Về Hồng Ngài

Hỏi chuyện về những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp năm xưa, đồng chí  Chủ tịch UBND xã Ðinh Thế Chương cho biết: Thời gian đã lâu, hiện chỉ còn cụ Giàng A Tu, người duy nhất còn lại trong đội du kích, tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp. Cụ nguyên là Bí thư Ðảng ủy xã ba khóa đầu, sau khi tách từ xã Phiêng Ban để thành lập xã Hồng Ngài năm 1979. Tôi đến nhà cụ Giàng A Tu ở bản Hồng Ngài khi trời đã xẩm tối. Cụ đã gần 100 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe, tóc bạc trắng. Cụ không thạo tiếng phổ thông, nên phải nhờ người giúp để có thể giao tiếp. Ðêm Hồng Ngài yên tĩnh, sương giăng trắng sườn đồi. Bên bếp lửa hồng, cụ Tu nhớ lại: Ðầu năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm Sơn La và thiết lập bộ máy cai trị đến tận các bản. Tại Bắc Yên, địch xây dựng hệ thống đồn bốt ở các địa bàn trọng yếu. Bấy giờ, khu vực Hồng Ngài, thuộc xã Phiêng Ban rơi vào tình thế bốn phía đều có đồn địch án ngữ. Mặc dù trong thế bị bao vây, lại thường xuyên bị địch càn quét, cướp phá, nhưng nhờ được giác ngộ, nhân dân các bản vẫn đoàn kết một lòng theo Ðảng, chuyển vào rừng làm lán trại, tích trữ lương thực, thực phẩm, chế tạo vũ khí, tiếp tế cho bộ đội đánh Pháp. Bất chấp sự lùng sục của địch, rồi sự theo dõi của bọn phìa, tạo, thống lý, Hồng Ngài đã thành lập đội du kích ở bản Ðung gồm 16 chiến sĩ. Tại các bản vùng cao, cũng thành lập các đội du kích...
Cụ Giàng A Tu kể tiếp: Thời gian này, ông Ðinh Văn Tôn (sau này tìm hiểu, ông chính là nguyên mẫu nhân vật A Châu trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài) là Bí thư Chi bộ 99, có nhiệm vụ vận động quần chúng đoàn kết, cùng đứng lên chống giặc Pháp. Năm 1954, ông Tôn là người giới thiệu kết nạp cụ Tu vào Ðảng. Cùng với cụ Tu còn có ông Sùng A Mua ở bản Suối Chặng, họ là những đảng viên đầu tiên của xã Hồng Ngài. Phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển mạnh, tạo ra tuyến giao thông bí mật, an toàn qua Hồng Ngài nối liền với căn cứ kháng chiến ở Phù Yên tới Tạ Khoa và Yên Châu. Tháng 9-1952, một đại đội chủ lực của tỉnh đã đóng quân tại Hồng Ngài gần nửa tháng trong sự đùm bọc của nhân dân. Tháng 10-1952, du kích Hồng Ngài đã cùng với quân và dân các dân tộc trong huyện tổ chức đánh địch trên toàn địa bàn, buộc chúng phải rút về Tạ Khoa cố thủ. Năm 1953, Bắc Yên được giải phóng. Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Hồng Ngài tiếp tục góp sức người, sức của vào kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bà con đã động viên hàng trăm con em lên đường vào nam chiến đấu, tham gia làm nghĩa vụ quốc tế. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, kỷ niệm mà cụ Tu nhớ nhất là, tháng 5-1961, cụ cùng dân quân Hồng Ngài và Phiêng Ban bắt gọn một toán biệt kích của Mỹ nhảy dù xuống điểm cao 828...
Sau mấy chục năm, Hồng Ngài đã thay da đổi thịt. Ðồng chí Ðinh Thế Chương kể rằng, những năm gần đây, ở Hồng Ngài cuộc sống của người dân đã khác trước, không còn hộ thiếu ăn, trẻ em được học hành, an ninh trật tự giữ vững... Hồng Ngài có 5.645 ha đất tự nhiên, 605 hộ, 3.716 nhân khẩu của năm dân tộc cùng sinh sống ở tám bản. Nhờ nguồn vốn Chương trình 135, xã đã xây dựng được 13 phòng học kiên cố; hai công trình Nhà văn hóa bản Ðung và bản Suối Háo. 125 hộ nghèo trong xã được hỗ trợ giống bò sinh sản; xã có bảy mô hình chăn nuôi gia cầm. Năm qua, bà con trong xã được Nhà nước hỗ trợ bốn tấn ngô giống, trị giá gần 300 triệu đồng, rồi giống cỏ mới để trồng hơn 50 ha phục vụ chăn nuôi,  người dân được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, 79 hộ nghèo trong xã xóa được nhà tạm. Ngoài ra, xã còn được bổ sung hơn 200 triệu đồng để hỗ trợ  bà con sản xuất.
Hồng Ngài hiện có 20 ha ruộng lúa hai vụ, 30 ha ruộng một vụ, gần 1.400 ha ngô, hơn 100 ha sắn. Bà con đã lựa chọn giống mới và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 4.650 tấn. Nhờ trồng cỏ mà toàn xã hiện nay có 1.191 con trâu, bò; 474 con ngựa; 2.026 con dê; 1.345 con lợn và 15 nghìn 624 con gia cầm. Ðến nay, xã có 70% số hộ được xem vô tuyến truyền hình, 4/8 số bản đã có công trình nước sinh hoạt tập trung, 26 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, huyện và 33 hộ đạt cấp xã. Tới thăm trang trại của gia đình ông Giàng A Dua, ông kể với tôi: Trước đây, cuộc sống vất vả lắm, một năm có đến vài tháng thiếu ăn. Năm 2006, được vay 2,5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông mua tám con dê. Sau một năm, trả hết nợ và được vay tiếp bảy triệu đồng, cộng với số tiền tích lũy từ nuôi dê, bán ngô, sắn, ông tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi và thâm canh ba ha ngô, sắn. Mỗi năm thu gần 80 triệu đồng.
Chia tay Hồng Ngài khi mặt trời đã lên cao, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Ðỗ Văn Tuyến tâm sự: "Hồng Ngài vẫn còn gian khó, nhất là giao thông. Trời nắng thì không sao, chứ mưa thì vất vả lắm. Bà con mong các cấp trợ giúp làm đường từ xã tới trung tâm huyện". Gian khó là vậy nhưng  tin rằng, với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và sự nỗ lực của người dân nơi đây, Hồng Ngài - quê hương của Vợ chồng A Phủ, sẽ ngày càng đổi mới và phát triển.