Về mô hình trường trung học phổ thông phân ban

Phân ban như thế nào?

Hàng chục năm trước đây, ngành giáo dục và đào tạo từng xây dựng mô hình THPT chuyên ban với ba ban: ban A (khoa học tự nhiên), ban B (khoa học tự nhiên - kỹ thuật), ban C (khoa học xã hội).

Cơ sở lý luận của chủ trương xây dựng mô hình chuyên ban là nguyên tắc phân hóa trong dạy và học, chống sự cào bằng, góp phần tạo điều kiện hướng nghiệp và phân luồng, phù hợp năng lực, sở trường của học sinh. Ðây là một chủ trương tốt, đúng đắn.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, ban B không đủ điều kiện vật chất cần thiết để thực hiện nội dung thiết kế, đó là thầy, nghề và xưởng, tuy rất phù hợp với một số lớn học sinh không đủ cả khả năng học ban A, ban C. Ban B bị "teo" lại còn bởi không hấp dẫn học sinh, do triển vọng vào đại học không rõ.

Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, sau bảy năm triển khai thí điểm, mô hình THPT chuyên ban (cũ) phải khép lại. Mô hình THPT phân ban (mới) dựa trên sự điều chỉnh, sửa chữa mô hình THPT chuyên ban (cũ), với nguyên tắc phân hóa rộng hơn (chỉ còn ban A, ban C) các môn phân ban cũng nhiều hơn:  ban A: Toán - lý - hóa và thêm môn sinh học; ban C vẫn như cũ: Văn - sử - địa.

Bổ sung cho việc phân ban mới không có ban B, ngành chủ trương xây dựng mô hình trường THPT kỹ thuật. Mô hình phân ban mới, xây dựng dựa trên cơ sở chương trình hiện hành, chương trình thí điểm THPT chuyên ban trước đây xuất phát từ mục tiêu đào tạo mà xác định chương trình chuẩn. Các môn học phân ban (Toán, lý, hóa, sinh - ban A; văn, sử, địa - ban C) thiết kế rộng hơn, sâu hơn, "nhô" lên 20% so với chương trình chuẩn. Ðáng chú ý mô hình THPT phân ban mới có gắn với tài liệu tự chọn. Ðây là một đặc điểm riêng của mô hình phân ban lần này.

Việc triển khai thí điểm phân ban mới vẫn tiếp tục dựa trên các trường (44 trường) thuộc 11 tỉnh, thành phố đã thí điểm chuyên ban (cũ), tức là vẫn lựa chọn những trường vào loại khá nhất, nhì hoặc đầu bảng của địa phương, với lý do "nếu có thất bại cũng không thiệt thòi lắm cho học sinh, vì chủ yếu vẫn là học sinh khá, giỏi". Ngoài một số tỉnh chủ trương để học sinh tự nguyện lựa chọn các ban (không ép buộc), không tuyên truyền vận động, còn phần lớn vẫn phải hướng học sinh, gợi ý và vận động các em vào ban C.

Chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn

Vì sao dư luận xã hội từ trong ngành, những người am hiểu quan tâm giáo dục lại hoài nghi, lo lắng và phân tâm đến vậy về mô hình THPT phân ban mới?

Phải nói rằng, nếu so sánh mô hình THPT phân ban (mới) với mô hình THPT chuyên ban (cũ) đã phải khép lại sau bảy năm thí điểm, mô hình THPT phân ban (mới)  này còn lạc hậu hơn, về thiết kế và thiếu cơ sở khoa học cũng như tính thực tiễn.

Lạc hậu, tệ hại hơn về thiết kế ở chỗ, phải chăng khi chia ra hai ban A, ban C, với lý do "phân hóa rộng hơn", ngành giáo dục và đào tạo nhằm làm "yên lòng" dân, các bậc cha mẹ học sinh, rằng đây là bước đệm để tiếp cận đại học? Chủ trương mô hình THPT phân ban (mới) có thể làm "nhẹ việc" cho ngành giáo dục và đào tạo rất nhiều, nhưng lại rất thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn.

