Ông Toàn nói: "Đại diện hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang thị trường Đài Loan vẫn đang ở bên ấy, tiếp tục kêu gọi, phối hợp truy gom, bỏ ra rất nhiều tiền, nhiều thời gian để đưa lao động bỏ trốn về nước sớm nhất có thể. Công việc này (không riêng thị trường Đài Loan) chẳng khác nào cảnh "thả gà ra đuổi", mệt mỏi mà không mang lại hiệu quả nào. Cũng vì lao động bỏ trốn mà tâm trạng doanh nghiệp luôn ở trong trạng thái không yên, chiến lược xuất khẩu lao động luôn tiềm ẩn rủi ro. Trong khi đó, vì lợi ích nhỏ mà người lao động đã quên những gì cam kết với doanh nghiệp, những gì đã được học mà rắp tâm bỏ ra ngoài làm việc, gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng và đã có lúc chúng ta đứng trên miệng vực đánh mất thị trường lao động. Đây là vấn đề cần phải có giải pháp mạnh trong năm tới, đưa chính sách xuất khẩu lao động của ta vững chắc hơn.
* Như vậy là các biện pháp khuyên răn, kêu gọi, giáo dục định hướng nhằm giảm thiểu tỷ lệ lao động bỏ trốn tại nước ngoài làm việc đã không mang lại hiệu quả đáng kể nào trong thời gian qua?
- Trước đây, khi lao động ra nước ngoài làm việc, doanh nghiệp phải mở lớp đào tạo (luật pháp nước sở tại, ngoại ngữ, định hướng...), trong đó chú tâm đào tạo định hướng; có nghĩa là khuyên răn người lao động không nên bỏ trốn (vì làm thế sẽ gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp và chiến lược xuất khẩu lao động nói chung). Thế nhưng, khuyên răn, giáo dục là thế, nhưng khi lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp thì doanh nghiệp và cơ quan quản lý lại chẳng có biện pháp nào ngoài việc đến nước sở tại mà nghe họ than phiền, rồi sau đó tìm cách đưa lao động bỏ trốn về nước, tránh để gây thêm rắc rối.
Còn người lao động (bỏ trốn bị đưa về nước) đã không bị xử hoặc chịu bất kỳ trách nhiệm nào về việc mình đã gây ra mà thậm chí còn đổ lỗi cho doanh nghiệp, tiếp tục gây ra các vụ kiện. Thực tế, gần đây tại Đài Loan đã chứng minh điều đó. Kêu gọi, vận động không xong, doanh nghiệp phải truy tìm, bắt, đưa về nước, thế nhưng khi về nước, lao động bỏ trốn - người gây ra nhiều thiệt hại về chính sách và kế hoạch làm ăn của doanh nghiệp lại vô can. Đã có nhiều cuộc họp giữa Bộ LĐTB-XH và doanh nghiệp, bàn các biện pháp chống trốn nhưng tất cả "sáng kiến" ấy cũng chỉ là giải pháp tình thế, "lửa cháy ở đâu chữa chỗ ấy"... Vì thế, cần phải có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề này, nó như là một đòi hỏi cấp bách, thiết thực.
* Những biện pháp mạnh ấy là gì vậy, thưa ông?
- Trong bối cảnh hiện nay, xét thấy cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh điều chỉnh đối tượng lao động xuất khẩu, nên Bộ LĐTB-XH đã tham mưu Chính phủ, kiến nghị bổ sung một số quy định điều chỉnh đối với đối tượng đi xuất khẩu lao động vào Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị định. Đề nghị này đã được Chính phủ chấp thuận.
Theo đó, ý kiến của một số Bộ liên quan tham gia soạn thảo nghị định (dự kiến sẽ được ban hành vào giữa năm 2005) cho rằng, lao động xuất khẩu vi phạm hợp đồng (bỏ trốn ra ngoài, gây hậu quả nghiêm trọng) sẽ bị trục xuất về nước. Sau khi bị trục xuất, về nước lao động bỏ trốn sẽ được đưa đến các trung tâm giáo dục "lao động cải tạo" từ 3 đến 6 tháng và không được nhận lại tiền đặt cọc, tiền ký quỹ bảo lãnh... Đặc biệt, sẽ không được xuất khẩu lao động trong 5 năm... Tuy đây mới chỉ ý kiến đề nghị từ một số Bộ liên quan và các chuyên gia xuất khẩu lao động và còn phải chỉnh sửa, nghiên cứu một cách cặn kẽ trước khi ban hành nhưng về cơ bản sẽ có biện pháp mạnh, nghiêm khắc để xử phạt lao động bỏ trốn.
* Và ông cho rằng đó là biện pháp đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu lao động?
- Như tôi được biết, một số nước đã có luật riêng cho lĩnh vực xuất khẩu lao động. Vi phạm hợp đồng khi ra nước ngoài làm việc, người lao động không những phải bị chịu trách nhiệm trực tiếp (phạt hành chính, phạt tù...) mà người bảo lãnh cũng liên đới chịu hậu quả. Thí dụ, khi người lao động đi ra nước ngoài phải có người nhà bảo lãnh (có thể là chính quyền địa phương, bố mẹ đẻ, anh chị hoặc người thân...) nếu bỏ trốn, gây ảnh hưởng đến thị trường thì cả người lao động và người bảo lãnh đều phải chịu hậu quả như đã nói trên. Có nghĩa là người lao động ra nước ngoài chỉ có con đường làm ăn chân chính giống như "chạy trời không thoát khỏi nắng"... Do vậy, lao động tại các nước này ra nước ngoài làm việc có tỷ lệ bỏ trốn là rất thấp.
* Cảm ơn ông!
Philippines, Trung Quốc: Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hiện Trung Quốc và Philippines - hai quốc gia có chiến lược xuất khẩu lao động rất bền vững, đã có luật riêng cho lĩnh vực này. Tại hai quốc gia này, nếu lao động phá vỡ hợp đồng ra làm việc bất hợp pháp ở nước sở tại, gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị trục xuất về nước và ngoài việc phải chịu thiệt hại kinh tế (do chính họ gây ra và bị xử phạt hành chính) thì mức xử phạt cao nhất đối với họ là phạt tù giam. Bên cạnh đó, người bảo lãnh cũng phải chịu hình phạt tương tự, tùy theo mức độ ảnh hưởng mà lao động bỏ trốn gây ra. Bởi thế, hiện nay tu nghiệp sinh và lao động của hai quốc gia này đang làm việc tại nước ngoài có tỷ lệ bỏ trốn luôn dưới 1%, thậm chí, có thị trường là 0%. Ngày 30-12-2004, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam - ông Vũ Lâm Thời cho biết, sắp tới, Hiệp hội sẽ tổ chức đoàn nghiên cứu, khảo sát tại Trung Quốc, Philippines, Thái-lan, Indonesia..., tham khảo kinh nghiệm của họ trong việc giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn; đặc biệt, sẽ chú tâm nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm các nước bạn về chế tài xử phạt như: mức cao nhất có thể xử phạt lao động bỏ trốn, quy trình đưa lao động bỏ trốn vào trung tâm giáo dục và thời gian giáo dục... Dự kiến, đầu năm 2005 sẽ soạn thảo nghị định. Nếu nghị định này thực thi có hiệu quả trên thực tế thì lấy đây làm nền tảng để soạn thảo Luật Xuất khẩu lao động trong năm 2005. |