qua hệ thống xử lý nước thải.
Đặc biệt nghiêm trọng, Công ty Vedan đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải lỏng của Nhà máy sản xuất Lysin, bột ngọt và PGA từ bể chứa bán âm dung tích 6000-7000 m3 và bồn chứa 15.000 m3 theo hệ thống đường ống (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên bề mặt đất) ra cầu cảng số 2, chảy vào hai trụ bơm được cắm sâu xuống sông Thị Vải khoảng 7-8 m và trên bề mặt cầu cảng có một miệng xả hở bằng thép đường kính 20 cm trực tiếp ra sông Thị Vải.
Việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải và nước thải nêu trên của Công ty Vedan là trái với quy trình kỹ thuật xử lý chất thải và không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Kể lại quá trình mật phục, điều tra, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường cho biết, trong một lần vào Công ty Vedan năm 2007, hệ thống xử lý nước thải của Công ty này như một “trận đồ bát quái” với hàng trăm nút, van, hàng chục bể chứa, bồn chứa mật rỉ để lẫn chất thải... Lúc đó, ông đã xác định đây là một thủ đoạn của Vedan trong việc xả nước thải. Theo ông, đây cũng là lý do khiến 14 năm qua, các cơ quan chức năng mặc dù nghi ngờ nhưng không phát hiện được hành vi xả nước thải của Vedan.
Vedan giao nhiệm vụ điều hành các van cho tám người thì chỉ có ba người Đài Loan là được phép trực tiếp điều hành, còn năm người Việt Nam không được trực tiếp làm những công việc đó.
Lúc đầu, khi công an yêu cầu mở hết các van xả chất thải thì Vedan lấy cớ mất điện. Phải dùng biện pháp nghiệp vụ, các công an mới yêu cầu được người vận hành chính là Lâm Mậu Phủ ra mở hết các van để kiểm tra.
Tại cơ quan công an, sau hơn 13 tiếng đồng hồ từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, Lâm Mậu Phủ mới chịu khai nhận việc Vedan thường xuyên xả chất thải gây hại môi trường và cho rằng Ban giám đốc có biết việc này.
Tính đến ngày 15-9, Đoàn kiểm tra đã có đủ căn cứ khoa học, thực tiễn và pháp luật khẳng định bước đầu khối lượng dịch thải sau lên men ra sông Thị Vải là 44.800 m3/tháng. Khối lượng này chưa bao gồm lượng thải chưa qua các hệ thống xử lý nước thải của Công ty (khoảng 5.159 m3/ngày) .
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, nếu tính toán một cách đầy đủ thiệt hại do Vedan gây ra là một bài toán khó, nhưng nếu dựa trên quy định của pháp luật, việc xả dịch thải lỏng của Công ty Vedan đã trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hàng chục tỷ đồng theo quy định tại Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13-6-2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Ngoài ra, dựa trên khối lượng dịch thải sau lên men ra sông Thị Vải là 44.800 m3/tháng theo giá thị trường chất thải như Vedan thải ra giá xử lý là 5 triệu đồng/m3, nhân lên sẽ thành một số tiền khổng lồ. Thêm nữa, chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải phải tốn khoản kinh phí hàng trục triệu đồng mỗi ngày. Việc tính toán kinh phí chi tiết, khách quan và khoa học sẽ được tính cụ thể sau khi có kết quả phân tích mẫu chất thải đã trưng cầu giám định. Một tập thể các nhà khoa học, kinh tế và môi trường sẽ làm việc này, Thứ trưởng cho biết. |