“Đời buồn như chiếu xẩm”- người đời từng ví như thế. Cách diễn giản dị, lối hát nôm na của những người hành khất mù lòa, ngày xưa, người ta gọi đó là hát xẩm. Cuộc sống ngày một sáng tươi, những chiếu xẩm mất dần khi người mù được quan tâm và hòa nhập cộng đồng. Họ có nhiều nghề nghiệp khác thay cho tiếng hát giang hồ mưu sinh.
Chiều xẩm trong hồi ức...
Mỗi lần xem truyền hình có nghệ nhân Hà Thị Cầu xách cây đàn nhị lên sân khấu và khoan thai ngồi xếp bằng cất giọng hát “vang-rền- nền-nẩy” của bà trên chiếu xẩm là tôi lại như được trở về với không khí ngày xưa quê nhà. Ở một góc nào đó trong ký ức tuổi thiếu thời của tôi có hình bóng gia đình ông xẩm vẫn thường về hát bên cổng chợ đầu làng. Không biết quê quán nhà ông ở đâu và ông bao nhiêu tuổi, chỉ biết người ta vẫn thường gọi gia đình ông bằng cái tên chung là nhà xẩm Lộng. Tháng đôi ba bận, gánh xẩm gồm ông bố mù, bà mẹ nửa mù nửa sáng và hai đứa con một trai một gái ấy lại lếch thếch lôi nhau về chợ Mộc làng tôi đàn hát mưu sinh. Không biết là mê mẩn tự lúc nào cái ngón đàn ai oán và những câu hát nghe buồn não lòng ấy mà thường những lần nhà xẩm Lộng về làng y như rằng tôi lại trốn học lên chợ nghe hát.
Đến buổi chợ đông, ông Lộng mù mang cây đàn nhị bóng nước ra lên dây ò e í è. Thằng cu lớn đặt cái mõ tre và cái sanh tiền lên manh chiếu rách. Con bé em vừa quẹt mũi vừa cầm chiếc chậu thau sứt soạng kê trước mặt đám đông. Người đi chợ đã bắt đầu xúm đen xúm đỏ. Bà Lộng quệt cốt trầu trên miệng, chuẩn bị hát đế đôi câu và nhận thêm phần việc gom những đồng tiền lẻ đẫm mùi mồ hôi từ chiếc chậu thau sứt. Tiếng đàn nhị ỉ eo, tiếng sênh tiền xúc xắc, tiếng mõ tre lốc cốc. Dù lời ca không phải là buồn lắm, dù giọng hát lão Lộng nhừa nhựa âm sắc nhưng trong đó ẩn chứa tâm trạng thật não nề nên người nghe như muốn điếng hồn. Lão hát:
Con sông kia nước chảy đôi dòng
Đèn khêu đôi ngọn anh trông ngọn nào
Muốn tắm mát lên ngọn sông đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh…
Ông hát một lèo những bài xẩm chợ được lấy lời từ những bài thơ của cụ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Bính…Có ai đó nhờ ông hát bài “Thập ân phụ mẫu”, thế là ông xẩm Lộng lại so lại dây đàn và lên giọng liền ngay. Bài hát xẩm tôi nhớ nhất qua giọng hát của lão xẩm Lộng là bài “15 ngày phép” – một bài xẩm rất “thời sự” vào cái thời gần kết thúc chiến tranh chống Mỹ:
Vụ mùa gặt hái vừa xong
Nghe tin anh về phép trong lòng em sướng vui
mà trong lòng em sướng vui…
Bấy lâu anh công tác xa xôi
Nay anh được phép về chơi thăm nhà
Ngày thứ nhất anh thăm mẹ thăm cha
Hai thăm cô chú bác ba là anh thăm em
ba là anh thăm em…
Tiếng hát lẫn trong âm thanh bán mua, cãi cọ giữa buổi chợ quê cùng với tiếng rơi mỏng mảnh của những đồng chinh thả xuống chiếc chậu thau sứt mẻ. Làng quê nghèo khó và bình yên. Giọng xẩm chợ dù bao năm đi xa mà vẫn nao nao nhớ. Lớn lên, đi qua nhiều vùng quê, tôi lại gặp ở bến xe, ga tàu, nơi chờ phà qua sông hay những góc chợ phố chợ quê bao gánh xẩm khác mang hình bóng của thân phận nhà xẩm Lộng trong ký ức của một thời thơ ấu…
Ngày xưa, hát xẩm đồng nghĩa với những người khiếm thị lấy ngón đàn, tiếng hát làm nghề kiếm sống. Hát xẩm là tiếng hát của những nghệ nhân dân gian mù lòa cất lên, là cách họ tìm đến để giải tỏa nỗi lòng và chia sẻ niềm cảm thông với người thiên hạ. Nghe hát xẩm cũng là kiểu thưởng thức văn nghệ giản dị và tiện lợi của người bình dân lam lũ. Nghệ nhân Hà Thị Cầu - người có cuộc đời dài gần bảy mươi năm hát xẩm và đã được Nhà nước phong Nghệ sỹ Ưu tú đã nói rằng: “Xẩm là hát nơi đầu đường xó chợ”…
Điệu xẩm vang lên giữa phố cổ Hà Thành
Nhà thơ Chế Lan Viên trong một bài thơ nổi tiếng đã viết: “Câu hát xẩm xoan xưa vút ngã ba đường”. Trong không khí của câu thơ vừa chứa đựng nét hào hoa phong trần, vừa ẩn chứa bao nỗi niềm cay đắng của đời người hát xẩm. Nay, đời đã sáng tươi hơn. Người mù lòa đã có nhiều nơi, nhiều chốn, nhiều nghề nghiệp mưu sinh. Trên đầu đường xó chợ thưa thớt và mất dần điệu hát xẩm dân dã. Có lẽ ý thức về “một loại hình nghệ thuật dân gian sẽ bị quên lãng” nên ngành văn hóa thông tin Hà Nội đã khôi phục lại hát xẩm như “phục hồi trí nhớ” của mọi người về một thời chưa xa và cũng là một cách hấp dẫn du khách đến với chợ đêm phố cổ…
Trong không gian thâm trầm của phố đi bộ chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân, bất chợt từ sân khấu nhỏ đầu phố Hàng Đào tiếng phách giòn tan, tiếng đàn nhị ỷ eo, tiếng trống cơm cắc tùng vang lên với âm giai của điệu xẩm xưa cũ. Phố đêm như sáng lên một sắc thái khác.
