Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 – 21-4-2015)

Về nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam

NDO -

NDĐT- Trong những ngày tháng 4 lịch sử, những người làm báo lại bồi hồi nhớ về nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam. Cách đây tròn 65 năm, vào ngày 21-4-1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội những người viết báo - nay là Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức được thành lập.

Các nhà báo thăm di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam.
Các nhà báo thăm di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam.

Vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, các cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu Quốc... đã đến ở và đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa. Khi đó đồng chí Xuân Thủy được bầu làm thường trực Mặt trận Liên Việt, kiêm Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc (nay là báo Đại Đoàn Kết). Ngày 21-4-1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam được tổ chức tại đây, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng, nhà báo Hoàng Tùng (Tập san nội bộ) và đồng chí Đỗ Đức Dục (báo Độc lập) làm Phó Hội trưởng, nhà báo Nguyễn Thành Lê (báo Cứu quốc) làm Tổng thư ký, các đồng chí Đỗ Trọng Giang (báo Lao động), Như Quỳnh (báo Phụ nữ), Quang Đạm (báo Sự thật), Trần Lâm (Đài tiếng nói Việt Nam) và Hoàng Tuấn (Việt Nam Thông tấn xã)... được bầu làm ủy viên.

Trong thảo luận tại Đại hội, nhiều đại biểu thấy rằng tên cũ "Đoàn báo chí kháng chiến" không thể hiện được đầy đủ tính đoàn kết rộng rãi của giới báo chí nước ta (khi đó hoạt động ở cả vùng tự do lẫn vùng địch tạm chiếm), hơn nữa Hội còn có nhiệm vụ lâu dài trong kiến thiết đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi, do vậy Đại hội đã nhất trí lấy tên hội là "Hội những người viết báo Việt Nam". Điều lệ được Đại hội thông qua, nêu rõ mục đích là góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp của mình, bênh vực quyền lợi và nâng cao địa vị của những người viết báo... Ngày 2-6-1950, Bộ Nội vụ Chính phủ nước ta chính thức công nhận sự hợp pháp của Hội những người viết báo Việt Nam và Hội cũng được công nhận là thành viên chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng. Sau này, Hội những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, nhà báo Nguyễn Thanh Chi, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái tự hào: Là một nhà báo tôi đã được đến thăm nơi thành lập Hội nhà báo Việt Nam ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Được chứng kiến và tìm hiểu quá trình hoạt động của những người viết báo ngay từ những ngày đầu thành lập, tôi thực sự cảm phục tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường của những nhà báo, những người chiến sỹ năm xưa đã vượt qua bom đạn, bất chấp nguy hiểm để có được những tư liệu quý giá của ngày hôm nay. Với tư cách là một hội viên Hội nhà báo tôi mong muốn, cùng với các đồng nghiệp các hội viên xây dựng Hội nhà báo Yên Bái ngày càng phát triển vững mạnh. Và tôi cũng mong muốn Hội sẽ là nơi chúng tôi tin tưởng gắn bó và cùng nhau trao đổi nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn để từ đó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Lớn mạnh cùng kháng chiến, trưởng thành cùng Đảng và nhân dân, trải qua từng giai đoạn lịch sử, báo chí Việt Nam luôn phát triển cả về tổ chức, về những hoạt động và đóng góp. Đến nay, với hơn 22 nghìn hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh và tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Tự hào là nơi thành lập của tổ chức Hội, hơn 250 hội viên của Hội Nhà báo Thái Nguyên thuộc năm liên chi hội, chi hội và hai câu lạc bộ báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực để phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, cho ra đời những tác phẩm báo chí chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thông tin và định hướng dư luận báo chí chính thống.

Cùng với xu thế phát triển của đất nước, mảnh đất Điềm Mặc hôm nay đang thay da đổi thịt trở thành một vùng quê miền núi giàu đẹp. Con đường nhựa phẳng lỳ chạy từ trung tâm huyện đến tận trụ sở UBND xã như càng khẳng định thêm điều đó. Những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi thay thế dần những nếp nhà lá. Đồng chí Ma Duy Vụ - Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc nói: Vài năm trở lại đây, diện mạo nông thôn của xã đã có sự đổi thay khá rõ nét, chất lượng cuộc sống của người dân cũng từng bước được nâng lên thông qua những con số biết nói như: Mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 8 triệu đồng (năm 2010) lên 12,4 triệu đồng (năm 2014). Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 34% (năm 2011) xuống còn 26% (2015). Trường học, Trạm Y tế đã được xây dựng khang trang, 99% số hộ dân đã được sử dụng nguồn điện lưới Quốc gia, 85% số hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Và đặc biệt, sau ba năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã xây dựng thêm được hơn 6 km đường bê-tông liên thôn... Trong hướng đi tiếp theo, Điềm Mặc sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp dịch vụ, phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.

Đồng chí Ma Duy Vụ cho biết thêm: Điềm Mặc rất vinh dự và tự hào được Đảng và Nhà nước chọn làm điểm di tích lịch sử nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Điềm Mặc hôm nay quyết tâm chung sức, chung lòng tô thắm hơn truyền thống lịch sử của mảnh đất anh hùng, xứng danh quê hương “Thủ đô gió ngàn".