Về Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi ngừng bắn ở Li-băng

Ngày 12-8 vừa qua, Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ thông qua Nghị quyết số 1701 với 15/0 số phiếu, gồm 19 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở miền nam Li-băng.

Ngày 14-8, Chính phủ Li-băng, lực lượng Hezbollah và Chính phủ Israel chấp nhận Nghị quyết 1701 của HÐBA LHQ. 4 giờ GMT (12 giờ Việt Nam) cùng ngày Nghị quyết 1701 có hiệu lực.

Những điểm chính của Nghị quyết 1701

HÐBA LHQ xác định, tình hình ở Li-băng tạo nên mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế:

- Kêu gọi "ngừng hoàn toàn các hành động thù địch". Lực lượng Hezbollah phải ngừng ngay các cuộc tiến công và Israel phải ngừng ngay "mọi cuộc tiến công quân sự".

- Triển khai thêm 15.000 quân hỗ trợ Lực lượng tạm thời của LHQ tại Li-băng (UNIFIL) để giám sát ngừng bắn, được quyền "tiến hành mọi hành động cần thiết" để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

- UNIFIL có thể "tiến hành mọi hành động cần thiết trong những vùng triển khai lực lượng của mình để bảo đảm rằng, các khu vực hoạt động của mình không được sử dụng cho bất cứ hoạt động thù địch nào".

- Chính phủ Li-băng phải triển khai quân đội ở miền nam, hiện do lực lượng Hezbollah kiểm soát, và ngăn ngừa mọi nguồn cung cấp vũ khí cho Hezbollah.

- Israel phải rút hết lực lượng của mình khỏi miền nam Li-băng khi chiến sự chấm dứt cùng với việc triển khai quân đội Li-băng và LHQ.

- Các nước phải ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí hoặc thiết bị quân sự cho "bất cứ thực thể hoặc cá nhân nào" ở Li-băng, trừ quân đội Li-băng và quân LHQ.

- Kêu gọi thả không điều kiện hai binh sĩ Israel bị Hezbollah bắt cóc; khuyến khích giải quyết vấn đề tù nhân Li-băng bị giam giữ ở Israel.

- Tổng Thư ký LHQ K.Annan trong thời gian 30 ngày phải đưa ra đề xuất giải giáp lực lượng Hezbollah và hoạch định các đường biên giới, kể cả khu vực Trang trại Shebaa đang tranh chấp ở biên giới Israel - Syria - Li-băng.

- Kêu gọi Israel và Li-băng ủng hộ  một lệnh ngừng bắn lâu dài dựa trên những nguyên tắc và thành phần sau: Cả hai bên hoàn toàn tôn trọng Tuyến Xanh (biên giới Israel và Li-băng); những dàn xếp về an ninh nhằm ngăn chặn tái phát các hoạt động thù địch; thực hiện đầy đủ các điều khoản liên quan của  Hiệp định Taif, các nghị quyết 1559 (năm 2004) và 1680 (2006), theo đó yêu cầu giải giáp tất cả các nhóm vũ trang ở Li-băng.

- Quyết định gia hạn quyền của UNIFIL đến ngày 31-8-2007.

- Nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Trung Ðông dựa trên các nghị quyết liên quan kể cả các nghị quyết 242 (22-11-1967) và 338 (22-10-1973).

Những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện Nghị quyết 1701

Sau khi HÐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1701 dư luận thế giới nhìn chung hoan nghênh nghị quyết này nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hezbollah kéo dài hơn một tháng. Tuy nhiên dư luận thế giới cũng đưa ra nhiều vấn đề chung quanh việc thực hiện Nghị quyết 1701 này. Ðó là:

Liệu sự ngừng bắn có được duy trì? Cả Israel và lực lượng Hezbollah đều im tiếng súng vào đúng lúc Nghị quyết 1701 có hiệu lực mặc dù các cuộc đấu súng vẫn diễn ra vào phút chót. Ðiều đó không có nghĩa là lệnh ngừng bắn chắc chắn được duy trì.