- Thứ nhất, cơ sở khoa học nào, để ngành thiết kế chương trình ban A, ban C một cách chủ  quan, với những môn phân ban, "nhô" lên 20% so với chương trình THPT ngành biên soạn và được coi là chuẩn? Liệu chương trình đã đạt tiêu chí "chuẩn" chưa? Trong khi, ngay cả việc viết SGK đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay ngành vẫn tiếp tục quy trình "làm ngược", đó là xây dựng chương trình, nội dung SGK rồi mới xây dựng "chuẩn kiến thức".

- Thứ hai, cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn giáo dục nào, ngành giáo dục và đào tạo phân hóa một cách chủ quan khi chia làm hai ban: một ban gồm những học sinh có thiên hướng, xu hướng và sở thích học khoa học tự nhiên, ban kia, chỉ gồm những học sinh có thiên hướng, xu hướng, và sở thích học khoa học xã hội. Trong khi thực tiễn giáo dục của Việt Nam, và ngay cả bất kỳ đất nước nào trên thế giới cũng cho thấy, chỉ có khoảng một tỷ lệ - tạm lấy 20-30% số học sinh có thiên hướng, xu hướng và sở trường học khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Số còn lại 70-80% học "làng nhàng" không có thiên hướng, xu hướng hoặc sở thích nào một cách rõ rệt. Chính vì vậy, sự tính toán của học sinh vào ban A hay C thật vất vả.

-  Thứ ba, khi chủ trương thiết kế hai ban A và C, vô hình trung, ngành giáo dục và đào tạo xa rời, thậm chí đi ngược mục tiêu "dân trí, nhân lực, nhân tài", từ lúc còn là tạo nguồn. Một số giáo viên cho rằng: "phân ban" là "tạo nguồn" cho thi tuyển sinh đại học (!) Ðành rằng, để bổ sung cho việc không có ban B, ngành chủ trương xây dựng mô hình trường THPT kỹ thuật. Thế nhưng ngay ban B trước đây, có chương trình, có cơ sở vật chất (ngay tại trường THPT thường), mà thực chất việc dạy kỹ thuật và hướng nghiệp cũng chỉ có một số máy tính, vậy mô hình trường THPT kỹ thuật với mục tiêu đòi hỏi cơ sở vật chất, nhà xưởng, thầy thợ... mọi việc đều phải bắt đầu từ đầu, trong lúc kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo luôn hạn hẹp, liệu có trở    thành hiện thực?

Chính vì thiếu căn cứ khoa học ngay từ thiết kế (nhô lên 20%) ở những môn phân ban cho đến cách phân ban mà trong thực tế, chương trình, SGK mới THPT phân ban để lại rất nhiều hệ lụy:

Thứ nhất, phần lớn số tác giả viết sách, những chuyên gia, nhà sư phạm, nhà giáo giỏi... thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, nhưng ngay bản thân họ cũng không tin tưởng vào mô hình và thiết kế SGK theo tỷ lệ 20%.

Chính tỷ lệ nhô 20% đầy chủ quan ấy dẫn đến việc SGK  được viết có tính chất chuyển từ ban A sang ban C bằng cách "cắt bớt một số kiến thức cho phù hợp tỷ lệ  20%". Chưa kể tình trạng SGK vẫn được viết quá nặng, ở các trường thí điểm giáo viên kêu ca "kiến thức quá tải trong một tiết học và nhiều khái niệm mới thì không thể bỏ qua" (Văn, Sử, Ðịa, Sinh, Anh văn, Lý, Hóa), sách giáo viên một số bài còn sai sót về kiến thức cơ bản.

Mới đây, Viện nghiên cứu Sư phạm (Trường ÐHSP Hà Nội) làm một điều tra xã hội học đáng chú ý, ở 2.000 trường THPT, 18 trường sư phạm, khoa sư phạm và 10 hội chuyên ngành... Kết quả: viện thu về hơn mười nghìn phiếu thăm dò, 34% số phiếu trả lời có thể ban hành chương trình, SGK phân ban, nhưng hơn 64% số phiếu đề nghị phải điều chỉnh, sửa chữa nhiều mới có thể ban hành. Tương tự như vậy, hơn 100 nhà khoa học được hỏi ý kiến, khoảng hơn  39% trả lời có thể ban hành, còn lại gần 60% cho rằng phải sửa chữa, điều chỉnh.

