ND - Ngày 15-11-2008, kỳ họp thứ tư, QH khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 25/2008/QH12 Về việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của HÐND và UBND các cấp và Nghị quyết số 26/2008/QH12 Về thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường. Ngày 22-11, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã ký chứng thực hai nghị quyết này. Nội dung như sau:
NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI
Về việc kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009
của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp
Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Sau khi xem xét Tờ trình số 173/TTr-CP ngày 3-11-2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp; Báo cáo thẩm tra số 563/BC-UBPL12 ngày 12-11-2008 của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Ðiều 1
Kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp cho đến Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp khóa sau vào năm 2011.
Ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa sau do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định và công bố.
Ðiều 2
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện nghị quyết này.
Ðiều 3
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Ðiều 4
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2009.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14-11-2008.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
(Ðã ký)
NGUYỄN PHÚ TRỌNG
NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI về thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường
Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Căn cứ Ðiều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Sau khi xem xét Tờ trình số 18/TTr-CP ngày 30-10-2008 của Chính phủ về Ðề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; Báo cáo thẩm tra số 544/BC-UBPL12 ngày 31-10-2008 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Ðiều 1
Thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương; danh sách cụ thể do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Ðiều 2
Thời gian thực hiện thí điểm bắt đầu từ ngày 25-4-2009 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. Tại những nơi thực hiện thí điểm, Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường kết thúc nhiệm kỳ 2004 - 2009 vào ngày 25-4-2009. Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2004-2009 tiếp tục hoạt động cho đến khi Ủy ban nhân dân mới được thành lập.
Ðiều 3
Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở các quy định của pháp luật, Nghị quyết này, các nội dung cơ bản của Ðề án và yêu cầu thí điểm ban hành nghị quyết:
1. Ðiều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện, quận nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
2. Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân;
3. Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Ðiều 4
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
b) Trình Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề chưa phù hợp hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm;
c) Sơ kết, tổng kết việc thí điểm, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ðoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Ðiều 5
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2009.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15-11-2008.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
(Ðã ký)
NGUYỄN PHÚ TRỌNG