Israel cho biết, nước này sẽ không rút quân hoàn toàn khỏi miền nam Li-băng cho đến khi một lực lượng quốc tế được triển khai tại đây và sẽ đối phó bất kỳ cuộc tiến công nào của Hezbollah. Trong khi đó, Hezbollah bảo lưu quyền chống lại quân đội Israel khi họ vẫn ở lại Li-băng. Dư luận cho rằng, chỉ cần một sự cố nhỏ cũng có thể bùng nổ một cuộc đấu súng lớn.

- Quân đội mới của LHQ được triển khai sớm như thế nào? Các nhà ngoại giao cho biết phải mất ít nhất một tuần quân đội LHQ và binh sĩ Li-băng mới bắt đầu được triển khai ở miền nam Li-băng. Lúc đó lực lượng Israel bắt đầu rút khỏi khu vực mà họ từng trao trả cho Li-băng năm 2000  sau 22 năm chiếm đóng. Có nhiều khả năng Pháp đứng đầu lực lượng LHQ. Các nước khác sẽ đóng góp lực lượng gần 15.000 quân này, trong đó có Italy, Indonesia và Tây Ban Nha.

- Ai là người "chiến thắng" trong cuộc xung đột vũ trang này? Theo các nhà phân tích, cả hai bên đều cho rằng mình là người "chiến thắng". Ðối với lực lượng Hezbollah, họ vẫn giữ hai binh sĩ Israel mà họ bắt cóc ngày 12-7, một cái cớ làm bùng nổ chiến sự. Họ vẫn "sống sót" được qua cuộc tiến công dữ dội của một trong những quân đội mạnh nhất thế giới. Và họ đã đưa được vấn đề Trang trại Shebaa đang tranh cãi vào chương trình nghị sự.

Ðối với Israel, theo Nghị quyết 1701, Israel có thể đạt được mục tiêu đẩy lực lượng Hezbollah ra khỏi vùng biên giới và được thay thế bằng quân đội Li-băng và LHQ. Nghị quyết cũng gây khó khăn hơn đối với Hezbollah trong việc nhận nguồn cung cấp rocket mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 1701 kêu gọi thực hiện một nghị quyết của LHQ theo đó giải giáp Hezbollah nhưng lại không nói rõ khi nào.

Người dân thường Li-băng và Israel là những người thiệt hại lớn: 1.110 người Li-băng và 157 người Israel thiệt mạng.

Tác động của cuộc xung đột vũ trang như thế nào?

Ðối với chính trường Israel, một số người đối lập thuộc cánh hữu ở Israel kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử mới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số người Israel ủng hộ Thủ tướng E.Olmert đang giảm sút.

- Ðối với lực lượng Hezbollah, với việc tán thành triển khai quân đội Li-băng được lực lượng LHQ tăng cường ở miền nam sông Litani, lực lượng Hezbollah đã nhượng bộ điều mà họ từng chống lại từ khi quân đội Israel rút khỏi miền nam Li-băng năm 2000. Các cuộc ném bom của Israel có thể làm giảm khả năng quân sự của Hezbollah và việc triển khai quân đội LHQ - Li-băng ở miền nam có thể hạn chế những sự lựa chọn của Hezbollah. Tuy nhiên, nhóm vũ trang này vẫn là một lực lượng có uy lực lâu dài vì vẫn còn cầm vũ khí.

- Ðối với Li-băng, theo các nhà phân tích Chính phủ Li-băng sẽ mạnh hơn nếu Nghị quyết 1701 được thực thi một cách nhanh chóng và suôn sẻ. Việc mở rộng quyền hành của Chính quyền Li-băng ở miền  nam làm tăng sức mạnh cho chính quyền nhưng cũng sẽ làm tăng sự mong đợi viện trợ cho những người dân mất nhà ở mong muốn tái thiết cuộc sống bị tàn phá nặng nề của họ. Tuy nhiên những lời tố cáo lẫn nhau thời hậu chiến có thể làm tăng căng thẳng về chính trị và tôn giáo sẽ đe dọa chính phủ và sự cân bằng mong manh ở Li-băng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và người Hồi giáo dòng Shiite, người Cơ đốc giáo và người Ðru-dơ.