Thứ hai, với học sinh: Ngoài việc vất vả vì phải tính toán nên vào ban nào cho hợp sở trường và nhằm mục đích thi đại học cho dù phổ biến số đông học sinh chẳng có thiên hướng, xu hướng hay sở trường rõ rệt, đành chọn lựa một cách cảm tính, thì việc phân ban, nhất là ban A, rất dễ khiến học sinh học lệch, do phải tập trung nhiều vào các môn phân ban:  toán - lý - hóa - sinh, nay lại  gắn với tài liệu tự chọn, khả năng sức lực, và tâm thế đối với các môn học khác, đương nhiên giảm đi...

Cũng từng có ý kiến bênh vực cách thiết kế phân ban cho rằng trong thực tế, khi ra đời có rất nhiều môn học chẳng dính dáng gì đến công việc cả. Tuy nhiên, xin nhớ rằng đây vẫn là cấp học phổ thông. Khái niệm giáo dục phổ thông (dành cho số đông - theo định nghĩa Từ điển tiếng Việt) còn có ý nghĩa xây dựng nền tảng về văn hóa tối thiểu của một con người, một đời người. Dạy chữ gắn với dạy người là thế.

Mặt khác, khi xây dựng mô hình THPT phân ban, một bộ phận của công cuộc đổi mới GDPT, ngành vẫn tiếp tục tình trạng đổi mới cục bộ, cấp học nào biết cấp học ấy, thiếu tính liên thông, liên hoàn, đồng bộ và chỉnh thể của một hệ thống.

Thứ ba, với giáo viên và quản lý giáo dục: Thực tiễn các trường thí điểm cho thấy phân ban mới làm cho việc xếp loại học sinh giỏi rất khó. Quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo ở tất cả 12 môn, học sinh phải đạt điểm tổng kết trung bình 8,0 điểm trở lên (không môn nào được dưới 6,5 điểm) mới đạt học sinh giỏi.

Với quy định đó, ngay học sinh ban A (số học khá) vốn ngại và không thể giỏi đồng đều tất cả các môn, như văn, sử, địa, thực chất rất khó đạt được danh hiệu học sinh giỏi.

Mặt khác, quản lý giáo dục các trường phân ban phải xây dựng kế hoạch dạy học, phân công giáo viên tỉ mỉ sao cho phù hợp thiết kế chương trình giữa ban A và ban C còn thiếu hợp lý như hiện nay (Ban A kỳ I: 27 tiết, kỳ II: 27 tiết; Ban C kỳ I: 29 tiết, kỳ II tụt xuống còn 25 tiết (đều chưa kể tự chọn).Với việc học sinh dồn vào ban A, dẫn đến hiện tượng giáo viên dạy ban C bị thừa ra, các trường không biết phải xử lý ra sao.

Mặt khác, trong tình hình chất lượng và đội ngũ giáo viên hiện nay, việc bồi dưỡng, tập huấn còn chưa có hiệu quả, giáo viên phải xử lý khi dạy một môn ở cả hai ban như thế nào trong khi mức độ kiến thức, mục tiêu hai ban khác nhau? Chưa kể việc thi cử theo mô hình phân ban, sẽ phải có rất nhiều đề thi do yêu cầu mức độ kiến thức, nhất là một số môn thi như toán, văn, ngoại ngữ, liệu có cần thiết phải rắc rối đến thế không với một cấp học phổ thông?

Thứ tư, mô hình phân ban với các trường khá, vùng đô thị lớn, trình độ dân trí cao, các điều kiện triển khai thuận lợi hơn mà còn bất cập, thiếu thốn nhất là thiết bị giáo dục, đồ dùng dạy học, tài chính, trường sở, phòng bộ môn. Việc thí điểm hiện nay (tập trung vào những trường) khá khó cho một kết quả về chất lượng   trung thực, nếu triển khai đại trà. Vậy đối với vùng khó khăn, vùng  sâu, vùng xa, việc triển khai đại trà sẽ ra sao? Hay những vùng này không phải đối tượng của mô hình THPT phân ban, không được tính đến?