Du khách được thưởng thức những điệu xẩm lời cổ đã có từ trăm năm trước. Người Hà Nội dừng chân trong xúc cảm hoài niệm về một thời mà đây đó lưu bóng những gánh hát xẩm giữa đất kẻ chợ hay chốn thôn quê. Những cô cậu thế hệ @ thì xúm lại bằng sự tò mò về một loại hình nghệ thuật dân gian mà họ gần như xa lạ. Sân khấu xẩm hút hồn thật sự bởi sự “lạ” của nó. Giữa Hà Thành hoa lệ, chợt bắt gặp nhóm nghệ sỹ Xuân Hoạch, Văn Ty, Mai Tuyết Hoa, Thanh Ngoan…với trang phục rất “xẩm”: trai mặc quần áo gụ, gái bận áo nâu yếm thắm, váy “bu gà” chân đất. Nét phong thái biểu diễn, cách đi đứng nói cười cũng hết sức tự nhiên, phóng khoáng, phù hợp với không gian “đầu đường xó chợ” và gần gũi với nhân gian. Trên chiếu xẩm “chuyên nghiệp” ấy, công chúng đã được trở về với những làn điệu như xẩm chợ, xẩm thập âm, xẩm tàu điện, xẩm ba bậc, xẩm sa mạc, xẩm xoan, xẩm huê tình…những làn điệu xẩm mà người dân Hà Nội tưởng như đã thất truyền. Những lời thơ dân gian vang lên trong bài xẩm chợ “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”, hay điệu xẩm tàu điện “Hà Nội ba sáu phố phường” đã đưa người nghe trở về với cuộc sống Hà Thành những năm đầu thế kỷ trước:
Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức nấy xa gần chen mua…
Nghệ sỹ Xuân Hoạch đã lột tả được sự ai oán tột bậc của những người dân nước Việt phải đi phu, đi lính cho thực dân Pháp trong xẩm “Anh khóa” và xẩm “Ba Bạc”. Nghệ sỹ Đoàn Thanh Bình thì từ tốn mà ám ảnh trong xẩm “Huê tình”. Văn Ty sôi động trong xẩm “Mục hạ vô nhân”. Thật ngỡ ngàng và ngập tràn cảm xúc khi nghe cô xẩm trẻ Mai Tuyết Hoa thả hồn trong điệu xẩm tàu điện “Giăng sáng vườn chè” hay “Lỡ bước sang ngang” lấy lời từ thơ Nguyễn Bính. Và Thanh Ngoan, tôi đặc biệt ấn tượng với nữ nghệ sỹ chèo nổi tiếng này trên sân khấu hát xẩm Hàng Đào. Thanh Ngoan đã nhập thần vào xẩm, buồn nhưng không quá lụy, tưng tưng mà đau đớn, trong veo mà tuyệt vời uẩn khúc. Cầm lòng sao đặng khi nghe cô cất cao giọng xẩm bình dân có pha chất men của một đào lẳng trên sân khấu chèo:
Nước trong xanh lơ lửng cái con cá vàng
Cây ngô đồng cành biếc
cái con chim phượng hoàng nó đậu cành cao
Thương em phận gái hoa đào
Bởi tham đồng bạc trắng
Nên em phải vào cái chốn cực thân…
***
Trong không gian phố cổ, người Hà Nội đã cố gắng gìn giữ và đắp bồi hồn cốt cho phố. Đưa hình ảnh gánh xẩm xưa vào lòng phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân là một trong những cách bảo tồn nét cũ của đất Hà Thành, thu hút khách muôn phương tìm về và thưởng lãm. Đêm Thu phương Bắc thật sâu, không gian phố cổ trải đầy cảm xúc. Bước chân tôi lâng lâng. Bên tai vẫn văng vẳng tiếng đàn nhị ò e í e, tiếng sênh tiền xúc xa xúc xắc, tiếng đàn bầu ngọt ngào, tiếng sáo réo rắt. Những điệu xẩm cứ quấn quyện theo mỗi cung bậc và sắc thái tâm hồn của khách lãng du trong đêm Hà Thành…
Hà Nội, Thu 2006