Về hiện tượng loạn chuẩn trong cách dùng tiếng Việt hiện nay

Thời gian qua, báo chí và dư luận xã hội bàn nhiều về hiện tượng loạn chuẩn trong việc nói và viết. Xin nêu thí dụ: các bạn trẻ, mà ở đô thị hay gọi là tuổi "tin" (teen, tiếng Anh, chỉ từ 11 đến 20 tuổi) đang có xu hướng dùng tiếng Việt theo cách giản tiện nhất như pha thêm tiếng Anh và bớt các thành tố như pùn (buồn), mún (muốn), lam wen all member (làm quen với mọi người)... Những xu hướng đó không phải là cách dùng chính thức và đến một lúc nào đó nhất định sẽ lắng lại, biến mất.

Còn trong giao tiếp ở gia đình, trường học, cách nói ngắn của trẻ đang có hướng trở nên cộc lốc. Cô giáo hỏi: Mẹ con đi công tác về chưa? Học sinh: Rồi! Ở nhà, bố giục con đi học, con bảo: Con biết rồi! Ngay cả lễ phép hơn, có chữ "ạ" đằng sau thì vẫn là cộc. Ngày xưa, người ta trả lời: "Thưa cô, mẹ con về rồi ạ, cảm ơn cô". Tiếng nói không chỉ là tiếng nói, mà còn là con người. Dạy nói, dạy viết tức là dạy làm người một cách trực tiếp. Cha ông ta nói "người thanh tiếng nói cũng thanh", chính là nói về sự thống nhất ấy. Tiếng nói chính là hình ảnh chân thực của con người.

Mỗi lần ra khỏi nhà, hẳn ai cũng soi gương để làm cho hình ảnh mình thêm đẹp. Vậy mà người ta cứ nói sai, viết sai lại không nghĩ mình đang làm hỏng tiếng Việt. Ngay giữa Bờ Hồ, cạnh đền Ngọc Sơn có biểu tượng trang sách mở nói về nghìn năm Thăng Long - Hà Nội là nghìn năm văn hóa mà viết thành Thăng long, Hà nội, không viết hoa đầy đủ. Thế mà cũng trưng cùng thập phương. Hoặc trường hợp tên báo Vietnamnet, cũng không viết hoa tên nước. Mọi người đều biết, ngay cả trong các văn bản quốc tế, cũng phải đấu tranh để tên người, tên đất Việt Nam được viết hoa có đầy đủ dấu.

Thế mới là độc lập, là tự hào dân tộc. Các biển hiệu bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc... đang lấn át các biển hiệu tiếng Việt ở khắp nơi. Tiếng Việt còn bị đẩy bật ra khỏi những cơ quan nhà nước, rõ nhất là ở các cơ quan báo chí. Có ai đặt câu hỏi vì sao lại đặt tên là VTC News, InfoTV không? Tiếng Việt có thiếu từ để "dịch" những từ ấy không? Phát thanh viên, người dẫn chương trình, phụ đề trên truyền hình thì nói sai, viết sai nhiều không kể xiết. Trên một tờ báo từng có bài: TP Hồ Chí Minh triệt phá một ổ Kiều nam. Chữ "Kiều nam" được tác giả dùng chỉ mại dâm nam. ?, thì ra tác giả ấy, báo ấy coi Kiều, một hình tượng đẹp đẽ, tài sắc, hiếu nghĩa vẹn toàn trong văn học là thế ư? Một tờ báo khác thường được bạn đọc đánh giá cao về tính chuẩn mực nhưng không ít lần viết "tham quan" thành ra "thăm quan".

Ta nói sai rất nhiều mà thường không để ý. Thí dụ, phần yếu kém thì cho là "tồn tại"; điểm yếu, thì nói thành "yếu điểm" . Không chỉ nói ngoài đời mà cả trong văn bản Nhà nước. "Tồn tại" là một khái niệm triết học chỉ sự có mặt của vật chất, của thực tại khách quan độc lập và quyết định ý thức, được phản ánh trong ý thức của con người; vì thế không thể nói "khắc phục tồn tại". Yếu điểm là điểm cốt yếu nhất, quan trọng nhất. Tục ngữ có câu: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ðó là những cái học thiết thực và cơ bản của con người. Ngày 17-8-1952, Bác Hồ nói với cán bộ báo chí, văn nghệ: "Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia". Ngày 16-4-1959, tại Ðại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ lại nghiêm khắc nhắc nhở: "Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Ðáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó". Thật đúng tình hình và mới nguyên giá trị, như là Bác nhắc nhở cho bây giờ.

Giữ gìn Tiếng Việt là giữ gìn văn hóa dân tộc. Mỗi khi nói, khi viết cần thường trực ý thức phải làm giàu đẹp tiếng mẹ đẻ của ta, không được làm cho nó hoen ố. Những cái sai có thể sửa được nhưng quan trọng nhất là ý thức. Chúng tôi xin nhắc lại câu nói của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng về nhiệm vụ Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt (năm 1966) để làm kết cho bài này: "Ở đây quan trọng nhất là nhận thức, là tình yêu, là lòng quý trọng và thái độ đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ và phát huy sự trong sáng của nó, không thể tùy tiện, càng không thể để mất gốc, để Tiếng Việt bị hoen ố, ô nhiễm".