- Liệu Israel và lực lượng Hezbollah lại xung đột vũ trang? Theo các nhà phân tích, người Israel cho rằng xung đột vũ trang tái bùng nổ nếu Hezbollah vẫn cầm vũ khí dù lực lượng LHQ có ở lại hay không. Israel bảo lưu  quyền tái xâm lược Li-băng nếu lực lượng LHQ hoạt động không hiệu quả. Nếu lực lượng Israel rút hoàn toàn khỏi miền nam Li-băng, kể cả Trang trại Shebaa, chấm dứt việc vi phạm không phận Li-băng và thả tất cả tù nhân Li-băng sẽ là khó khăn về mặt chính trị đối với Hezbollah mở lại các cuộc tiến công. 

Các tin, bài liên quan:

Những thiệt hại của cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Hezbollah (18-8)

Các nước cam kết góp quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Li-băng (18-8)

Quân đội Li-băng đến tiếp quản miền nam (17-8)

LHQ thảo luận về việc đưa quân tới Li-băng (16-8)

Israel sẽ tiếp tục truy kích các lãnh đạo của Hezbollah (15-8)

Li-băng: Ngừng bắn, hàng nghìn người sơ tán trở về  (14-8)

Nội các Israel ủng hộ ngừng bắn (13-8)

Bất chấp nghị quyết LHQ, quân đội Israel tiến sâu vào lãnh thổ Li-băng (12-8)

LHQ thông qua nghị quyết về ngừng bắn tại Li-băng (12-8)

Lại một ngày đẫm máu ở Li-băng (5-8)

Các kịch bản của cuộc xung đột mới ở Trung Đông (4-8)

Quân đội Israel được lệnh chuẩn bị chiếm đóng miền nam Li-băng (4-8)

Tổ chức Hội nghị Hồi giáo họp khẩn cấp về xung đột ở Li-băng (4-8)

Thủ tướng Li-băng F. Siniora: 900 dân thường bị thiệt mạng (3-6)

Hezbollah bắn hơn 230 quả rốc-két sang Israel (3-8)

Nội các Israel thông qua nghị quyết mở rộng chiến dịch quân sự ở Li-băng (1-8)

Israel tạm ngưng các cuộc không kích Li-băng trong 48 giờ (31-7)

54 dân thường Li-băng thiệt mạng vì bom Israel (30-7)

Mỹ: Lực lượng đa quốc gia sẽ sớm triển khai ở Li-băng (29-7)

Các nước châu Âu tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng Li-băng (28-7)

Chiến sự tại Li-băng tiếp diễn, chín lính Israel thiệt mạng (27-7)

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ gặp thủ tướng Israel (25-7)

Israel chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình triển khai tại Li-băng  (24-7)

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ bất ngờ đến Li-băng (24-7)

Israel tiếp tục bắn phá Li-băng (23-7)

Liên hợp quốc kinh hoàng trước cảnh bị tàn phá ở Beirut  (23-7)

Quân đội Israel chuẩn bị tấn công quy mô lớn vào Li-băng (22-7)

Lính Israel giao tranh với Hezbollah bên trong biên giới Li-băng (21-7)

Lập trường của các bên trong cuộc xung đột mới ở Trung Đông (21-7)

Tổng Thư ký LHQ đề xuất kế hoạch giải quyết khủng hoảng Trung Đông (21-7)

Thế giới lo ngại về thảm họa nhân đạo tại Li-băng (20-7)

Việt Nam hết sức lo ngại trước bạo lực ngày càng gia tăng ở Trung Đông (19-7)

Máy bay Israel ném bom làm chết 49 người Li-băng (19-7)